Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân người Việt Nam tại Pháp cho rằng, nếu Chính phủ tạo điều kiện hơn để Việt kiều có thể sở hữu quốc tịch Việt Nam, thì luồng vốn đầu tư về nước sẽ tăng nhanh.
Thưa ông, ông có thể phác thảo vài nét về cuộc sống của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp?

Theo con số mà tôi nắm được, cộng đồng người Việt Nam ở Pháp hiện có khoảng 350.000 người. Do những biến động của lịch sử, người Việt Nam đến sinh sống tại Pháp khá sớm. Khác với cộng đồng người Việt tại Đông Âu hay Hoa Kỳ, người Việt tại Pháp sống hoà mình với người dân bản địa, hầu như không có sự phân biệt nào về nguồn gốc người nhập cư.

Ở Pháp, không có những khu phố lớn tập trung hoàn toàn người Việt như tại California (Hoa Kỳ); không sở hữu hệ thống cửa hàng lớn, bởi thế hệ người Việt sau này sinh ra ở Pháp có nhiều cơ hội học tập và trưởng thành trong xã hội Pháp. Có nhiều người Việt nắm bắt được các cơ hội và đảm nhận những vị trí quan trọng trong các tập đoàn lớn của Pháp và thế giới có chi nhánh tại Pháp.

Những lĩnh vực mà người Việt Nam thành công tại Pháp là gì?

Những lĩnh vực thành công nhất của người Việt Nam tại Pháp theo tôi biết là: dịch vụ nhà hàng và du lịch, y tế, giáo dục, ngân hàng - tài chính, dịch vụ kiến trúc xây dựng, công nghệ thông tin… Đây là những ngành nghề cần sự tỉ mỉ, kiên trì và những tính cách này của người Việt được phát huy tốt. Đến Pháp, nếu nói mình là người Việt Nam, họ sẽ hỏi bạn có phải là nha sĩ không, hay là một kỹ sư công nghệ thông tin (?)! Ngoài ra, người Việt tại Pháp cũng thành công với các lĩnh vực khác, như quản lý nhà hàng, khách sạn nhỏ…

Các doanh nhân người Việt về nước tìm kiếm cơ hội đầu tư thường phải đối mặt với những khó khăn nào?

Có 3 yếu tố mà các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam luôn cảm thấy lo lắng là vấn đề lạm phát, hệ thống luật pháp chưa chặt chẽ và thông tin về các vấn đề kinh tế ít minh bạch. Ngoài ra, vấn đề về quốc tịch cũng khiến nhiều người cảm thấy e ngại. Nếu Chính phủ Việt Nam có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn để người gốc Việt có thể được sở hữu quốc tịch Việt Nam, thì sẽ có nhiều người đầu tư về nước hơn.

Để khuyến khích kiều bào về đầu tư ở trong nước, trong những lĩnh vực ưu tiên chẳng hạn, thì luật đầu tư nên bỏ quy định coi Việt kiều như nhà đầu tư nước ngoài, vì hiện tại, nhà đầu tư nào không có quốc tịch Việt Nam, đều bị coi là nhà đầu tư nước ngoài và phải chịu các thủ tục đầu tư rất phức tạp. Đó cũng có thể là một trong những trở ngại đối với Việt kiều khi muốn trở về đầu tư tại Việt Nam.

Việc xác minh nguồn gốc của Việt kiều để có quốc tịch Việt Nam mất rất nhiều thời gian. Theo tôi, Chính phủ hai nước có thể thoả thuận cho phép một tổ chức nào đó đứng ra thu xếp và bảo lãnh việc này. Khi có quốc tịch Việt Nam, được phép sở hữu các tài sản là bất động sản, nhiều người sẽ có động lực trở về đầu tư làm ăn ở trong nước. Nếu giải quyết được những vấn đề này, tôi tin rằng, luồng vốn của các doanh nhân Việt Nam tại Pháp đầu tư về nước sẽ tăng nhanh.

Theo ông, khi đầu tư về nước, người Việt Nam ở nước ngoài có lợi thế gì?

Những năm qua, đã có nhiều người Việt Nam tại Pháp đầu tư về nước và khá thành công trong các lĩnh vực y tế, may mặc, đào tạo nhân lực… Khi đầu tư về nước, các doanh nghiệp Việt kiều sẽ có nhiều lợi thế:

Thứ nhất là kinh nghiệm quốc tế và kiến thức tích lũy lâu năm tại nước sở tại.

Thứ hai là nguồn nhân lực tại Việt Nam tương đối tốt. Lao động Việt Nam có trình độ văn hoá khá cao so với các nước trong khu vực, khả năng tiếp thu nhanh các kỹ năng lao động, giá nhân công tại Việt Nam cũng khá rẻ…

Với những người Việt Nam ở nước ngoài khi đầu tư về nước, tôi cho rằng, sự hiểu biết về văn hoá, lối sống và tính cách người Việt Nam sẽ là nền tảng cho sự thành công của họ.

Theo Báo Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.