Không bao giờ là quá trễ để lập kế hoạch quản lý tài chính cá nhân; phải biết nói không với những chi tiêu không cần thiết; phải có “kỷ luật thép” với túi tiền...

Các bạn trẻ đặt câu hỏi với chuyên viên ngân hàng trong buổi giao lưu - Ảnh: Quang Định

Đó là những chia sẻ từ hai diễn giả với các bạn trẻ tham dự tọa đàm “Quản lý tài chính cá nhân”, diễn ra tại báo Tuổi Trẻ sáng hôm qua, 1-7 trong khuôn khổ chương trình “Hành trang cuộc đời” lần 9.

Tiết kiệm ngay từ bây giờ!

“Với 3,5 triệu đồng từ tiền bố mẹ cho và tiền đi làm thêm mỗi tháng, bạn sẽ chi tiêu như thế nào?” - ông Nguyễn Thanh Huy, giám đốc quan hệ khách hàng cá nhân Ngân hàng HSBC Việt Nam, đặt tình huống cho gần 300 bạn trẻ có mặt. Gần một trăm cánh tay hào hứng giơ lên. Chia tiền phòng với bạn, tự nấu ăn, đi lại bằng vé xe buýt tháng, giảm tối thiểu các khoản chi không cần thiết... 18 bạn đề xuất phương án chi tiêu cho “cái túi tiền nhỏ xíu” mà vẫn gửi tiết kiệm 200.000 đồng/tháng để dự phòng rủi ro.

Thế nhưng khi được hỏi thì chỉ hơn 10 bạn trong số các bạn trẻ có mặt cho biết mình có lập kế hoạch chi tiêu hằng tháng và chỉ... hai bạn là không bị “vỡ kế hoạch”. “Nói thì dễ nhưng làm không dễ tí nào. Hãy suy nghĩ thật kỹ trước mỗi lần mở ví, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu hằng tháng, tích lũy tương lai của chính các bạn”, ông Huy chia sẻ.

“Tăng thu, giảm chi, tăng các khoản tiết kiệm”, cả hội trường phì cười khi ông Huy nói về nguyên tắc cốt lõi trong quản lý tài chính cá nhân. “Bạn nào đã làm được điều này vui lòng đưa tay lên?”. Tiếng cười im bặt. Ít ai chú trọng đến nguyên tắc tài chính trên.

“Mục tiêu phải được xác định một cách cụ thể bằng con số. Sau khi xác định mục tiêu, mỗi bạn trẻ cần thiết lập một bảng ngân sách cá nhân, trong đó thống kê cụ thể các nguồn thu và nguồn chi, từ đó tìm ra giải pháp cân bằng thu chi và có khoản dư tiết kiệm. Đừng quên tiết kiệm ngay từ bây giờ”, ông Huy nhấn mạnh.

Kỷ luật thép với túi tiền

Là sinh viên năm nhất Trường ĐH Ngân hàng, bạn Nguyễn Anh Thư (ngành tài chính ngân hàng) được bố mẹ cho mỗi tháng 600.000 đồng để ăn sáng và chi phí đi lại. Thỉnh thoảng có dư vài chục, một trăm ngàn hoặc có tiền thưởng, học bổng thì Thư dùng ngay khi tiền còn nóng hổi. Lúc thì mua quần áo, lúc đi chơi, cà phê... “Cần mà không thích, không cần nhưng rất thích, Thư cũng lắm lúc đắn đo nhưng... cám dỗ luôn chiến thắng”, Thư tâm tình. Cho nên dẫu đọc khá nhiều tài liệu về chi tiêu cá nhân, quản lý tài chính, Thư vẫn chưa bao giờ áp dụng cho chính mình.

Trong khi đó Đặng Quốc Cường (ĐH Cần Thơ) thì tiền mẹ cho mỗi tháng dẫu ít anh vẫn lập chi tiêu thật chi tiết và cố gắng không “vượt rào”. “Suốt bốn năm đại học mình chưa bao giờ bị động về tài chính, chưa bao giờ phải mở miệng xin thêm tiền. Và sau một năm đi làm thì mình đã dư được chút đỉnh”, Cường chia sẻ.

“Quan trọng hơn hết là bạn phải có tính kỷ luật, đây là yếu tố cốt lõi để hoàn thành những mục tiêu đề ra” - ông Phương Tiến Minh, giám đốc cao cấp quản lý và phát triển chiến lược sản phẩm của Ngân hàng HSBC Việt Nam, chia sẻ. “Không có cách quản lý tốt thì sẽ không thành công. Không ngần ngại, không trì hoãn và hãy thực hiện ngay từ ngày đầu tiên được nhận tiền”, ông khuyên. “Phải biết kiểm soát và chi tiêu theo đúng kế hoạch của mình, chỉ cần một lần “vượt rào” chiều theo ý thích thì bạn sẽ làm hỏng chính bản thân mình, vỡ kế hoạch chi tiêu. Đừng nghĩ chiều theo ý muốn lần này thôi”, ông Minh chia sẻ.

“Nhất quyết phải đưa mình vô kỷ luật, chi tiêu cho nhu cầu chứ không chi tiêu cho mong muốn”, ông Minh nhấn mạnh. “Các bạn có thể uống cà phê bệt giá chỉ 5.000-10.000 đồng thay vì ngồi cà phê máy lạnh giá đến mấy chục ngàn đồng. Ráng nhịn mua vài cái áo, nhịn vài buổi đi chơi... để có khoản tiết kiệm phục vụ những nhu cầu lớn hơn như đi học, mua nhà, lập gia đình”, ông Minh nói thêm.

Hầu hết gương mặt trẻ đều tỏ vẻ ngạc nhiên khi ông Minh khẳng định tiết kiệm là khoản nhất thiết phải có chứ không phải là khoản dư ra hằng tháng sau khi đã chi hết cho những nhu cầu thiết yếu. “Hãy tiết kiệm càng sớm càng tốt” - vị giám đốc nhấn mạnh.

Cụ 76 tuổi cũng dự

“Không bao giờ là quá muộn! Một phụ nữ trụ cột trong gia đình mà không biết cách quản lý chi tiêu thì không thể chăm sóc tốt gia đình được. Nhiều tiền hay ít tiền không cần biết, vấn đề là phải biết cách chi tiêu hợp lý”, bác Nguyễn Thị Minh Cơ, 76 tuổi, chia sẻ.

Là độc giả lớn tuổi nhất tham dự chương trình, bác muốn kiểm chứng và thu nạp thêm kiến thức, kinh nghiệm trong việc quản lý tài chính cá nhân để về dạy cho con cháu. “Nhiều cháu bây giờ vung tiền không tiếc tay cho các buổi đi mua sắm và lê la cà phê, để lại hậu quả là luôn thấp thỏm trong tình trạng thiếu tiền. Tôi không muốn con cháu mình rơi vào thế bị động như vậy” - bác nói.

Theo Tuổi Trẻ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.