Cập nhật 16/01/2014 9:23 PM
Phát biểu quan điểm bảo vệ cho Ngân hàng Công thương Việt Nam, luật sư cho rằng, các giao dịch của Huyền Như với các ngân hàng, công ty và cá nhân là bất hợp pháp nên người có trách nhiệm trả nợ phải là Huyền Như.

Chiều 16/1, Luật sư Nguyễn Thị Bắc, người bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), đã khẳng định ngân hàng này hoàn toàn không chịu trách nhiệm trong vụ án Huyền Như lừa chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng của 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân.

Theo luật sư Bắc, vì muốn có tiền bằng mọi cách để trả nợ những khoản vay lãi suất cao mà Như đã đánh vào lòng tham của các ngân hàng, công ty và các cá nhân để đưa họ vào cái bẫy "siêu lãi suất" nhằm chiếm đoạt tiền của những đơn vị này chứ không phải muốn “đặt bẫy” cho Vietinbank. Bị cáo Như đã giả danh, lợi dụng danh nghĩa của Vietinbank và dùng các thủ đoạn gian dối làm con dấu, chữ ký giả cũng như những sơ hở, sai phạm của các tổ chức, cá nhân này để lừa số tiền khổng lồ. Từ đó, vị luật sư cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là đúng người đúng tội. Các tổ chức, cá nhân bị Như lừa có quyền đòi bị cáo phải bồi thường.

Luật sư của Vietinbank cho rằng các tổ chức và cá nhân bị Huyền Như lừa nên phải đòi bị cáo bồi thường. Ảnh: Hải Duyên.

Phản hồi những quan điểm của nhiều luật sư trước đó về việc Vietinbank đã chậm phát hiện những sai phạm của Như, luật sư Bắc cho rằng, Vietinbank chi nhánh Điện Biên Phủ được thành lập từ tháng 5/2010 và chính thức đi vào hoạt động tháng 7/2010. Đến tháng 9/2011, Vietinbank phát hiện ra những mối quan hệ làm ăn mờ ám của Như với các công ty, cá nhân nên đã báo với cơ quan điều tra xử lý.

“Thủ đoạn phạm tội của Như rất tinh vi, giao dịch của các công ty và cá nhân với bị cáo bị che giấu một cách kín kẽ. Trong năm 2010 và 9 tháng đầu năm 2011, Vietinbank đã được các đơn vị Kiểm toán nhà nước, Thanh tra giám sát ngân hàng thực hiện kiểm toán và thanh tra nhưng vẫn không phát hiện ra", luật sư lập luận và khẳng định: “Vietinbank hoàn toàn không chịu trách nhiệm với những giao dịch bất hợp pháp của các ngân hàng, công ty và cá nhân với bị cáo Như trong vụ án này”.

Trước đó, trong phần phát biểu quan điểm tranh luận, luật sư Trương Thanh Đức bảo vệ cho Ngân hàng NaviBank (bị Như chiếm đoạt 200 tỷ đồng) cho rằng, trên website của VietinBank sáng nay vẫn khẳng định tiền trong tài khoản của khách hàng được VietinBank quản lý và bảo mật. Trong khi đó, đại diện VietinBank lại trả lời trước tòa là trong các bộ luật, văn bản dưới luật không có điều khoản nào quy định về trách nhiệm quản lý tài khoản tiền gửi, số dư trên các tài khoản của khách hàng tại ngân hàng.

Sau khi đưa ra nhiều lập luận, luật sư Đức cho rằng, tài khoản bị “chọc thủng” ở khâu nào, thì sẽ tương ứng với trách nhiệm liên quan của khách hàng hay ngân hàng ở khâu đó. Nếu khách hàng không hề ký lệnh rút tiền hay thanh toán, cũng không hề ký hợp đồng cầm cố tiền gửi… thì đương nhiên là không có lỗi trong việc tiền cứ tự nhiên “biến mất” khỏi tài khoản của mình.

Vị luật sư cũng ví rằng, việc quản lý tài khoản và tài sản trong tài khoản của khách hàng được mở tại ngân hàng được phân chia giống như khách hàng là người cầm chìa khóa mà ngân hàng là người giữ ổ khóa. Ngân hàng hoàn toàn có thể phá khóa hoặc bất kỳ một chiếc chìa nào khác để mở và dịch chuyển tài sản. Trong vụ việc này, Như đã làm giả các lệnh chi để chuyển tài sản của khách hàng đi trả nợ cho các tổ chức, cá nhân khác. Vì vậy, Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường những thiệt hại này cho khách hàng.

“Nếu Vietinbank không thừa nhận là bị hại, không trả tiền cho khách hàng thì hàng loạt cán bộ của Ngân hàng Vietinbank đang phải ngồi trước tòa vì bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tín đụng đều bị xử oan. Chức danh trưởng phòng giao dịch mà Vietinbank trao cho Huyền Như chỉ để làm kiểng và để cho Huyền Như tự tung tự tác trong việc quản lý tài sản của khách hàng”, vị luật sư kết thúc phần tranh luật của mình.

Bảo vệ cho công ty Bảo hiểm Toàn Cầu (bị Như chiếm đoạt 125 tỷ đồng), luật sư Đặng Ngọc Châu cũng đưa ra lập luận, các hợp đồng tiền gửi giữa công ty này với Vietinbank là thật, mức lãi suất theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước nên buộc Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường.

Ngoài ra, luật sư cũng bác bỏ quan điểm của VKS cho rằng việc khách hàng không đến phòng giao dịch để thực hiện các thủ tục với ngân hàng là sai, nhằm miễn trách nhiệm của Vietinbank trong vụ việc này. Theo luật sư Châu, ngày nay, với những ứng dụng về công nghệ trong hệ thống quản lý ngân hàng và đảm bảo sự tiện ích cho khách hàng thì không nhất thiết phải đến ngân hàng để thực hiện các giao dịch mới được coi là hợp pháp. Khách hàng hoàn toàn có thể thực hiện các lệnh gửi tiền, rút tiền, chuyển tiền bên ngoài ngân hàng thông qua hệ thống Internet banking.

Kết thúc ngày làm việc hôm nay, HĐXX đã cho các bị cáo được tự phát biểu quan điểm bào chữa cho mình. Tuy nhiên, Huyền Như không bào chữa gì thêm và đồng ý với phần trình bày của luật sư bào chữa trước đó. Một số cán bộ, nhân viên của ngân hàng đề nghị HĐXX xem xét đến hoàn cảnh phạm tội của mình. Bởi, việc bỏ qua những khâu trong việc thẩm định, hoàn thiện hồ sơ tín dụng với khách hàng lúc đó hoàn toàn chịu sự chỉ đạo của cấp trên là Huyền Như cũng như tin tưởng vào Như nên không phát hiện ra những hồ sơ này là giả.

Ngày mai, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần bảo vệ của một số luật sư của bị hại.

Hải Duyên (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….