Ở tuổi 70, nhiều người đã nghỉ hưu vài năm, nhưng một cựu giám đốc sàn chứng khoán bắt đầu sự nghiệp mới với tư cách cố vấn cho một nhà môi giới bán xổ số.

Ở tuổi 70, khi nhiều người xung quanh đã nghỉ hưu thì ông Fukutaro Fukui, cựu giám đốc sàn chứng khoán, lại bắt đầu sự nghiệp mới với tư cách cố vấn cho Công ty môi giới xổ số Tokyo Takara Shokai.

Nikkei đưa tin, công việc này kéo dài 31 năm. Hàng ngày, cụ ông mất 1 giờ để đi tàu vào trung tâm thành phố Tokyo cho đến khi nghỉ hưu ở tuổi 101. Fukutaro Fukui trở thành một trong những người già nhất làm công ăn lương tại xứ sở hoa anh đào.
Lao ong Nhat Ban lam viec den 101 tuoi moi nghi huu hinh anh 1
Fukutaro Fukui hiện đã 104 tuổi, chỉ thực sự nghỉ hưu 3 năm trước, khi đã 101 tuổi. Ảnh: Nikkei

Hiện tại, ông đã 104 tuổi và mới nghỉ hưu 3 năm, dành những tháng cuối đời tại nhà dưỡng lão ở thành phố Chigasaki, ngoại ô Tokyo.

Fukui cho biết, mục đích của quyết định năm xưa không phải là vì tiền. Ông tin rằng mong muốn làm việc là một bản năng nằm sâu trong mỗi con người.

“Chúng tôi không quan tâm đến những gì mình đạt được, thậm chí là thăng chức. Tôi làm việc chỉ vì đó là bản năng của tôi”, ông nói.

Công việc kéo dài 3 thập kỷ này không phải là việc đặc biệt thú vị, ít nhất là so với những gì mà ông đảm nhiệm trước đó trong lĩnh vực tài chính, mua bán sáp nhập. Nó liên quan chủ yếu đến đếm tiền và số vé.

Tuy nhiên, ông lão thích nó. “Đôi khi tôi trèo lên cầu thang một mình để đến văn phòng, mang theo một vali với hàng chục nghìn tấm vé số, và thậm chí đi nhanh hơn so với các đồng nghiệp trẻ”, ông kể.

Lý do Fukui gắn bó với công việc suốt 31 năm là vì luôn trung thành với Tamazo Mochizuki, người bạn tốt nhất và cùng lớp đại học, cũng là lãnh đạo công ty xổ số trên. Hai người gặp nhau khi đang theo học ngành kinh tế tại Đại học Keio ở Tokyo.

Ban đầu, cả hai ước mơ trở thành những nhà nghiên cứu kinh tế. Tuy nhiên, Chiến tranh Thế giới II đã ngăn cản những giấc mơ. Ông nhập ngũ và được điều tới khu vực Mãn Châu để phục vụ quân đội.

"Sau chiến tranh, tôi từ bỏ giấc mơ, bởi xã hội có quá nhiều tiến sĩ khi chúng tôi trở về. Mochizuki-san và tôi đã tụt lại đằng sau quá xa”, Fukui nói.

Ông gia nhập sàn chứng khoán nhỏ do người bạn thân nhất sáng lập – Sàn chứng khoán Mochizuki (sau này đổi thành Sàn chứng khoán Kankaku), sau khi điều hành một cửa hàng nhập khẩu lông thú.

Thực tế, Fukui từng có ý định nghỉ hưu năm 96 tuổi. Nhưng vợ của ông chủ công ty đã đến gặp con gái của Fukui và nhờ bà khuyên cha mình ở lại. Lòng chung thủy với người bạn đã mất khiến ông Fukui suy nghĩ lại và quyết định gắn bó với công việc này, ngay cả khi vợ ông qua đời vào năm 2009.

Con dâu trưởng của ông thường lái xe đưa Fuku ông tới nhà ga và đón ông sau khi kết thúc giờ làm việc mỗi ngày, cho đến khi ông chính thức nghỉ hưu.

Ông đã viết một cuốn tự truyện về cuộc đời mang tên: “Tuổi bách niên, con người luôn được cần đến”. Cuốn sách xuất bản tại Nhật sau đó được dịch và bán tại Indonesia, Hàn Quốc và Đài Loan.

Ở đất nước mặt trời mọc, những người làm việc qua tuổi nghỉ hưu như ông Fukui không phải hiếm. Theo một nghiên cứu công bố năm 2015 của Bộ Lao động Nhật Bản, 82% công ty Nhật thuê người đã nghỉ hưu. Số lượng nhân viên trên 65 tuổi tới 6,81 triệu người.

Kim Ngân (Zing)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.