Cập nhật 11/10/2014 7:18 PM
Ngày càng có nhiều yếu tố gây biến động thị trường, khiến cho những DN đầu thị trường hôm nay, chưa chắc đã giữ được vị trí gày mai. Vì vậy, DN rất cần những lãnh đạo có "tầm nhìn xa trông rộng”, chú trọng định hướng, thúc đẩy xu hướng mới và sáng tạo... Tuy nhiên, Việt Nam lại đang có khoảng trống lớn về những lãnh đạo có năng lực.
Đây là nhận định của các chuyên gia quốc tế tại Hội thảo thường niên khu vực ASEAN với chủ đề "Lãnh đạo sự thay đổi" mới được tổ chức ở Hà Nội.

Theo các chuyên gia, các công ty ngày càng khó thích nghi kịp thời với những thay đổi của môi trường kinh doanh. Dẫn đầu thị trường chưa phải đã mang lại sự chắc chắn cho tương lai.

10 năm trước, Nokia là DN dẫn đầu thế giới về điện thoại di động, nhưng nay thì sao, đã sa sút "không phanh".

Alibaba là DN rất giỏi nắm bắt sự thay đổi của thị trường và điều chỉnh chiến lược kinh doanh cho phù hợp, chính vì vậy mà phát triển mạnh mẽ.

Để đảm bảo DN của mình luôn theo kịp sự đổi mới, lãnh đạo cần luôn nắm bắt được sự thay đổi và kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh, cho phù hợp với thời cuộc.

{keywords}
Sự nhạy bén và sáng tạo sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đi đúng hướng.

Theo ông Douglas Jackson Giám đốc Điều hành Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, Tập đoàn Tư vấn Quản trị Boston Consulting Group (BCG) thì hội nhập khu vực diễn ra ngày càng nhanh chóng. Biên giới giữa các ngành đã lu mờ, do sự gia tăng của những khu vực thương mại, khi Việt Nam tham gia vào ASEAN.

DN nước ngoài đang vào Việt Nam để tận dụng nguồn lao động giá rẻ và những lợi thế về xuất khẩu. Trong số đó, các công ty hoạt động trong thị trường mới nổi đang trở nên mạnh mẽ và là đối thủ cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia. DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với các công ty này từ Thái Lan.

Một số tập đoàn thực phẩm của Thái Lan có đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia tên tuổi trên thế giới như Nesttle...Với tài chính tốt, các công ty này sẽ vượt mặt DN Việt Nam ngay tại thị trường Việt Nam, đó là điều đáng cảnh báo.

Trước tình hình đó, lãnh đạo DN Việt Nam cần tăng cường sự nhanh nhạy, giảm tính tự mãn, giảm những cảm xúc tiêu cực, vạch ra hướng đi, xây dựng các nhóm làm việc, truyền thông một cách tích cực, đó chính là cách tạo ra sự thay đổi, ông Douglas Jackson nhấn mạnh.

Theo ông Mark Billington, Giám đốc khu vực Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh & xứ Wales (ICAEW), một "cuộc chiến" giành giật nhân tài đang diễn ra, bởi sở hữu nhân tài tốt sẽ có được những sáng tạo trong tương lai. Đây không chỉ là "cuộc chiến" toàn cầu mà còn là "cuộc chiến" trong khu vực. DN Việt Nam cần phải ‘bủa lưới’ rộng hơn để thu hút người tài không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Song song, cần có chính sách để giữ chân những người tài giỏi. Ngoài việc có chiến lược về phát triển kinh doanh còn cần có chiến lược phát triển nhân sự.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, đến 2015 Hiệp định AFTA có hiệu lực và đến 2018 sẽ dỡ bỏ hàng rào thuế quan, khi đó DN sẽ tự do hơn về biên giới, về giao dịch kinh tế, họ sẽ cân nhắc xem tìm nơi đầu tư có môi trường thuận lợi để đầu tư. Nguồn vốn có thể sẽ chạy khỏi Việt Nam. Cùng với đó, nguồn nhân lực có trình độ sẽ được tự do chuyển đến những quốc gia khác trong khu vực làm việc. Điều này sẽ giúp họ lựa chọn được môi trường làm việc tốt hơn, được ưu đãi hơn.

Các nước như Singapore, Thái Lan... được dự báo sẽ là nơi thu hút nhân tài trong khu vực, Việt Nam có nguy có sẽ "chảy máu" nhân tài và càng tạo ra khoảng cách với các nước dẫn đầu.

“Lãnh đạo DN Việt Nam thường mơ mộng, chỉ thích hướng tới các tập đoàn lớn của châu Âu hay Bắc Mỹ mà ít quan tâm đến những DN ở các nước ngang hàng với ta. Tuy nhiên đây sẽ là những đối thủ khiến cho DN Việt Nam thất bại trong hội nhập”, Ông Thành cảnh báo.

Trần Thủy (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.