Nhân sự kiện Phó Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Myanmar, Ngài Nyan Tun, cùng đoàn DN có chuyến thăm chính thức Việt Nam và Hiệp hội các Nhà đầu tư Việt Nam tại Myanmar (AVIM), ĐTTC có cuộc trao đổi với ông Trần Kim Chung (ảnh), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn C.T Group, Phó Chủ tịch AVIM.

PHÓNG VIÊN: - Với cương vị là Phó Chủ tịch AVIM, ông có thể nhận định về thị trường Myanmar?

Ông Trần Kim Chung (ảnh), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn C.T Group, Phó Chủ tịch AVIM.

- Ông TRẦN KIM CHUNG: - Có thể nói Myanmar hiện nay đang là mảnh đất “vàng” cuối cùng của châu Á, bởi nước này đã đóng cửa nhiều thập kỷ qua.

- Có thể nói Myanmar hiện nay đang là mảnh đất “vàng” cuối cùng của châu Á, bởi nước này đã đóng cửa nhiều thập kỷ qua.

Hiện nay Chính phủ Myanmar đang bắt đầu mở cửa và có nhiều động thái như công bố thả nổi tỷ giá đồng kyat từ tháng 4-2012; dự thảo luật mới của Myanmar sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể được hưởng chế độ giãn thuế từ 3 năm lên 5 năm; thời gian thuê đất lên đến 50 năm và được gia hạn thêm 2 lần, mỗi lần 10 năm; lĩnh vực năng lượng cũng được cho phép đầu tư nhưng phải đáp ứng một số điều kiện cụ thể; luật khuyến khích đầu tư đặc biệt vào đặc khu kinh tế Dawei nằm ở phía Đông Nam của Myanmar cách Yangoon khoảng 600km về phía Nam được ban hành vào năm 2011.

Đây là cơ hội lớn mà các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm và tìm cách khai thác. Nói chung, Myanmar đang thay đổi từng ngày, thế giới bước đầu đã công nhận những chuyển biến vĩ mô tại quốc gia này.

Vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã đồng ý tái lập chương trình cung cấp viện trợ cho Myanmar; hay Pepsi Cola và Coca Cola cũng đã bắt đầu các bước thâm nhập vào thị trường này. Đặc biệt, Luật Đầu tư nước ngoài được Quốc hội Myanmar thông qua và Tổng thống Thein Sein phê chuẩn vào ngày 2-11-2012, chắc chắn sẽ tạo ra những đột phá quan trọng trong việc thay đổi đất nước và thu hút đầu tư vào Myanmar.

- Vậy theo ông những thuận lợi và nên thận trọng gì khi các DN Việt Nam đầu tư vào nước này?

- Đối với DN Việt Nam cũng có những thuận lợi nhất định khi đầu tư vào thị trường này. Chẳng hạn văn hóa Myanmar có những nét tương đồng với văn hóa Việt; bối cảnh kinh tế của Myanmar cũng khá tương đồng bối cảnh Việt Nam những năm mới mở cửa, do đó DN Việt Nam có thể áp dụng một số kinh nghiệm thực tế ở đây; vị trí địa lý của Myanmar cũng thuận lợi, chỉ mất khoảng 2,5 giờ bay thẳng từ TPHCM và chuyến bay cũng có mỗi ngày nên việc đi lại khá thuận lợi.

Ngoài ra, chính quyền và con người Myanmar cũng có những tình cảm khá tốt dành cho Việt Nam, nên sẽ thuận lợi hơn trong việc hợp tác làm ăn.

Tuy nhiên, thị trường Myanmar chưa thực sự minh bạch, có khá nhiều rào cản về thủ tục hành chính cũng như tệ nạn về quan liêu, tham nhũng. Myanmar đã trải qua thời gian dài đóng cửa nên một số nhân viên cũng thiếu cơ hội cọ xát với thế giới bên ngoài.

Một số người còn thụ động, hoặc trong tình trạng kinh tế vừa mở cửa nhanh nên dễ chao đảo. Nhiều khó khăn và bất cập ở thị trường đang mở cửa với những quy định và chính sách chưa thông cùng với những điều kiện, văn hóa giao tiếp truyền thông qua internet, điện thoại còn nhiều hạn chế.

Hiện tại, C.T Group đang có các hoạt động hỗ trợ hành trang pháp lý cho các DN Việt Nam và cung cấp các dịch vụ có liên quan khác như cho thuê văn phòng, đầu tư tài chính, cung cấp gói dịch vụ xin cấp giấy phép thành lập công ty hoặc văn phòng đại diện cho các DN. Tôi nghĩ những hoạt động này sẽ rất hữu ích cho các DN Việt Nam khi muốn đầu tư sang thị trường Myanmar.

- Cho đến nay có bao nhiêu DN Việt Nam đầu tư vào Myanmar, tổng vốn đầu tư? Riêng C.T Group có lợi thế gì khi đầu tư vào Myanmar?

- Hiện nay, AVIM có 54 thành viên, có 11 DN Việt Nam đã được cấp phép hoạt động và gần 20 dự án của DN đang trong quá trình nghiên cứu, nộp hồ sơ đầu tư tại Myanmar... Theo số liệu của Myanmar, tính đến tháng 2-2013, Việt Nam đứng thứ 9 trong tổng số 30 quốc gia đầu tư tại Myanmar với tổng số vốn đầu tư là 370 triệu USD.

C.T Group có nhiều lợi thế khi đầu tư vào Myanmar, bởi bề dày lịch sử phát triển hơn 20 năm cùng với những kinh nghiệm nhất định tại thị trường của nhiều quốc gia mới phát triển, là DN tiên phong thâm nhập và khai phá thị trường này. Trên cơ sở kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực bất động sản và bán lẻ cao cấp, chúng tôi có thế mạnh đầu tư vào lĩnh vực phát triển hạ tầng, công nghệ ở Myanmar cũng như trong lĩnh vực xuất khẩu.

Hiện C.T Group đã trở thành nhà phân phối độc quyền cho hơn 50 tập đoàn và DN Việt Nam; đang tiến hành mở rộng độ phủ thị trường với các kế hoạch xây dựng hệ thống phân phối truyền thống và hiện đại; xây dựng nhà máy sản xuất bột mì và mì ăn liền; xây dựng 2 dự án bất động sản tại thành phố Yangoon với tổng vốn đầu tư lên tới 150 triệu USD…

- Ông có thể so sánh hàng hóa của Việt Nam cũng như hàng hóa nước sở tại và hàng hóa các nước khác tại Myanmar?

- Hiện hàng hóa Việt Nam rất được người tiêu dùng Myanmar ưa chuộng. Nếu như trước kia hàng hóa của Thái Lan và Trung Quốc gần như độc chiếm thị trường này, thì nay người tiêu dùng đã thấy “ngán” và sẵn sàng trả giá cao hơn cho các mặt hàng có chất lượng.

Minh chứng là mặt bằng giá bán lẻ hàng hóa hiện đã tăng 2 - 3 lần so với năm ngoái. Bằng chất lượng và uy tín, hàng Việt Nam hoàn toàn có thể chinh phục người tiêu dùng Myanmar. Với việc tạo dựng một hệ thống phân phối tốt, hàng hóa Việt Nam vẫn có thể lưu thông một cách tốt nhất. C.T Group đang dốc sức đầu tư vào hệ thống phân phối tại Myanmar dưới cả phương thức kênh phân phối truyền thống (bán hàng vào các cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống và chợ đầu mối) và theo phương thức phân phối hiện đại (TV shopping, internet, và các kênh bán hàng mới). Trên cơ sở đó mở đường cho hàng Việt thâm nhập sâu rộng vào thị trường Myanmar.

- Vậy ông có lời khuyên gì cho những DN Việt Nam nào nên đầu tư vào Myanmar?

- DN Việt Nam có thể đầu tư hiệu quả tại Myanmar các mặt hàng, lĩnh vực như hàng tiêu dùng, trang thiết bị máy móc, vật liệu xây dựng, trao đổi nông sản phẩm, xây dựng cơ sở hạ tầng… Nhưng điểm đáng lưu ý là khi làm ăn với người Myanmar, chúng ta phải hết sức trọng chữ tín. Một khi họ đã tin tưởng mình, công việc làm ăn sẽ rất thuận lợi.

Người Myamar đều rất chân thành, thật thà và rất uy tín trong kinh doanh, buôn bán, làm ăn. Giá cả tại thị trường Myanmar hiện đang rất thấp, dĩ nhiên cũng có một số mặt hàng giá cao do vấn đề rào cản và cấm vận, nhưng nhìn chung các mặt hàng tiêu dùng có giá khá thấp. Vì vậy các DN phải luôn tìm kiếm cơ hội để cung cấp cho thị trường này những sản phẩm có chất lượng và với giá thấp.

- Xin cám ơn ông.

Xem thêm bài viết về: Ông Trần Kim Chung
Trần Hải (Sài Gòn đầu tư tài chính)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.