Giữa trưa nắng chói chang, ngay bên con đường hầm bằng đất độc nhất vô nhị, chúng tôi gặp Trịnh Bá Dũng. Trước khi vào Đà Lạt, tôi đã nghe bạn bè kể nhiều giai thoai về anh. Anh được mệnh danh là "Dũng khùng", vì anh có niềm say mê với đất, dám ném hết sức lực và tiền bạc của mình vào trò chơi đất rất kỳ lạ.

Vốn là chàng trai quê tỉnh Thanh, học xong đại học hàng hải, Dũng vào Sài Gòn kiếm việc sinh sống. Một thời gian sau, anh đi tu nghiệp bên Đức, rồi về nước cùng bạn bè mở công ty xây dựng và trang trí nội thất. Một bữa, lên thăm Đà Lạt, anh quyết định đưa công ty của mình lên làm việc tại thành phố mộng mơ bốn mùa hoa này. Một ý nghĩ bất chợt nảy ra trong đầu Dũng: Anh sẽ quyết làm một công trình độc đáo ở nơi đây. Nhân một buổi đi thăm thú hồ Tuyền Lâm, Dũng chợt nhận ra cái màu đất ba-dan đỏ tươi dưới chân mình sẽ là nguồn nguyên liệu vô cùng phong phú cho công trình dị biệt của mình. Thế là ý tưởng ngôi nhà đất vụt hiện. Liền đó, anh bắt tay vào thực hiện. Một ngôi nhà đất mang phong cách thuần Việt với cấu trúc tường nhà, mái nhà, đồ vật dụng trong ngôi nhà hoàn toàn bằng đất. Từ chiếc giường, bộ bàn ghế phòng khách, cho đến chậu nước rửa mặt, khung gương trang điểm, chiếc chao đèn, cái vòi nước... đều được làm bằng đất với sự cách điệu rất sinh động. Mỗi vật dụng được tạo dáng ngộ nghĩnh, lạ lẫm và bắt mắt người xem.

Chất liệu đất dễ làm, nhưng lại dễ đổ vỡ. Bí quyết của Trịnh Bá Dũng là anh đã nghiên cứu ra một hóa chất khi pha trộn với đất ba-dan để quét phủ lên bề mặt đồ vật tạo dáng bằng đất thì đồ vật kia có kết cấu bền chắc tương đương vôi vữa bê tông. Đã vậy, Trịnh Bá Dũng lại nghiên cứu ra loại hóa chất để pha cùng bột đất, tạo ra lớp sơn phủ bề mặt có màu sắc lung linh và hài hòa cho công trình của mình, bất chấp sự xâm thực của nắng mưa.

Vậy là sau bốn năm, từ khi có ý tưởng, cho tới quá trình thực hiện, ngôi nhà đất với diện tích 90 mét vuông của anh đã hoàn chỉnh. Ngôi nhà tọa lạc trong khuôn viên 500 mét vuông bên hồ Tuyền Lâm, nép dưới bóng hàng thông nhiều tuổi, tăng vẻ đẹp vừa thơ mộng vừa cổ kính. Nét đẹp dị biệt này, làm bao du khách tới tham quan không khỏi ngỡ ngàng. Với tình yêu Tổ quốc, Trịnh Bá Dũng còn cho đắp bản đồ Việt Nam ngay trên mái nhà rộng gần 30 mét vuông, có đầy đủ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thân thương. Ngôi nhà đất độc nhất vô nhị của Trịnh Bá Dũng khi khánh thành đã được đông đảo bạn bè cổ vũ, nhiều du khách tới thăm và đã được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam.

Một đoạn đường hầm bằng đất mô tả chiếc điện thoại cổ và dãy phố cổ của Đà Lạt trước đây.

Niềm đam mê với đất của Trịnh Bá Dũng không dừng ở lại đấy. Một ý tưởng táo bạo lại vụt hiện trong đầu anh. Anh muốn làm con đường hầm nằm trong lòng đất, tái tạo cuộc sống của thành phố Đà Lạt. Sau các khâu tính toán dự án, con số vốn cần đầu tư không nhỏ - hai trăm tỷ đồng. Mấy người cộng sự với anh cho là dự án hoang đường, không khả thi. Trịnh Bá Dũng càng quyết tâm, càng đam mê theo đuổi ý tưởng bất thường của mình, nhất là sau chuyến anh đi tham quan, học hỏi ở các nước Pháp, Áo, Hà Lan trở về. Anh tự đặt câu hỏi, tại sao các nước họ tạo ra được nhiều công trình độc đáo làm bàng hoàng cả nhân loại, tại sao người Việt Nam lại không làm được. Anh đem ý tưởng mới lạ này trao đổi cùng bạn bè, không ít người cho là anh điên rồ.

Không dập tắt được niềm khao khát sáng tạo của mình, năm 2010, Trịnh Bá Dũng - nhân danh Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đà Lạt Star liền thu xếp tiền vốn, tập hợp cộng sự, gồm các họa sĩ, thợ điêu khắc, thợ xây dựng, chính thức khởi công công trình đường hầm bằng đất độc đáo của mình. Việc đầu tiên là dùng máy xúc san ủi và xúc thành đường hầm lớn, dài hơn một cây số, có độ dốc quanh co theo sườn đồi, có chỗ có độ sâu 12 mét so với mặt đồi. Tiếp đó, khâu quan trọng chủ chốt, tạo ra hồn cốt của đường hầm, là điêu khắc, đắp hình nổi tái tạo lại vẻ đẹp quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của thành phố Đà Lạt.

Đấy là những giai đoạn khởi nguồn, với những cánh rừng cổ đại, những gốc cây cổ thụ quằn quại chùm rễ, rồi những đàn voi hoang dại kéo nhau đi từng bầy. Rồi những con chim, con bướm, con ong bay rạo rực cả không gia thuở hồng hoang. Những bông hoa, những trái cây như tỏa hương bên ầm ào đổ thác. Những ngôi nhà cổ của người dân tộc H"co. Những đám mây lang thang trên cao nguyên Langbiang. Tiếp đó, hình ảnh thành phố trong quá trình xây dựng, phát triển. Những công trình kiến trúc đẹp tiêu biểu của Đà Lạt được tái tạo. Nào trường cao đẳng sư phạm, nhà ga xe lửa, nhà thờ, chùa chiền, hồ nước, thác nước, biệt thự cổ, đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước, xe vespa cổ, đồng hồ cổ, điện thoại cổ, rồi những rặng cây hoa mai anh đào đặc trưng của Đà Lạt bằng đất nom lung linh, sống động như thật.

Quá trình xây dựng đường hầm bằng đất này, không ít người đã phản đối kịch liệt. Họ cho rằng công trình đã đào xới nham nhở, làm xấu đi vẻ đẹp thanh bình và thơ mộng của các triền đồi cỏ xanh Đà Lạt. Trịnh Bá Dũng lại phải giải trình vẻ đẹp của công trình khi nó hoàn thành, nó sẽ góp phần tạo ra những nét đẹp riêng biệt. May mắn cho anh, những người có trách nhiệm trong việc quản lý thành phố Đà Lạt đã đánh giá đúng giá trị công trình mà anh theo đuổi. Họ đã ủng hộ và tạo điều kiện cho Trịnh Bá Dũng tiếp tục hoàn chỉnh công trình của mình.

Trịnh Bá Dũng tâm sự, thật ra, cũng có giây phút anh bị dao động, hoang mang trước công trình mà mình theo đuổi. Anh đã ném công sức của mình không tính toán cho công trình. Bao trí tuệ, bao công sức cơ bắp. Và anh dồn tất cả đồng vốn liếng cuối cùng của mình cho công trình. Trong thẳm sâu, anh có niềm tin vững chắc vào việc mình làm. Anh biết, đã là sáng tạo thì bao giờ cũng phải trả giá. Anh liên tưởng tới công trình tháp Eiffell với vẻ đẹp ngạo nghễ trên nền trời thủ đô Paris. Người kiến trúc sư trưởng Eiffell thuở đó cũng bị bao người dân Pari la ó. Họ cho rằng khối sắt thép quỷ quái sẽ làm xấu đi vẻ đẹp dịu dàng, đài các và tráng lệ của thủ đô Paris. Điều tiên quyết của người làm sáng tạo là phải có sự thông minh, tỉnh táo và có bản lĩnh tin vào kết quả sáng tạo của mình. Ngày nay, người dân Paris đã tự hào vì thành phố của họ có ngọn tháp Eiffell diệu kỳ.

Trịnh Bá Dũng đã có giây phút cảm xúc nghẹn ngào vì sung sướng khi đứng lặng nhìn con đường hầm đất của mình đang vào giai đoạn hoàn thiện cuối cùng. Anh tin khi công trình hoàn thành, đó sẽ là một điểm tham quan thú vị, độc đáo của bao du khách. Mọi người yêu quý gọi anh là "Dũng khùng" thật đúng. Vì anh là người luôn có ý tưởng táo bạo, người luôn dám ước mơ, dám biến ước mơ thành hiện thực. Công trình ngôi nhà đất và đường hầm đất ở khu du lịch bên hồ Tuyền Lâm của anh là một minh chứng cho sự đam mê "điên khùng" của anh. Chính với ước vọng "điên khùng", Trịnh Bá Dũng đã để lại cho đời công trình kiến trúc nghệ thuật kỳ lạ.

Đà Lạt ngày nay, bên cạnh vẻ đẹp mơ màng của hồ Xuân Hương, vẻ trầm mặc mênh mang của hồ Tuyền Lâm, nét diễm tình đắm say của đồi Mộng Mơ, thung lũng Tình Yêu, sự hùng vĩ của các thác nước do thiên nhiên tạo ra; còn có những vẻ đẹp độc đáo, dị biệt do con người làm ra, như ngôi nhà trăm mái, khách sạn hang động gốc cây Hằng Nga và ngôi nhà đất, đường hầm đất của Trịnh Bá Dũng. Anh ấp ủ ước mơ, khi công trình đường hầm bằng đất của mình hoàn thành, sẽ được ghi vào sách kỷ lục của thế giới. Khi ấy, anh có niềm tự hào rất lớn, khẳng định người Việt Nam cũng giàu óc sáng tạo như bao người dân nước khác.

Vũ Từ Trang (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.