Cập nhật 01/06/2016 10:39 PM
Các công ty Nhật Bản đang mở rộng hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ ba thế giới gặp khủng hoảng.

Các thương vụ M&A có liên quan tới các công ty Nhật Bản trong 5 tháng đầu năm 2016 tăng 62% , lên mức 55,4 tỷ USD, so với cùng thời gian năm ngoái, theo số liệu tổng hợp của Bloomberg. Đây là giá trị cao nhất trong một thập kỷ qua, khi một số công ty lớn nhất Nhật Bản, bao gồm cả Toshiba Corp và Mitsubishi Motors Corp, đều tìm đến M&A như một giải pháp gỡ khó cho hoạt động kinh doanh.

Theo đó, Toshiba, sau khi đối diện với scandal thổi phồng lợi nhuận thực tế trong báo cáo tài chính, đã quyết định bán bộ phận sản xuất thiết bị y tế cho Canon Inc với giá 665,5 tỷ yên (6 tỷ USD) trong tháng 3/2016. Mitsubishi Motors đầu tháng 5 đã đồng ý bán 34% cổ phần cho Nissan Motor Co với giá 237,4 tỷ yên.

“Do tình trạng khó khăn của nền kinh tế, các thương vụ M&A đang gia tăng đột biến tại Nhật Bản. Chúng tôi cho rằng sẽ còn nhiều thương vụ mang tính giải quyết khủng hoảng như thế này diễn ra trong vài tháng tới, đặc biệt là tại các lĩnh vực công nghiệp đang chịu sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường toàn cầu như điện tử và xe hơi”, Toshiyuki Mitsuzawa, giám đốc bộ phận M&A quốc tế tại Frontier Management Inc cho biết.


Theo thông tin mới được công bố, Takata Corp, công ty sản xuất xe hơi đang phải đối diện với tổn thất lên tới hàng tỷ USD vì lỗi túi khí đã bắt đầu đàm phán với một số nhà đầu tư tiềm năng, bao gồm KKR & Co, nhằm thực hiện kế hoạch bán bớt tài sản.

Cùng lúc đó, Toshiba sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch bán tài sản nhằm khắc phục những tổn thất mà scandal gian lận trên gây ra. Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2016, Toshiba báo lỗ 460 tỷ yên, mức kỷ lục trong lịch sử Công ty. Toshiba đã đồng ý bán bộ phận thiết bị gia đình cho Midea Group Co của Trung Quốc.

Không giống như mọi năm, trong năm nay, giá trị các thương vụ M&A mà công ty Nhật Bản là người bán vượt xa so với giá trị các thương vụ mà công ty Nhật Bản là người mua, theo số liệu tổng hợp của Bloomberg. Trong 5 tháng đầu năm, số thương vụ M&A mà công ty Nhật Bản là đối tượng bán tài sản hoặc bị sáp nhập chiếm khoảng 74%.

Bên cạnh đó, các công ty Nhật Bản vẫn có những hoạt động đáng chú ý đối với việc mua tài sản nước ngoài. Cụ thể, Asahi Group Holdings Ltd, nhà sản xuất đồ uống, đã ngỏ ý mua lại nhãn hàng Peroni, Grolsch và Meantime của Anheuser-Busch InBev NV với giá 2,55 tỷ euro (2,84 tỷ USD). Nếu thương vụ này thành công, Asahi có thể mở rộng sự hiện diện tại châu Âu, bù đắp lại việc nhu cầu sử dụng đồ uống đóng chai sụt giảm tại Nhật Bản.

Japan Tobacco Inc, công ty Nhật Bản chuyên phân phối thuốc lá Camel và Winston bên ngoài nước Mỹ, đã chi 510 triệu USD mua lại 40% cổ phần của National Tobacco Enterprise (Ethiopia).

Lam Phong (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….