CafeLand – Như đã khẳng định ở bài trước, mô hình kinh doanh đa cấp bản chất không phải là một công cụ dùng để lừa đảo người tham gia. Tuy nhiên, KDĐC sớm bị biến dạng và trở thành môi trường thuận lợi để nhiều kẻ bất chính trục lợi với nhiều thủ đoạn và mánh khóe khó lường.

Núp bóng dưới những dòng tuyển dụng hấp dẫn, KDĐC bất chính vẫn không ngừng tung chiêu "độc". Ảnh minh họa

Một trong những chiêu lôi kéo người khá tinh ranh của KDĐC bất chính là nấp dưới những dòng tuyển dụng việc làm hấp dẫn. Với sự phát triển mạnh mẽ của hàng loạt các website tìm kiếm việc làm, các nhân viên KDĐC đã tận dụng tâm lý đang cần việc làm của sinh viên, người thất nghiệp… mà chiêu dụ với nhiều lời mời tuyển dụng hấp dẫn như kinh doanh mỹ phẩm, lương 8 – 10 triệu/tháng, không cần trình độ, chế độ đãi ngộ tốt, ưu tiên sinh viên, có thể làm part time… Với những yêu cầu đơn giản nhưng thu nhập béo bở, KDĐC đã lôi kéo không ít người nhẹ dạ tìm đến trụ sở phỏng vấn.

Sau đây là câu chuyện của bạn N.T.Tiên (vừa tốt nghiệp ngành kế toán, trường Đại học Mở TP.HCM) đã từng một lần dính phải đòn chiêu dụ “con mồi” của KDĐC bất chính.

Sau khi thi tốt nghiệp, với ý định tìm cho mình một việc làm, Tiên đã lên các trang web tìm việc đăng thông tin ứng tuyển vào nhiều công ty. Do buộc phải điền thông tin email và số điện thoại thật nên chẳng lâu sau khi đăng tin tìm việc Tiên đã nhận được khá nhiều email của nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, đa phần là những công việc không phù hợp. Sau một thời gian vẫn chưa xin được việc ổn định thì Tiên nhận được một email mời đích danh tới một công ty phỏng vấn với những tiêu chuẩn rất thoải mái “làm việc tại nhà, đăng tin quảng cáo sản phẩm, tính tiền công theo giờ và có chế độ hoa hồng cao..”.

Thấy công việc cũng khá phù hợp và có thể tận dụng lúc thời gian thất nghiệp, Tiên đã chuẩn bị hồ sơ sẵn sàng để đến công ty xin việc. Trụ sở công ty nằm trên tầng 2 của một căn nhà cũ, mặt tiền đường Âu Cơ, quận Tân Bình. Tầng dưới của công ty này chỉ dùng để xe và trưng bày xuề xòa cho có lệ một vài sản phẩm nhân sâm Hàn Quốc mà công ty đang phân phối. Nhìn sơ qua cũng chỉ là những sản phẩm đã xuất hiện nhan nhản trên thị trường từ rất lâu rồi.

Văn phòng làm việc của công ty này cực kỳ đơn giản, với chừng 12m2 và 4 bộ bàn ghế như kiểu bàn đăng ký của ngày hội việc làm. Nhân viên tại đây trông ra vẻ chỉn chu với đồng phục comple cả nam lẫn nữ nhưng dường như chỉ là đồ thuê mượn vì trông có vẻ không vừa vặn. Trên bàn tư vấn của nhân viên chỉ có đơn giản vài tờ giấy A4 nghệch ngoạc sơ đồ.

Theo Tiên nhớ lại, cũng có khá nhiều người tới cùng lúc với cô. Sau một lúc ngồi chờ đến lượt, Tiên được một anh chàng tư vấn mặt còn non choẹt nhưng có giọng điệu và phong thái khá “chuyên nghiệp” và già dặn so với lứa tuổi. Với vài câu trao đổi ngắn ngủi, anh chàng tư vấn đã vào thẳng vấn đề với việc tiếp tục (như những người trước) vẽ ra cho Tiên thấy hàng loạt sơ đồ kinh doanh. Anh ta cứ thao thao bất tuyệt về những lợi nhuận khổng lồ trong tương lai. Cuối cùng, anh ta nói “nếu muốn tham gia Tiên phải đóng lệ phí tham dự ban đầu là 2.500.000 đồng”. Nhân viên tư vấn này còn nhấn mạnh “Số tiền đã đóng sẽ được nhanh chóng lấy lại nếu Tiên mời được nhiều người nữa tham gia vào công ty!”

Nghe đến đây Tiên cũng cảm giác được mình đã rơi vào một công ty đa cấp vì ở đây chẳng có việc làm đăng tin nào cả. Tìm cớ thoái lui vì không đem theo nhiều tiền, Tiên xin phép ra về. Người tư vấn còn cố chiêu dụ bằng cách gặng hỏi Tiên đem theo bao nhiêu tiền, có thể đặt cọc lại để giữ chỗ…! Tiên dứt khoát không đóng tiền và xin về mà trong lòng còn hồi hộp trước thái độ nhiệt tình thái quá của họ.

Trao đổi với người viết, Tiên cho biết, đã có nhiều bạn bè của cô vướng vào KDĐC mà bỏ bê học hành, rủ rê bạn bè tham gia để rồi bị xa lánh. Tiên có một người bạn ở chung ký túc xá, do cả tin mà nghe lời một nhân viên tư vấn của công ty đa cấp lấy xe chở về nhà rút tiền đóng cho công ty (vì bạn Tiên không đem đủ tiền!). Tuy nhiên sau đó, khi thấy kiểu kinh doanh này có quá nhiều vấn đề nên bạn Tiên muốn rút lui và lấy lại tiền nhưng nhân viên ở đây không đồng ý. Sự việc đã rồi và cũng không có căn cứ gì để lấy lại tiền nên bạn Tiên đành ngậm ngùi bỏ qua, xem như đây là bài học cho sự nhẹ dạ của riêng mình.

Có thể dễ dàng nhận thấy, sinh viên là đối tượng đông đảo và dễ bị chiêu dụ nhất của KDĐC bất chính. Ham muốn làm giàu nhanh, non nớt trong kinh nghiệm sống rất nhiều sinh viên đã nhảy vào KDĐC như những con thiêu thân lao vào biển lửa. Như đã phân tích, KDĐC không hề là công việc nhàn nhã, làm ít tiền nhiều mà là nơi luôn có sự cạnh tranh và ganh đua rất lớn.

KDĐC Việt Nam sau hơn 10 năm phát triển đã để lại không ít thành tựu lẫn tai tiếng khó phai mờ. Thực chất, thời gian gần đây loại hình kinh doanh này cũng đã có nhiều chấn chỉnh cũng như cải tiến rõ rệt nhằm lấy lại niềm tin của người tham gia như việc áp dụng chuyển cách quản lý hoạt động kinh doanh sản phẩm, nhân sự qua mạng trực tuyến... Tuy nhiên, KDĐC Việt Nam vẫn như một đứa trẻ đang trưởng thành bập bõm những bước đi đầu đời, không tránh khỏi va vấp, sai lầm đáng tiếc. Một mặt khác, chính bản thân người tham gia phải tự trang bị và đánh giá được những lời mời gọi không đáng tin.

“Có làm thì mới có ăn”, lời răn dạy của ông bà ta vẫn không đánh mất giá trị và ý nghĩa trong thời đại hôm nay.

Khánh Linh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.