Mô hình kinh doanh đa cấp đã tồn tại và phát triển ở nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, mô hình này cũng được pháp luật Việt Nam thừa nhận. Tuy nhiên, thực tế hiện nay từ pháp luật đến quản lý còn rất nhiều bất cập khiến hình thức này đã biến tướng thành một dạng kinh doanh chụp giật.

Một cuộc hội thảo về bán hàng đa cấp

Hầu hết người tiêu dùng chỉ cần nghe đến bán hàng đa cấp (BHĐC) đã nghĩ ngay đến “lừa đảo”. Hễ ai dính dáng đến mua hàng đa cấp là đều cảm thấy mình bị lừa theo kiểu “tiền mất tật mang”, thậm chí nhiều vụ việc lừa đảo dưới dạng này gây bàng hoàng trong dư luận thời gian qua, như: Diamond Holiday, Tâm Mặt Trời, MB2… với hàng chục nghìn người tham gia vào mạng lưới. Số tiền bị mất có trường hợp lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Để siết lại hoạt động BHĐC, Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 110/2005. Theo đó, DN bán hàng đa cấp không được yêu cầu người muốn tham gia BHĐC phải đặt cọc tiền trước. DN kinh doanh hàng đa cấp không được phép yêu cầu người tham gia phải mua hàng hóa của chính DN này cung cấp. Ngoài ra, để bảo vệ người tiêu dùng, người tiếp thị BHĐC không được cung cấp thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia BHĐC… Mức vốn pháp định của DN được cấp phép kinh doanh đa cấp cũng sẽ được yêu cầu nâng lên là 10 tỷ đồng, tăng tiền ký quỹ là 5 tỷ đồng và gia hạn thời gian cấp phép trong 5 năm... Việc cấp phép kinh doanh BHĐC cũng được chuyển từ cấp tỉnh lên Bộ Công Thương.

Việc sửa đổi nghị định hướng dẫn và quản lý hoạt động kinh doanh BHĐC được đánh giá là siết khá chặt về mặt luật pháp. Thậm chí, một chuyên gia của Cục Quản lý cạnh tranh còn cho rằng, nếu những quy định này có hiệu lực, nhiều khả năng các DN kinh doanh BHĐC sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ quy định của luật pháp đến thực thi còn cả một khoảng cách khá xa.

Nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả của hệ thống quản lý đang còn yếu kém. Thời gian qua, nhiều Cty có dấu hiệu vi phạm rất rõ, người dân và ngay cả một số cán bộ quản lý đều biết nhưng lại không làm, không kiểm soát và xử lý. Đến cơ quan quản lý nào thì cũng thường trực những câu nói “do lực lượng kiểm tra, xử lý còn quá mỏng”. Nhưng hệ lụy tiêu cực của công tác quản lý BHĐC kéo dài tới 8 năm qua thì thật khó ai có thể biện minh.

Phải khẳng định BHĐC là một hình thức bán sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng (NTD). Nó mang lại nhiều hiệu quả cho DN như tiết kiệm chi phí bán hàng (thuê địa điểm, lương nhân viên, ...), tiết kiệm chi phí quảng cáo... Ngoài các kênh phân phối khác, việc giới thiệu, truyền tay nhau về sản phẩm giữa những NTD sẽ giúp cho DN mở rộng được hình ảnh sản phẩm cũng như thị phần. Đó là cái lợi của DN, còn NTD? Họ sẽ được mua và sử dụng những sản phẩm hàng hóa tốt với giá bán rẻ hơn ngoài thị trường. Đồng thời, họ lại có một việc làm thêm, kiếm thêm thu nhập cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, hình thức này bị biến tướng và thành nỗi ám ảnh của NTD trong một thời gian dài. Việc lấy lại tiếng thơm cho BHĐC để hoạt động kinh doanh này đem lại những lợi ích thiết thực cho DN và cho xã hội cũng vẫn là điều chắc ẩn.

Bá Tú (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.