Bộ Công Thương vừa ban hành dự thảo thông tư Made in Vietnam, quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam.

Thông tư nêu rõ hàng hóa được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó khi đáp ứng quy định tại thông tư.

Ngoài ra, tùy thuộc vào quá trình sản xuất, gia công, chế biến, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn và chỉ sử dụng một trong các cụm từ "Sản phẩm của Việt Nam" hoặc "Sản phẩm Việt Nam", "Hàng hóa của Việt Nam" hoặc "Hàng hóa Việt Nam" hoặc "Hàng Việt Nam", "Sản xuất tại Việt Nam" hoặc "Việt Nam sản xuất", "Chế tạo tại Việt Nam" hoặc "Việt Nam chế tạo"; "Chế tác tại Việt Nam" hoặc "Việt Nam chế tác" để thể hiện hàng hóa là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó.

Từ tháng 6/2018, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng cho phép Bộ nghiên cứu quy định thế nào là "Made in Vietnam". Ảnh minh họa.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dự thảo thông tư được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có Nghị định số 31/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa.

“Về nguyên tắc, thông tư sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa đã từ lâu là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Nghị định 43”, Cục Xuất nhập khẩu khẳng định.

Trước đó, thông tin về xuất xứ hàng hóa và việc xây dựng quy chuẩn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết việc ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa được thực hiện theo Nghị định 43/2017 của Chính phủ.

Cụ thể, điều 10 Nghị định 43 quy định nhãn hàng hóa phải thể hiện một số nội dung bắt buộc, bao gồm: tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa và các nội dung khác tùy theo tính chất của mỗi loại hàng hóa.

Riêng về xuất xứ hàng hóa, điều 15 Nghị định 43 yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và tự ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình trên nguyên tắc bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Bộ Công Thương khẳng định thông tư sẽ giúp loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ. Bên cạnh đó, tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm "đội lốt" hàng Việt Nam xảy ra rải rác trong thời gian qua cũng sẽ được hạn chế.

Văn Hưng (ZN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.