CafeLand - Doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh dẫn dắt Vĩnh Hoàn từ thuở còn “nằm nôi”. Khi mới thành lập, vốn ban đầu là 300 triệu và 70 nhân viên, giờ đây Vĩnh Hoàn đã lên đến 6.000 nhân viên và 6 nhà máy chế biến.

Tính đến Q2.2020, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn có vốn chủ sở hữu trên 5.000 tỷ đồng và tài sản trên 6.600 tỷ đồng. Năm 2019, tổng doanh số đạt gần 8.000 tỷ đồng. Thị phần của công ty đang tiếp tục mở rộng tại thị trường Mỹ và EU.

Tháng 9/2020, bà Khanh lọt top 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á. Hiện tại, Bà Khanh đang sở hữu gần 80 triệu cổ phiếu VHC, tương đương tỷ lệ 43,16%. Với mức giá cổ phiếu đang được giao dịch quanh mức 40.000 đồng/CP, tài sản bà Khanh ở Vĩnh Hoàn lên đến hơn 3.000 tỷ đồng.

Chân dung nữ doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh

Sinh năm: 1961

Quê quán: An Giang

Trình độ: Cử nhân Kinh tế - Đại học Tài chính Kế toán Tp. Hồ Chí Minh.

Chức vụ: Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC)

Quá trình công tác:

  • Từ năm 1984 đến năm 1985: Cán bộ Sở Tài chính tỉnh An Giang.
  • Từ năm 1986 đến năm 1987 : Kế toán trưởng Công ty Xuất nhập khẩu Châu Thành An Giang
  • Từ năm 1986 đến năm 1990: Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Châu Thành An Giang.
  • Từ năm 1991 đến năm 1996: Phó Giám Đốc Công ty Thương Nghiệp Tổng Hợp An Giang.
  • Từ năm 1996 đến năm 1997: Trợ lý Tổng Giám Đốc Công ty FIDECO.
  • Từ năm 1997 đến nay: Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn.

Tiểu sử:

Bà Trương Thị Lệ Khanh, sinh năm 1961, một người con vùng đất An Giang, là con út trong một gia đình có bốn anh chị em. Sau khi tốt nghiệp, bà Khanh làm việc tại công ty xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp thương mại. Bà còn đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt khác nhau từ kế toán đến trợ lý và phó giám đốc… Đến năm 1997, bà chính thức mở doanh nghiệp tư nhân Vĩnh Hoàn.

“Nữ hoàng” cá tra tìm đường đi mới cho ngành thủy sản Việt

Ngày 27/12/1997, bà Trương Thị Lệ Khanh thành lập Công ty TNHH Vĩnh Hoàn tại Thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Với nhiệm vụ chính là ưu tiên xuất nhập khẩu các mặt hàng như cá tra, basa fillet và hàng giá trị gia tăng từ cá tra và cá basa.

Ban đầu phương thức kinh doanh là gia công xuất khẩu. Hai năm sau, Vĩnh Hoàn thành lập cơ sở chế biến riêng bằng cách thuê lại một xưởng sản xuất tại Cao Lãnh (Đồng Tháp). Nhờ việc am hiểu các hoạt động ngoại thương và có mối quan hệ từ trước, bà Khanh sớm tìm được chỗ đứng cho sản phẩm ở thị trường nước ngoài. Năm 2003 ngành xuất khẩu cá tra bùng nổ cũng là lúc lần đầu tiên Vĩnh Hoàn vươn lên dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước.

Vào năm 2007, chính thức niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE: VHC).

Ngành nghề xuất nhập khẩu đặc biệt là thủy sản chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt trong thời kỳ kinh tế cạnh tranh như hiện nay. Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dịch Covid 19 đã ảnh hưởng mạnh đến ngành thủy sản thế giới, khiến cho việc tiêu thụ giảm và xu hướng thay đổi, đơn đặt hàng giảm 35 – 50%. Doanh nghiệp đầu ngành Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) do CEO Trương Thị Lệ Khanh dẫn dắt đã công bố lợi nhuận quý II giảm phân nửa cùng kỳ xuống 215 tỷ đồng.

Lợi nhuận 6 tháng tương tự giảm phân nửa còn gần 368 tỷ đồng, theo đó mới hoàn thành 46% kế hoạch cả năm trong kịch bản thấp và gần 35% trong kịch bản cao.

VHC đang thực hiện chiến lược đầu tư cho cơ hội gia tăng lợi nhuận thông qua chuỗi giá trị. Bên cạnh hoạt động truyền thống xuất khẩu cá tra, bà Khanh đang hướng VHC đến tăng doanh số bán mỡ cá và bột cá 20% trong năm nay, tăng 60% doanh số sản phẩm collagen và gelatin nhờ nhà máy mới đi vào hoạt động…

Hiện tại, phiên giao dịch cuối ngày 16/9/2020 giá cổ phiếu VHC là 41.400/CP, giá trị trường của Vĩnh Hoàn lên đến 75,758 tỷ đồng.

Những ngày vừa qua, tạp chí Forbes công bố 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á 2020. Riêng Việt Nam có 2 nữ doanh nhân lọt tóp là bà Trương Thị Lệ Khanh (Chủ tịch HĐQT Vĩnh Hoàn) và bà Nguyễn Bạch Điệp (Chủ tịch FPT Retail).

Năm 2012, Forbes châu Á bắt đầu công bố danh sách 50 nhà lãnh đạo xuất sắc của khu vực. Kể từ đó, danh sách có một số lần thay đổi tên gọi và tiêu chí: năm 2013, đổi tên thành Women In the Mix; năm 2018 là Emergent 25 và năm 2019 là Asia's Power Businesswomen.

Năm 2019, Việt Nam có 2 nữ doanh nhân lọt vào danh sách này là bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet và Trần Thị Lệ - CEO NutiFood.
Xem thêm bài viết về: Bà Trương Thị Lệ Khanh
Tường Vy (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.