Khó khăn kéo dài, sức ép tái cơ cấu mạnh mẽ đã khiến các ngân hàng không thể cố giấu để giữ được mãi hình ảnh đẹp đẽ. Quý III/2013 dường như là thời điểm các ông chủ ngân hàng buông tay, thảy ra bộ mặt thê thảm với lãi ít, nợ xấu tăng, cắt lương, giảm nhân sự. Nhiều NH chẳng còn buồn đưa ra một lời giải thích.

Nợ mất vốn tăng mạnh

Là một trong những đơn vị tốt trong hệ thống ngân hàng (NH) nhưng báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2013 của Vietcombank cho một kết quả khá buồn.

Hầu hết các hoạt động của Vietcombank trong quý III đều ổn nhưng vấn đề nợ xấu và tín dụng tăng trưởng chậm lại là điểm tối đáng chú ý. Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank tăng mạnh từ mức 2,4% thời điểm đầu năm 2013 lên 2,98%. Trong đó, đáng chú ý nợ có khả năng mất vốn là 2.683 tỷ đồng, tăng đến 85% so với hồi đầu năm.

Nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro tăng khiến lợi nhuận sau thuế của VCB trong quý III giảm 6% so với cùng kỳ; lũy kế 9 tháng giảm 10%.

Tuy vậy, nợ xấu của Vietcombank khá thấp nếu so sánh với nhiều NH khác và vẫn nằm ở ngưỡng an toàn dưới 3%. Trong khi đó, nhiều NH thuộc tốp đầu khác cũng đang phải đối mặt với hiện tượng nợ xấu, nhất là nợ xấu có khả năng mất vốn tăng chóng mặt.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2013 của Vietinbank cho thấy, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này tính tới cuối tháng 9/2013 tăng vọt gấp hơn 2 lần, lên 5.431 tỷ đồng. Trong quý này, VietinBank phải bỏ gần 800 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro, tăng 71% so với cùng kỳ. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế giảm 19,2%.

Ngân hàng Quân đội (MB) cũng không thoát khỏi xu hướng chung về nợ xấu với số lượng tăng gấp rưỡi so với cuối 2012 lên 2.073 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 1,85% lên 2,58%. Trong đó, nợ xấu có khả năng mất vốn chiếm nhiều nhất với 46,9%, tương đương 972 tỷ đồng.

Vietcombank, Sacombank, Vietinbank, BIDV, Eximbank, VAMC, nợ xấu, ngân hàng, tín dụng

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) có tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối quý III/2013 là 3,34% (tăng khá mạnh so với 2,5% thời điểm cách đó 9 tháng) với 3.491 tỷ đồng. Trong khi đó, Eximbank cũng chứng kiến nợ xấu tại thời điểm 30/9 tăng vọt, gấp rưỡi so với cuối 2012 lên 1.457 tỷ đồng.

Lợi nhuận tụt giảm mạnh

Không chỉ tốp đầu, nhiều ngân hàng ở tốp dưới cũng đang chìm ngập trong nợ xấu. SHB cho biết nợ xấu có khả năng mất vốn tại thời điểm cuối quý III/2013 tăng 74% so với cuối năm ngoái và chiếm 71% trong tổng nợ xấu 5.072 tỷ đồng (tương đương 7,74% dư nợ).

SouthernBank cũng có nợ xấu tăng mạnh từ 1.317 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên 1.651 tỷ đồng, chiếm 3,79% trên tổng dư nợ. DongABank chứng kiến nợ xấu giảm nhưng vẫn còn 1.503 tỷ vào cuối tháng 9.

Dù chưa công bố thông tin chính thức, nhưng thông tin từ Masan cho biết ngân hàng này có lãi thuần quý III/2013 giảm tới 84% so với cùng kỳ; lũy kế 9 tháng sụt giảm 66,4%.

OceanBank cũng chứng kiến lợi nhuận thuần âm và có lãi nhờ...được hoàn nhập dự phòng. Lợi nhuận của DongABank trong quý III cũng giảm 38,7% so với cùng kỳ, còn SouthernBank cũng giảm khá mạnh.

Đi cùng với đó, nhiều ngân hàng báo cáo quy mô tài sản giảm mạnh như: Eximbank bốc hơi 15.600 tỷ đồng; ACB giảm 15.830 tỷ hay 9% so với cuối năm 2012…

Nhiều ngân hàng chứng kiến tín dụng giảm mạnh và khó đạt được mục tiêu 15% như kế hoạch. Cho tới nay, chỉ có một vài ngân hàng có tăng trưởng tương đối tốt như SHB, STB, BIDV… còn lại đều rất thấp như VCB (+3,4% vào cuối tháng 9), DAB (1,2%), OceanBank (-5,2%); Navibank (-21,4%); Saigonbank (-1,4%)…

Khó khăn chồng chất cũng khiến nhiều ngân hàng đẩy mạnh tiết giảm chi phí, trong đó có cắt giảm nhân sự. Các báo cáo cho thấy, trong 9 tháng ACB cắt giảm 1.300 nhân sự; Eximbank lên kế hoạch giảm 1.000 nhân sự. SHB, BIDV, CTG… cũng cắt giảm khá mạnh trong 9 tháng qua.

Với những báo cáo quý III được các ngân hàng lớn nhỏ ồ ạt đưa ra trong một hai ngày qua, có thể thấy, tình hình hoạt động của đa số các ngân hàng nhìn chung còn rất khó khăn. Điều này trái ngược với bức tranh lãi khủng, tín dụng tăng mạnh, tài sản bùng nổ trong các năm 2010-2011 và đầu năm 2012. Thực tế đáng buồn này được giải thích do lãi suất cho vay sụt giảm, tăng trưởng tín dụng thấp và trích lập dự phòng cao.

Tuy nhiên, nguồn gốc sâu xa có lẽ nằm ở chỗ hệ thống NH phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động tín dụng, các sản phẩm, dịch vụ khác đóng góp một tỷ trọng không lớn trong cơ cấu lợi nhuận của ngân hàng. Một khi lãi suất giảm, lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm theo.

Điều đáng lưu ý còn ở chỗ, vì phụ thuộc vào mảng tín dụng với lợi nhuận cao, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay trong một thời gian dài với sự kiểm soát không chặt chẽ hoặc đã đẩy DN vào chỗ khó. Tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp trong vài quý gần đây có lẽ phần nào phản ánh nỗi sợ nợ xấu của nhiều ngân hàng.

Có thể thấy, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang được kỳ vọng rất lớn. Hàng loạt ngân hàng yếu kém đã được chỉ mặt đặt tên và đã tự nguyện tái cấu trúc. Hàng loạt các ngân hàng khác không nằm trong danh sách cũng đã tìm cách tái cơ cấu. Nhiều ngân hàng tìm cách chuyển nợ xấu sang VAMC để phục vụ mục đích này. Đây là những tín hiệu rất tốt. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi không chỉ nằm ở chỗ phơi bày ra những điểm xấu rồi tìm cách xử lý, làm đẹp nó, mà ở phải tìm ra được nguyên nhân của những yếu kém đó để chúng không xuất hiện trở lại.

Mạnh Hà (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.