Khẳng định việc “bầu” Kiên bị bắt không ảnh hưởng gì tới hoạt động của bóng đá Việt Nam nhưng chắc chắn các quan chức VFF, VPF đang đau đầu khi nghĩ tới những đợt “sóng ngầm” trong tương lai gần...

Niềm tin bị lung lay

Trao đổi với phóng viên NTNN sáng qua (22.8), chuyên gia Nguyễn Văn Vinh đặt vấn đề: “Điều tôi băn khoăn là bóng đá cần phải có tiền. Và chính các ông bầu VPF, trong đó có bầu Kiên từng khẳng định đó là lý do giải thích tại sao họ quyết đi đến cùng để đòi lại bản quyền truyền hình các giải bóng đá quốc gia, để kinh doanh nó hiệu quả hơn”.


BĐVN đang đứng trước những đợt “sóng ngầm” sau khi bầu Kiên bị bắt. M.H

Nói cách khác, điểm mấu chốt nằm ở 50 tỷ đồng tiền bản quyền truyền hình mùa bóng 2012 thu được từ 10 doanh nghiệp nằm trong Hội đồng bảo trợ BĐVN mà VPF đã công bố trước dư luận (con số ước mơ mà bầu Kiên hướng tới là trên 100 tỷ đồng/năm-PV). Hiện số tiền đó vẫn chưa chuyển tới VPF, và khi bầu Kiên đã bị bắt thì không biết bao giờ số tiền này mới về (?!).

“Tôi lo cho tương lai 2 đội bóng của bầu Kiên bởi ông ta là ông chủ. Trong trường hợp đội bóng giải tán, không biết họ sẽ đi đâu, về đâu, làm gì, đặc biệt trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay”.

HLV Vương Tiến Dũng

Cần nhớ, từ quá trình thành lập VPF đến những bước đi cụ thể để chiến thắng trong “cuộc chiến” bản quyền truyền hình, và sau đó là việc ra đời Hội đồng bảo trợ BĐVN đều in đậm dấu ấn của bầu Kiên với những mối quan hệ riêng, đặc biệt của mình. Nói cách khác, khi bầu Kiên gặp sự cố, niềm tin của không ít ông bầu, doanh nghiệp đã ủng hộ, sát cánh cùng ông thực hiện những ý tưởng táo bạo sẽ bị lung lay dữ dội. VFF cũng không tránh khỏi việc phải đối mặt với những khó khăn vào thời điểm đang rất cần tiền để tập trung cho nhiệm vụ của đội tuyển quốc gia tại AFF Cup 2012 cuối năm nay.

Nỗi lo “bánh vẽ”

Điều đáng ngạc nhiên là trong phát biểu mới đây, ông Nguyễn Lân Trung-Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông VFF nói: “Trong mắt của VFF thì Hội đồng bảo trợ BĐVN không tồn tại, bởi lẽ chúng tôi chưa từng được nghe báo cáo về vấn đề này” (?!).

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đệ-Chủ tịch CLB Bóng đá Thanh Hóa cũng bày tỏ sự lo lắng về một chiếc “bánh vẽ”: “Chúng tôi chưa hề nhận được một văn bản nào từ VPF đề cập tới Hội đồng bảo trợ BĐVN, và không rõ thực hư số tiền bản quyền truyền hình trị giá 50 tỷ đồng.

Nếu có được số tiền ấy thì tốt quá, các CLB sẽ đỡ một phần gánh nặng kinh phí. Thời điểm khủng hoảng kinh tế như hiện nay, Thanh Hóa phải gồng mình lên mới lo đủ lương cho các cầu thủ về nghỉ sau khi kết thúc mùa giải, chứ làm gì có tiền thưởng trụ hạng”.

Theo ông Đệ, không chỉ ông mà nhiều ông bầu khác đều rất hy vọng vào những sự đổi mới khi Công ty VPF được thành lập và làm ăn phát đạt. Nhưng sau gần 1 năm qua, nhiều ông chủ đã tỏ rõ sự không hài lòng với VPF: “Tôi đang chờ lễ tổng kết mùa giải 2012. Hy vọng cuộc họp sẽ diễn ra với sự tham dự của đông đảo giới truyền thông. Lãnh đạo VPF cũng cần trình bày công khai tài chính cũng như nhiều vấn đề khác. Chỉ có như vậy, chúng tôi mới có thêm niềm tin làm bóng đá lâu dài” - ông Đệ nhấn mạnh.

Các đội bóng khác còn lo đến thế nên việc BHL, cầu thủ hai đội Trẻ Hà Nội (hạng Nhất), Hà Nội (V.League) hoang mang tới đâu khỏi nói ai cũng biết. Rất nhiều người, trong đó có những cầu thủ ngôi sao đã đặt hết kỳ vọng vào bầu Kiên

. Nhưng giờ, họ chỉ biết cầu trời cho “thần tượng” đừng sụp đổ bởi tìm bến đỗ mới lúc này không hề đơn giản: “Chúng tôi chỉ biết khuyên cầu thủ bình tĩnh, tranh thủ nghỉ ngơi và chờ đợi. Đầu tháng 10, đội mới tập trung trở lại và hy vọng khi đó mọi chuyện sẽ ổn thỏa” - ông Lê Khắc Chính-Giám đốc điều hành đội Trẻ Hà Nội tâm sự.

Theo Dân Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.