Bỏ ra 1,5 tỷ đồng để “câu” nạn nhân vào bẫy, ông giám đốc công ty thẻ cào vạch ra kế hoạch chi tiết theo kiểu “liên hoàn” 9 vố, ẵm toàn bộ gia sản của đối tác. Khi nạn nhân nhận ra bộ mặt của kẻ lừa đảo thì gần 20 tỷ đồng đã tan như bong bóng xà phòng.

Lê Trung Hiếu tại CQĐT

Con nợ bỗng dưng thành giám đốc

Lê Trung Hiếu (SN 1979, ngụ đường Âu Cơ, P10Q.Tân Bình, TPHCM) vốn là một tay buôn bán iPad, iPhone nhập từ Trung Quốc, do làm ăn thua lỗ phải bỏ nghề với gánh nợ lên đến hàng chục tỷ đồng. Tuy đã sạt nghiệp và bị chủ nợ bủa vây nhưng đổi lại, Hiếu lĩnh hội được những ngón nghề mà hắn tin rằng có ngày sẽ hái ra tiền để chi trả nợ nần. Thời gian này, Hiếu biết chị N.T.M.H, Giám đốc Công ty Nam Phương (chuyên kinh doanh văn phòng phẩm, quà lưu niệm, mua bán thẻ cào, sim điện thoại...) nên tiếp cận mua bán thẻ cào. Do không có tư cách pháp nhân, khách hàng không tin tưởng, Hiếu đã đặt vấn đề với chị H. hùn vốn lấy pháp nhân của công ty chị để ký hợp đồng, nhưng chị H. không đồng ý... Tuy nhiên, sau đó thấy sự nhiệt tình của Hiếu, H. bảo rằng nếu muốn, chị sẽ đổi giấy phép kinh doanh cho Hiếu làm giám đốc phụ trách mảng thẻ cào. Như chết đuối vớ được cọc, Hiếu đồng ý và bắt đầu tháng 10-2011 từ con nợ bạc tỷ, hắn trở thành giám đốc kinh doanh của một công ty. Đến lúc này, Hiếu bắt đầu nghĩ cách lừa đảo để kiếm tiền trả nợ.

Thông qua quảng cáo, Hiếu tiếp cận được với bà T.V - chủ một đại lý kinh doanh thẻ cào điện thoại tại An Giang. Hai người đã ký hợp đồng giao dịch mua bán thẻ. Theo đó, mỗi ngày Hiếu bán cho bà V. các loại thẻ cào của Viettel, Vina, Mobile với tổng giá trị từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng. Bà V. phải chuyển tiền từ 14 giờ ngày hôm trước và nhận hàng vào 20 giờ hôm sau hoặc trễ nhất là 72 tiếng từ khi đặt hàng. Để tạo lòng tin, Hiếu dùng thủ đoạn nâng tiền chiết khấu cao hơn thực tế từ 1,4% đến 4,1%, chấp nhận chịu lỗ nhằm dụ dỗ con mồi. Từ ngày 21-11-2011 sau nhiều lần giao dịch, Hiếu chịu mất tiền chiết khấu hơn 1,5 tỷ đồng và giao đủ số thẻ cào theo cam kết. Bà V. ngỡ rằng đã gặp mối “sộp” nên hoàn toàn tin tưởng đối tác của mình.

Chín cú lừa cùng kiểu

Thấy “cá đã cắn câu”, ngày 26-12-2011 Hiếu bắt đầu chào giá chiết khấu thẻ cào Vina 12%, cao hơn các ngày trước từ 0,8% đến 1,5%. Bà V. đồng ý chuyển 2 tỷ 460 triệu đồng vào tài khoản đối tác để đặt mua số hàng trị giá 3 tỷ. Nhưng đến ngày 12-1-2012, Hiếu mới giao đợt hàng trị giá 2 tỷ, nợ 1 tỷ với lý do hàng chậm sẽ giao sau. Trước đó, Hiếu báo cho bà V. cuối tháng thẻ Viettel có mức chiết khấu 9%, cao hơn trước từ 0,8 đến 1% và hứa trong 3 ngày sẽ giao hàng. Bà V. chuyển cho Hiếu 2 tỷ 730 triệu đồng để mua lượng thẻ trị giá 3 tỷ. Đến ngày 7-1-2012, Hiếu giao lô thẻ 2,5 tỷ đồng, nợ 500 triệu. Với thủ đoạn cũ, ngày 31-12-2011, Hiếu từng lừa bà V. đưa cho hắn 2 tỷ 730 triệu đồng và chiếm đoạt luôn. Đến đây, dù đã dấn sâu vào “ma trận” của kẻ lừa đảo nhưng bà V. vẫn không hề hay biết.

Ngày 3-1-2012, Hiếu báo thẻ Vina chiết khấu lên đến 12%, bà V. đã chuyển 2 tỷ 640 triệu để đặt mua lô hàng 3 tỷ, bị Hiếu chiếm đoạt toàn bộ. Ngày 4-1-2012, “siêu lừa” lại tiếp tục chào thẻ Vina chiết khấu 12% với lời hứa sẽ thanh toán hết các đơn hàng trước đó, nên bà V. tin tưởng chuyển ngay 3 tỷ 80 triệu đồng để đặt mua và một lần nữa bị Hiếu “ẵm gọn”. Tiếp đến, ngày 5-1-2012, Hiếu báo thẻ Vina về chậm 10 ngày và thông tin cuối năm Viettel bán “chứng thư bảo lãnh” chiết khấu 9%, cơ hội mỗi năm chỉ có 1 lần. Nghe vậy, bà V. tiếp tục chuyển 2 tỷ 730 triệu để mua và hậu quả cũng như lần trước. Cùng ngày, do cần 1 tỷ đồng, Hiếu lừa “có nơi cần thanh lý thẻ và mức chiết khấu 9,5%”. Không mảy may nghi ngờ, người đàn bà tội nghiệp lại chuyển tiếp 905 triệu đồng và kết cục là tiền mất, hàng chẳng nhận được. Ngày 6-1-2012, cũng với thủ đoạn “chứng thư” của Viettel có mức chiết khấu 9% đối với lô hàng 5 tỷ và chiết khấu 8,5% cho lô hàng 3 tỷ, Hiếu lại lừa bà V. chuyển tiếp 4 tỷ 450 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, “giám đốc lừa” còn nghĩ ra độc chiêu để “hốt hụi chót” với kịch bản: có lô hàng thẻ Viettel 10 tỷ đồng, đại lý bảo lãnh 70%, Hiếu có 800 triệu, muốn mượn 2,2 tỷ để góp đủ 30%, nhận lô hàng trên giao toàn bộ cho bà V. trước Tết. Thấy vậy, bà V. đã chuyển ngay số tiền trên, rồi cũng mất luôn...

Bị hối thúc, giữa tháng 2-2012 Hiếu chỉ trả cho bà V. số thẻ cào gần 600 triệu đồng. Như vậy, với 9 cú lừa ngoạn mục, đối tượng đã chiếm đoạt của nạn nhân 19 tỷ 642 triệu đồng (trong đó có 2,2 tỷ mượn). Cuối tháng 7-2012, Lê Trung Hiếu bị CATP bắt giữ và hắn đã thừa nhận toàn bộ hành vi lừa đảo.

Theo Công an nhân dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Thế chấp thẻ cào giả để vay vốn ngân hàng

    Thế chấp thẻ cào giả để vay vốn ngân hàng

    27/06/2014 2:28 PM

    Một đại lý Mobifone đã thế chấp 300.000 thẻ cào để vay hàng chục tỷ đồng của Ngân hàng Quân đội, trong số này trà trộn thẻ giả.

  • Giám đốc kinh doanh thẻ cào và cú lừa 20 tỷ

    Giám đốc kinh doanh thẻ cào và cú lừa 20 tỷ

    31/07/2012 10:46 AM

    Bỏ ra 1,5 tỷ đồng để “câu” nạn nhân vào bẫy, ông giám đốc công ty thẻ cào vạch ra kế hoạch chi tiết theo kiểu “liên hoàn” 9 vố, ẵm toàn bộ gia sản của đối tác. Khi nạn nhân nhận ra bộ mặt của kẻ lừa đảo thì gần 20 tỷ đồng đã tan như bong bóng xà phòng.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.