Từ nay, chiếc kính trắng và nụ cười, vốn là "biểu tượng" của kỹ nghệ gia đại tài sẽ hiếm khi xuất hiện tại những cuộc hội thảo công nghệ. Thay vào đó, hình ảnh ông sẽ trở nên thân quen trong các chiến dịch chống bệnh tật và đói nghèo.
Giã từ Microsoft, Bill Gates bước vào 'cuộc đời 2.0'
Ảnh: A

Như những gì giới phân tích nhận định, không ai đo đếm được tầm ảnh hưởng của nhà đồng sáng lập Microsoft đối với nền kinh tế và thế giới điện toán. Ông đã là một huyền thoại với những giai thoại khó quên trong suốt hơn 30 năm song hành cùng tập đoàn phần mềm, hay còn được gọi là "phiên bản Bill Gates 1.0" (1975 - 2008).

Sau khi đọc bài báo về hệ thống Altair 8800 trên tờ Popular Electronics tháng 1/1975, Bill Gates liên lạc với công ty tạo ra chiếc máy vi tính này là MITS, khẳng định ông và Paul Allen đang soạn bộ biên dịch BASIC trên nền tảng đó. Trên thực tế, cả hai không hề sở hữu Altair và cũng chưa từng viết mã cho nó, họ nói thế chỉ để thu hút sự chú ý của MITS. Sau cuộc gặp gỡ với chủ tịch hãng, Gates và Allen có vài tuần thức thâu đêm suốt sáng để phát triển chương trình. Allen về sau được nhận vào làm tại MITS còn Gates cũng rời Đại học Harvard hồi tháng 11/1975. Hai người thành lập công ty Micro-soft và một năm sau, Microsoft (không còn dấu -) được đăng ký thương hiệu.

Từ ngày sáng lập đến 2006, Gates chịu trách nhiệm cơ bản trong mọi chiến lược phát triển và kinh doanh sản phẩm của công ty. Bất cứ khi nào một phần mềm đạt được thành công, ông sẽ bảo vệ vị trí đó đầy quyết tâm và "dữ dội", trong đó có nhiều hành động đã dẫn đến những kiện tụng về chống độc quyền.

Những khoảnh khắc đáng nhớ về Bill Gates:
Sau khi nhận tiền bản quyền phần mềm BASIC, Gates mua chiếc Porsche 911 và thường bị cảnh sát hỏi thăm do lái xe quá tốc độ và không có bằng lái.

Trong lễ ra mắt Windows 95 (tháng 8/1995) ở Redmond, Washington, Gates mạnh bạo nói: "Windows 95 dễ sử dụng đến mức xem qua truyền hình cũng hiểu được".

Tháng 2/1998, bực mình trước những hứa hẹn của Microsoft về hệ điều hành, một người đã ném đĩa bánh và mặt Bill Gates. "Không được ngon cho lắm", Gates bình phẩm sau đó.

Tháng 6/2007, ông nhận bằng tiến sĩ luật danh dự của Đại học Harvard sau hơn 30 năm bỏ học.

Và khi đứng trước tòa, "cậu bé" từng vặn vẹo mẹ: "Mẹ chưa bao giờ tư duy à?" lại có thể mắc chứng "đãng trí" trầm trọng, như trong phiên tòa Bộ tư pháp Mỹ cáo buộc Microsoft vi phạm luật chống độc quyền vào tháng 8/1998, cựu kiến trúc sư trưởng của Microsoft 6 lần nói: "Tôi không nhớ", 14 lần lặp lại: "Tôi không nghĩ ra" và đến 22 lần tuyên bố: "Tôi không biết" cùng những lời giải thích vòng vo khiến vị thẩm phán phải bật cười.

Một số nhà quản lý của Microsoft còn mô tả ông luôn "tỏ thái độ thù địch và hay nhiếc móc cấp dưới" vì chiến lược kinh doanh có sơ hở. Ông từng hét vào mặt nhân viên: "Đây là điều ngớ ngẩn nhất tôi từng nghe" hay "Sao ông không từ bỏ vị trí và tham gia tổ chức vì hòa bình đi?". Nhưng Gates cũng nhún nhường nếu người đó đáp lại thẳng thắn, còn khi ngập ngừng, họ sẽ bị mỉa mai: "Hẳn ngài muốn tôi phải làm việc qua cả những ngày cuối tuần?".

Dù bị mô tả là kẻ độc tài, hiếu chiến, thống trị một "Microsoft xấu xa" với tội "chặn đứng sự sáng tạo của ngành phần mềm", chẳng mấy ai dám phủ nhận Bill Gates là một nhân vật xuất chúng. Ông đứng đầu bảng tổng sắp 400 doanh nhân thành đạt nhất của Forbes từ 1993 đến 2007 và là người giàu nhất thế giới theo tiêu chí của tạp chí này từ 1995 đến 2007. Tờ Time của Mỹ xếp ông nằm trong số 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 và đứng thứ 8 trong danh sách Những anh hùng thời đại (2006).

Năm 1999, tài sản của Gates lên đến 101 tỷ USD (trước khi cuộc khủng hoảng dotcom làm cho giá cổ phiếu Microsoft sụt giảm) khiến một phép tính vui đã xuất hiện trên Internet rằng Gates sẽ không cúi xuống nhặt 100 USD vì trong thời gian đó ông còn làm ra nhiều tiền hơn. Còn chủ tịch tập đoàn phần mềm Mỹ lại nói ông ước mình không phải người giàu nhất bởi chức danh đó chỉ mang đến cho ông thêm phiền toái.

Mọi người vẫn nhớ đến Gates với vai trò của người lãnh đạo mà ít ai biết ông tham gia soạn code cho tới 1989. Cũng trong năm này, ông thành lập công ty quản lý ảnh số Corbis. Ngày 15/6/2006, Gates tuyên bố trong vòng 2 năm tiếp theo, ông sẽ dần bàn giao các công việc hàng ngày cho cộng sự và dành thời gian nhiều hơn tại tổ chức Bill & Melinda Gates Foundation.

Từ mai, Bill Gates bước vào "giai đoạn 2.0" khi ông không còn là doanh nhân mà sẽ dành tới 80% thời gian cho công tác từ thiện. Hôm nay là ngày làm việc chính thức cuối cùng của ông tại trụ sở Redmond, Washington (Mỹ). Về sau, ông chỉ xuất hiện ở đây 1-2 ngày mỗi tuần. Ông chia đôi nhiệm vụ quản lý cho hai người kế nhiệm là Ray Ozzie và Craig Mundie, còn Steve Ballmer sẽ làm giám đốc điều hành chung.

Những người sẽ kế nhiệm Bill Gates
Steve Ballmer: Giám đốc điều hành.
Ray Ozzie: Kiến trúc sư trưởng phần mềm.
Craig Mundie: Giám đốc nghiên cứu và chiến lược.
Kevin Turner: Giám đốc quản lý.
Robbie Bach: Giám đốc bộ phận Giải trí và thiết bị.
Kevin Johnson: Giám đốc bộ phận Nền tảng và dịch vụ.
Stephen Elop: Giám đốc bộ phận doanh nghiệp

Mọi thông tin về "Bill Gates thời hậu Microsoft" hay "Microsoft thời hậu Bill Gates" đến thời điểm này đều chỉ mang tính phỏng đoán. Theo một số nhà phân tích, hãng phần mềm số một thế giới chính là sự phản ánh rõ nét con người Bill Gates. Có tới 80% người trong giới phát triển phần mềm cho rằng Microsoft sẽ chỉ duy trì được tiếng tăm hiện có, chứ khó tiếp tục phát triển lớn mạnh như thời ông còn quản lý.

Bởi khi "trái tim thép" của Microsoft ra đi, nó sẽ chỉ còn là cái xác không hồn. Kể từ tuyên bố nghỉ hưu năm 2006, hãng này đã có một số biểu hiện đi xuống như hệ điều hành Vista không đủ sức thuyết phục doanh nghiệp, buộc Microsoft phải gia hạn hỗ trợ Windows XP đến 2014. Đối thủ Apple đang lấn sân trên mặt trận hệ điều hành và trình duyệt, còn Google liên tục cho phép người sử dụng tận hưởng miễn phí những tính năng có trong các gói sản phẩm chiến lược của Microsoft như Office.

Trong khi đó, Ray Ozzie được đánh giá là người kế nhiệm xứng đáng và được coi là "tân Bill Gates" bởi trình độ chuyên môn cao cũng như sự dày dạn kinh nghiệm. Nhưng 2 năm qua, kể từ khi nhận chức kiến trúc sư trưởng phần mềm, Ozzie vẫn chưa chứng tỏ được nhiều.

Còn với bản thân Bill Gates, có lẽ ông còn bận rộn hơn cả những ngày lèo lái đầu tàu Microsoft. Ông sẽ đi nhiều nơi, tham gia hội thảo với các nhà khoa học, các tổ chức giáo dục và tìm phương hướng phát triển nông nghiệp tại các quốc gia có thu nhập thấp.

Người từng bỏ trường Harvard đang chuẩn bị "học tập" chăm chỉ hơn bao giờ hết. "Tôi là 'trai thành phố' (city boy), nên việc đi chu du và tìm hiểu cách người nông dân hiểu về trồng trọt cùng nhiều thứ khác ở các nước nghèo sẽ giúp tôi thông minh hơn", Gates giải thích.

Tuy nghỉ hưu, Gates vẫn là Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm cổ đông lớn nhất của Microsoft.

Lời tạm biệt của các đối tác và đối thủ

"Mong rằng Gates sẽ gặp mọi điều may mắn. Ông ấy rất thông minh. Thật là hay vì không còn phải đối phó với ông ấy nữa. Tôi hy vọng Gates sẽ đầu tư tiền cho quỹ từ thiện thay vì người kế nhiệm, bởi có lẽ nhiều doanh nhân sẽ phải 'đội mồ sống dậy' nếu biết người ta tiêu tiền của họ thế nào".

Khi được hỏi liệu có nhớ Bill Gates, McNealy nói: "Tôi đâu có được trả lương cho những cảm xúc như thế, nhưng tôi cũng tự hỏi liệu Gates có nhớ mình không nhỉ".

Scott McNealy, chủ tịch Sun Microsystems.

"Gates rời Microsoft là một sự kiện lớn và đầy ý nghĩa. Ông ấy cần được tôn vinh vì những cống hiến của mình".

Steve Jobs, Giám đốc điều hành Apple.

"Khó tìm được ai có tầm ảnh hưởng rộng đến ngành công nghiệp điện toán cũng như đời sống con người như ông. Gates là một trong số ít nhà lãnh đạo công nghệ có thể làm thay đổi thế giới theo đúng nghĩa".

Michael Dell, nhà sáng lập hãng máy tính Dell.

"Hồi thập niên 80, tôi đang khiêu vũ với hai cô gái thì một người bạn tới và kéo họ đi dự tiệc, nơi có một anh chàng nào đó tên Bill Gates sở hữu tài sản đến 60 triệu USD".

Mark Cuban, chủ đội bóng rổ Dallas Mavericks.

"Tôi đang nghĩ tới một tương lai không quá xa, không ai còn nhớ Microsoft và vai trò của Bill Gates với hãng này, nhưng ai cũng biết đến tổ chức Gates Foundation cùng đóng góp của nó trong việc chống lại bệnh tật và đói nghèo".

Mitchell Kertzman, cựu CEO Liberate Technologies.

"Tôi gặp Gates đã lâu trong một cuộc đàm phán giữa Lotus và Microsoft. Ông ấy đến muộn, lái chiếc xe thể thao rất nhanh tới và có vẻ như chưa tắm. Sự dữ dội có lẽ là đặc điểm đáng chú ý nhất ở ông. Tuy nhiên, tôi nghĩ Microsoft cạnh tranh chưa thực sự công bằng và tư tưởng chiến thắng bằng mọi giá khiến mọi thứ trở nên đặc biệt khó khăn".

Mitch Kapor, nhà sáng lập Lotus và chủ tịch Mozilla Foundation

Theo Hải Nguyên (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.