Einstein cũng thất nghiệp ư? Thật khó tin nhưng đấy là sự thật. Mời bạn đọc trích đoạn từ cuốn sách mới vừa xuất bản tức thì "Einstein - Cuộc đời và Vũ trụ" để khám phá câu chuyện không mấy ai biết này.

Tốt nghiệp trường Bách Khoa Zurich, Einstein gửi hàng loạt thư xin việc tới Zurich và cả Milan (Italia). Chưa bao giờ ông viết những lời van nài như thế, cho các giáo sư trên khắp châu Âu.

Những bức thư này đều có kèm theo bài báo của ông về hiệu ứng mao dẫn, bài báo rõ ràng không gây được ấn tượng nào đặc biệt. Thậm chí, ông còn hiếm khi nhận được phản hồi theo phép lịch sự. Ông viết cho Marić (bạn gái của Einstein vào thời điểm đó): “Chẳng bao lâu nữa anh sẽ khiến cho mọi nhà vật lý từ Biển Bắc tới cực nam nước Ý thấy vinh dự vì đề nghị của anh.”

Tháng Tư năm 1901, Einstein buộc phải mua một chồng bưu thiếp có sẵn bì thư phúc đáp đã thanh toán bưu phí với hy vọng mong manh rằng chí ít mình cũng nhận được một câu trả lời. Một điều khá vui là hai bưu thiếp có lời khẩn cầu còn giữ được đã trở thành những món đồ quý giá của các nhà sưu tập. Một bưu thiếp được gửi cho một giáo sư người Hà Lan, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Khoa học Leiden. Trong cả hai trường hợp, bì thư phúc đáp đều không được sử dụng. Einstein thậm chí không nhận được một lời từ chối lịch sự. Ông viết cho người bạn Marcel Grossmann của mình: “Tôi đã làm đủ mọi cách và không quên cả khiếu hài hước của mình. Chúa đã tạo ra loài lừa và ban cho chúng một bộ da dày.”

Trong số những nhà khoa học vĩ đại mà Einstein từng gửi thư đến có Wilhelm Ostwald, Giáo sư hóa học ở Leipzig, người được trao giải Nobel vì những đóng góp cho lý thuyết về pha loãng. Einstein viết: “Công trình hóa học đại cương của ông đã truyền cảm hứng cho tôi viết bài báo được gửi kèm theo đây.” Sau đó, sự tâng bốc này chuyển thành lời bi ai khi ông hỏi “liệu ông có cần dùng tới một nhà vật lý toán hay không”. Einstein kết thúc bằng việc lấy cớ: “Tôi không có tiền, và chỉ một công việc như thế này mới giúp tôi tiếp tục các nghiên cứu của mình.” Ông không nhận được câu trả lời nào.

Hai tuần sau, Einstein lại viết thư gửi đến Ostwald, lấy cớ là không chắc liệu địa chỉ của mình trong bức thư trước có bị nhầm hay không. “Đánh giá của ông về bài nghiên cứu của tôi rất quan trọng với tôi.” Thế nhưng, vẫn không có câu trả lời nào.

Cha của Einstein, sống cùng Einstein khi đó ở Milan, âm thầm chia sẻ nỗi lo lắng của cậu con trai, và cố gắng giúp đỡ bằng một cách quá dễ thương. Khi không có lời hồi đáp nào sau bức thư thứ hai gửi cho Ostwald, Hermann Einstein đã tự mình, mà không cho cậu con trai hay biết, làm một chuyện lạ lùng và khó khăn, chứa chan cảm xúc não lòng, ông tự mình thuyết phục Ostwald:

“Xin hãy thứ lỗi cho người cha mạo muội đang viết thư cho ngài vì cậu con trai, thưa ngài giáo sư kính mến. Albert năm nay 22 tuổi, cháu đã học ở trường Bách khoa Zurich bốn năm và mùa hè vừa qua, cháu đã tốt nghiệp với điểm khá tốt. Kể từ đó cháu đã cố gắng xin làm trợ giảng, một công việc cho phép cháu tiếp tục đào sâu về vật lý, nhưng không thành công. Tất cả những người ở vị trí đánh giá đều khen ngợi năng lực của cháu. Tôi có thể đảm bảo với ngài rằng cháu cực kỳ chăm chỉ, kiên trì và rất yêu khoa học. Do đó, cháu cảm thấy vô cùng buồn vì hiện tại chưa có việc làm, và cháu ngày càng tin rằng mình đã lầm đường khi chọn nghề này. Ngoài ra, cháu còn bị đè nặng bởi suy nghĩ rằng mình là gánh nặng đối với chúng tôi, những người có thu nhập khiêm tốn. Vì ngài dường như là người mà con trai tôi khâm phục và trân trọng hơn bất kỳ học giả vật lý nào, nên tôi muốn gửi tới ngài một lời đề nghị khiêm nhường, mong ngài đọc bài báo của cháu và viết cho cháu một vài dòng khích lệ nếu có thể, để cháu có thể lấy lại niềm vui trong cuộc sống và công việc. Ngoài ra, nếu ngài có thể đảm bảo cho cháu công việc làm phụ tá, tôi sẽ vô cùng biết ơn ngài. Tôi xin ngài thứ lỗi vì đã mạo muội viết thư cho ngài, và con trai tôi không biết gì về việc làm bất thường này của tôi”.

Ostwald vẫn không trả lời. Tuy nhiên, 9 năm sau, trong một sự trớ trêu thú vị của lịch sử, ông lại là người đầu tiên đề cử Einstein cho giải thưởng Nobel.

Einstein tin chắc rằng oan gia của mình tại trường Bách khoa Zurich, giáo sư vật lý Heinrich Weber, là người đứng sau những khó khăn này. Thà thuê hai kỹ sư còn hơn là để Einstein làm phụ tá, rõ ràng Weber đang đưa ra lời giới thiệu không có lợi cho Einstein. Sau khi gửi thư xin việc cho giáo sư Eduard Riecke ở Göttingen, Einstein bày tỏ nỗi thất vọng của mình với Marić: “Anh gần như đã từ bỏ vị trí đó, xem như nó đã mất. Anh không tin Weber sẽ để một cơ hội tốt như thế trôi qua mà không giở trò phá đám.” Marić khuyên ông nên viết cho Weber, trực tiếp hỏi ông ta, và Einstein viết lại rằng ông đã làm thế.

“Ông ta ít nhất nên biết rằng ông ta không thể làm những chuyện này sau lưng anh được. Anh đã viết cho ông ta rằng anh biết công việc của anh giờ đây chỉ phụ thuộc vào nhận xét của ông ta thôi.”

Việc đó không có kết quả. Einstein lại bị từ chối. Ông viết cho Marić: “Việc Riecke từ chối không làm anh ngạc nhiên. Anh hoàn toàn tin rằng Weber gây ra chuyện này.” Ông trở nên nản lòng, ít nhất vào thời điểm đó, đến mức cảm thấy tiếp tục tìm kiếm cũng chẳng ích gì.

“Trong những tình huống thế này, việc viết thêm thư gửi cho các giáo sư chẳng còn ý nghĩa gì nữa, vì nếu có được đi chăng nữa, thì chắc chắn họ sẽ hỏi Weber, và ông ta lại đưa ra nhận xét không có lợi mà thôi.” Với Grossmann, ông than vãn: “Đáng lẽ tôi đã tìm được việc lâu rồi nếu không phải vì tính nham hiểm của Weber.”

Vai trò của chủ nghĩa bài Do Thái trong chuyện này lớn đến mức nào? Einstein dần đi đến chỗ tin rằng đó là một nhân tố khiến ông nên tìm việc ở Ý, nơi ông cảm thấy chủ nghĩa này chưa nổi lên quá rõ rệt. Ông viết thư gửi Marić: “Ở đây không có một trong những rào cản chính cản trở anh xin việc, cụ thể là chủ nghĩa bài Do Thái; ở các nước nói tiếng Đức, nó gây khó chịu chẳng khác gì một rào cản vậy.

Trong nỗ lực tìm việc ở Ý, Einstein đã nhờ đến sự giúp đỡ của một người bạn mà ông quen biết khi còn học ở Zurich, kỹ sư Michele Angelo Besso…

Besso có một số mối quan hệ mà Einstein hy vọng có thể có ích. Chú của Besso là một giáo sư toán học đang dạy tại trường bách khoa ở Milan, và kế hoạch của Einstein là nhờ Besso giới thiệu với ông: “Anh sẽ túm cổ áo anh ta rồi kéo đến chỗ chú anh ta, ở đó anh sẽ tự mình nói chuyện.” Besso đã thuyết phục được chú mình viết thư theo hướng có lợi cho Einstein, nhưng nỗ lực đó cũng không có tác dụng. Rốt cuộc, gần như suốt năm 1901, Einstein chỉ quanh quẩn giữa các công việc dạy học tạm thời và làm gia sư.

Cuối cùng một người bạn thân khác của Einstein từ thời còn ở Zurich, người bạn cùng lớp và cũng là người chép bài môn toán cho ông, Marcel Grossmann, lại là người xin được việc cho Einstein, dù đó không phải là công việc như ông mong muốn. Đúng lúc Einstein sắp tuyệt vọng, Grossmann viết thư thông báo, có thể vị trí nhân viên kiểm định tại Cục Cấp bằng Sáng chế Thụy Sĩ ở Bern sẽ trống. Cha của Grossmann biết giám đốc ở đó, và ông rất sẵn lòng giới thiệu Einstein.

Einstein viết thư trả lời: “Tôi vô cùng cảm động bởi sự tận tâm và tình thương mến của anh, những điều làm anh không quên người bạn thiếu may mắn này. Tôi rất vui mừng có được công việc tốt như vậy, và tôi sẽ hết mình để xứng đáng với lời giới thiệu của anh.” Ông hoan hỉ nói với Marić: “Hãy nghĩ đó là công việc tuyệt vời cho anh. Anh sẽ vui phát điên nếu có được nó.”

* Bài viết được trích từ cuốn sách “Einstein - Cuộc đời và vũ trụ”, Vũ Minh Tân (dịch), Alpha Books và Omega xuất bản tháng 8/2016.

CafeBiz
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.