Đức Phật dạy nếu một người có năng lực làm giàu nhờ công sức và trí tuệ của chính mình, và biết sử dụng của cải vật chất đó làm lợi mình lợi người thì rất tốt.

Trong Kinh Phật Tự Thuyết (Udana, Tiểu Bộ Kinh I, tr. 291), Đức Phật nói: “Vì cái này có, cái kia có (imasmim sati idamhoti); Vì cái này sinh, cái kia sinh (imassuppàda idam uppajjati); Vì cái này không, cái kia không (imasmim asati idam na hoti); Vì cái này diệt, cái kia diệt (imassa nirodhà idam airujjhata”. Bốn câu trên cho thấy sự tương liên, tương tác trong sự hiện hữu liên tục của mọi sự vật và sự tương liên, tương tác trong sự hủy diệt của mọi sự vật. Căn cứ trên nguyên tắc này, thuyết Duyên Khởi được thành lập.

Hạnh phúc là phải biết cho đi…

Con người cũng vậy, khi chúng ta làm tổn thương đến người khác thì đồng thời chúng ta cũng đang làm tốn thương chính mình, khi ta mang đến niềm vui cho người khác thì bản thân chúng ta cũng cảm thấy hạnh phúc. Con người ta ai cũng mưu cầu hạnh phúc nhưng mấy ai hiểu được rằng muốn có hạnh phúc là phải biết cho đi…

Thuyết Duyên Khởi cuả Đạo Phật có thể diễn tả qua một tiến trình như sau: Nhân - Duyên - Quả. Nhân chỉ lý do chính, duyên là điều kiện trợ giúp để sinh ra quả. Nhân là nguyên nhân tức là cái gì phát động ra ở mọi sự vật để gây ra một kết quả. Duyên là duyên cớ, là điều kiện, là năng lực, là sự tương hợp để giúp Nhân tạo ra Quả.

Nói cách khác, thuyết duyên khởi cho chúng ta thấy rằng cuộc sống có một mối tương liên chằng chịt (inter-related), liên kết (inter-connected) giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên..., và không có một sự, một vật nào đứng độc lập một mình. Con người và thế giới phải vận động không ngừng, mới kích thích nền kinh tế. Mỗi quốc gia cần chủ động sáng tạo để thích ứng với môi trường sống và hoàn cảnh cụ thể.

Chúng ta hay nói với nhau rằng “phi thương bất phú” có nghĩa là không kinh doanh không thể giàu được. Nói như vậy thì phải chăng mục đích của kinh doanh là chỉ để làm giàu? Làm giàu hoàn toàn không sai. Đức Phật dạy nếu một người có năng lực làm giàu nhờ công sức và trí tuệ của chính mình và biết sử dụng của cải vật chất đó làm lợi mình lợi người thì rất tốt. Còn sự giàu có do lừa dối để lợi mình hại người thì mới không được.

Đã là doanh nhân thì ai cũng có những mưu cầu, những hy vọng và những ước mơ phát triển để làm ăn có lãi. Đó là những ước vọng rất chính đáng và họ thực hiện ước vọng đó bằng những hoạt động trên thương trường. “Thương trường là chiến trường” vì vậy, không thể phủ nhận rằng kinh doanh là nghề đối đầu với nhiều thách thức, áp lực. Đặc biệt, giữa thời buổi kinh tế mở và hội nhập toàn cầu, sự cạnh tranh về sản phẩm/ dịch vụ giữa các doanh nghiệp ngày càng diễn ra gay gắt.

Trong giới Phật tử không ít người có liên hệ đến ngành kinh doanh. Để việc kinh doanh mang lại lợi ích cho xã hội, người Phật tử phải thông hiểu nguyên tắc đạo đức trong giáo lý nhà Phật mà nguyên tắc chính yếu đó là phải nhận thức Đúng và hành xử Tốt. Nhận thức Đúng nghĩa là đúng với quy luật tự nhiên và quy định xã hội. Hành xử Tốt là không hại mình, hại người, hay lợi mình hại người.

Kinh doanh là giúp cho sinh hoạt xã hội cân bằng và tương trợ lẫn nhau. Tức là, Thứ nhất mở tuệ đối với mọi người, chia sẻ với mọi người; Thứ hai là sự yêu thương: Trong đạo Phật người ta đặt yêu thương lên hàng đầu và yêu thương bằng tấm lòng mà không cần biết người ta đối lại với mình thế nào; Thứ ba là sự hỉ xả, sự bao dung: nếu trong doanh nghiệp không biết lượng thứ cho nhau thì khó có thể gắn kết lại với nhau.

Ba yếu tố cần thiết

Đạo Phật có 3 yếu tố giúp cho mọi sinh hoạt đều có thể trở nên tốt đẹp, đó là trong lành (giới), định tĩnh (định), sáng suốt (tuệ) mà trong đời sống hàng ngày thường được biểu hiện dưới ba hình thức thiết thực là Thận trọng, Chú tâm, và Quan sát. Cụ thể: Thận trọng là cẩn thận kỹ lưỡng trong mọi công việc; Chú tâm là sự chuyên tâm, thành ý, không xao lãng; Quan sát là xem xét thẩm tra mọi việc một cách khách quan rõ ràng.

Đó là ba yếu tố cần thiết giúp chúng ta biết điều chỉnh cho hoàn hảo tất cả mọi lĩnh vực hoạt động của con người dù việc nhỏ hay lớn. Ví dụ như trước khi đầu tư hay kinh doanh gì thì chúng ta cần phải chú tâm quan sát một cách thận trọng, xem xét có phù hợp với khả năng và vốn đầu tư không, thị trường ra sao… Có như vậy thì việc kinh doanh hay đầu tư mới có thể gặt hái được kết quả như mong muốn.

Ngoài ra còn có 4 điều kiện cơ bản để thành công gọi là bốn điều như ý (Iddhipāda), đó là: Có nhu cầu hay nguyện vọng chính đáng (Chand’iddhipāda); Có chuyên cần nỗ lực để thực hiện (Viriy’iddhipāda); Có quyết tâm không nản lòng (Citt’iddhipāda); Có nhận thức rõ tiến trình thực hiện (Vimams’iddhipāda). Thiếu bốn điều kiện trên thì không thể nào thành công trong bất kỳ việc gì, kể cả kinh doanh. Nguyên tắc Win-Win (thắng - thắng) là một trong những nguyên tắc cơ bản của kinh doanh hiện đại. Theo nguyên tắc này, những người tham gia đàm phán, kinh doanh, hợp tác với nhau sẽ tôn trọng và chấp nhận nguyên tắc “đôi bên cùng có lợi”. Đó chính là tinh thần kinh doanh của những doanh nhân văn minh trong thời đại mới, thời đại toàn cầu hóa trong thế giới phẳng, cần bắt tay nhau hợp tác cùng phát triển.

Hoạt động kinh doanh và mục tiêu kinh doanh dưới ánh sáng “Duyên khởi” của Phật giáo, phải được đặt vào tổng thể sinh hoạt của cộng đồng xã hội và được phát triển song hành, nhịp nhàng với mục tiêu của bản thân, gia đình, đất nước, và của thời đại.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.