Bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng đối lập ở Myanmar, từ lâu đã trở thành biểu tượng cho cuộc đấu tranh hòa bình trước chính phủ quân đội khi bà đã bị giam lỏng tại nhà riêng 15 năm.

Phần lớn khoảng thời gian từ năm 1989 cho đến năm 2010, chính trị gia 70 tuổi này đã bị giam giữ tại nhà do những nỗ lực nhằm xây dựng nền dân chủ tại Myanmar, một quốc gia từ lâu đã bị kiểm soát bởi lực lượng quân đội.

Bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng NLD và là người được nhận giải Nobel Hòa bình.

Năm 1991, một năm sau khi đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử toàn quốc nhưng bị quân đội bác bỏ kết quả, bà được trao giải Nobel Hòa Bình. Hội đồng giải thưởng nói rằng bà là “đại diện cho sức mạnh của những người yếu thế”.

Năm 2010, khi Myanmar tổ chức cuộc bầu cử toàn quốc đầu tiên sau hai thập kỷ vào tháng 11/2010, bà đã được trả tự do nhưng không được tham gia tranh cử. Vào thời điểm đó, chính phủ đã bắt đầu hàng loạt nỗ lực cải cách, và bà Aung San Suu Kyi bắt đầu trở lại chính trường.

Ngày 1/4/2012, bà đã tham gia tranh cử đại biểu quốc hội và nói rằng đây là điều mà những người ủng hộ bà mong muốn. Bà và đảng NLD đã giành chiến thắng áp đảo và vài tuần sau đó các tù nhân chính trị được gia nhập quốc hội, một bước đi chưa từng xảy ra trước cuộc bỏ phiếu năm 2010.

Tuy nhiên, bà Suu Kyi đã nhiều lần tỏ ra thất vọng với tốc độ dân chủ hóa của Myanmar. Vào tháng 11/2014, bà cảnh báo rằng đất nước vẫn chưa có sự cải tổ nào trong hai năm qua và nói rằng Mỹ, năm 2012 đã gỡ bỏ phần lớn cấm vận kinh tế đối với Myanmar, đã “quá lạc quan” đối với tình hình hiện tại.

Theo hiến pháp Myanmar do quân đội lập nên, bà Suu Kyi cũng bị cấm tranh cử Tổng thống bởi hai người con trai của bà có hộ chiếu của Anh, một điều luật mà bà nói là không bằng.

Mặc dù nhận được sự ủng hộ rộng rãi, bà Suu Kyi đã gặp không ít những chỉ trích bởi một số tổ chức nhân quyền khi bà không đứng lên hỗ trợ các dân tộc thiểu số ở Myanmar khi xung đột sắc tộc vẫn xảy ra ở một số khu vực.

Bà Aung San Suu Kyi là ai?

Bà Aung San Suu Kyi là con gái của tướng Aung San, người được coi là anh hùng dân tộc của Myanmar. Ông đã bị ám sát trong thời kỳ chuyển giao chính trị vào tháng 7/1947, chỉ sáu tháng trước khi đất nước tuyên bố độc lập.

Năm 1960 bà đến Ấn Độ cùng mẹ là bà Daw Khin Kyi, người đã được bầu làm đại sứ Myanmar tại nước này. Bốn năm sau bà theo học trường Đại học Oxford danh giá ở Anh, tại đây bà nghiên cứu triết học, chính trị và kinh tế. Bà cũng gặp người chồng tương lai của mình là học giả Micheal Aris.

Bà cũng đã từng làm việc ở một số nước khác như Nhật Bản và Bhutan, nhưng cuối cùng đã ở chọn sống lâu dài ở Anh để nuôi hai người con là Alexander và Kim, nhưng trong tâm can bà Myanmar vẫn là quê hương của mình.

Khi bà trở về Rangoon (Myanmar) năm 1988 để chăm sóc cho người mẹ bệnh nặng của mình, đất nước đang trong tình trạng hỗn loạn chính trị. Hàng ngàn sinh viên, nhân viên và tăng ni đã đổ xuống đường yêu cầu thiết lập nền dân chủ ở Myanmar.

“Giống như cha mình, tôi không thể làm ngơ trước những gì đang xảy ra”, bà phát biểu trong một bài diễn văn tại Rangoon ngày 26/08/1988 và trở thành người đứng đầu cuộc nổi dậy chống lại lãnh đạo Myanmar lúc đó là tướng Ne Win.

Lấy cảm hứng từ cuộc đấu tranh phi bạo lực của Martin Luther King và Mahatma Gandhi, bà tổ chức các cuộc biểu tình và đi khắp đất nước, kêu gọi xây dựng nhà nước dân chủ và tổ chức bầu cử tự do. Nhưng các cuộc tuần hành đã bị quân đội đàn áp dã man, và bà Suu Kyi bị giam tại nhà riêng vào năm 1989.

Chính phủ do quân đội kiểm soát đã tổ chức một cuộc bầu cử toàn quốc vào tháng 5/1990, và đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng thuyết phục, nhưng quân đội đã không chịu nhường quyền điều hành đất nước.

Bà Suu Kyi bị giam lỏng tại nhà riêng của mình ở Rangoon trong sáu năm và được trả tự do một lần vào tháng 7/1995. Nhưng đến tháng 9/2000 bà lại bị giam giữ trở lại khi có ý định đến thành phố Mandalay để phản đối chính sách kiểm soát đi lại của chính phủ.

Tháng 5/2002 bà lại được thả, nhưng đến một năm sau bà bị bắt vào tù sau khi những người ủng hộ bà đã có xung đột với một đám đông ủng hộ quân đội Myanmar. Sau đó, mặc dù được trở về nhà, bà lại bị giam lỏng từ đó đến năm 2010.

Trong lúc bị giam giữ, bà Suu Kyi tận dụng thời gian để thiền, học tiếng Pháp và tiếng Nhật, đồng thời học chơi piano. Thỉnh thoảng bà được phép gặp gỡ một số thành viên trong đảng NLD và quan chức ngoại giao của nước ngoài.

Nhưng phần lớn thời gian này bà thường chỉ có một mình. Bà không được phép gặp lại hai con và người chồng tại Myanmar. Khi ông bị bệnh nặng, chính quyền đã cho phép bà đến Anh để thăm ông, nhưng bà buộc phải từ chối do lo ngại sẽ bị chính phủ cấm trở lại đất nước của mình. Ông đã mất vào tháng 3/1999 vì bệnh ung thư.

Tháng 11/2010, bà Suu Kyi được trả tự do và sau đó đã gặp lại con trai Kim Aris lần đầu tiên sau một thập kỷ.

Bà Aung San Suu Kyi và đảng NLD được đông đảo người Myanmar ủng hộ.

Khi cuộc bầu cử phụ được tổ chức vào năm 2012 để lấp đầy các ghế bị bỏ trống, đảng của bà đã tham gia tranh cử mặc cho những nghi ngại ban đầu.

“Một số người đã tỏ ra quá lạc quan đối với tình hình hiện tại”, bà Suu Kyi nói trước khi bỏ phiếu. “Chúng tôi vẫn rất thận trọng, bởi đây là điểm khởi đầu của một quá trình dài”.

Bà và đảng NLD đã giành 43 trong tổng số 45 ghế được niêm yết. Vài tuần sau đó, bà Suu Kyi đã có lễ tuyên thệ trước quốc hội và trở thành lãnh đạo phe đối lập của chính phủ Myanmar.

Vào tháng 5/2012, bà đã có chuyến thăm ra nước ngoài lần đầu tiên sau 24 năm, một dấu hiệu cho thấy bà tỏ ra tự tin khi lãnh đạo của chính phủ mới sẽ cho phép bà về nước.

Anh Tuấn (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.