Cập nhật 16/01/2021 4:11 PM
Theo lý thuyết kinh tế truyền thống, độc quyền tạo nên một cấu trúc kinh tế độc hại bởi khi một công ty độc quyền, nó có xu hướng tăng giá và kéo chất lượng dịch vụ đi xuống...

Từ zero (số không) thành hero (người hùng), đó là cách người ta thường nghĩ về cuộc đời Jack Ma. Từ một học sinh thi trượt đại học 2 lần, từ một người lao động quèn khi xin việc tại tiệm ăn nhanh KFC nhưng ngay cả công việc nhỏ mọn ấy cũng không được nhận, Jack Ma sáng lập nền tảng thương mại điện tử Alibaba và trở thành một trong những tỷ phú giàu nhất châu Á. Thế nhưng, ngay vào thời điểm dịch bệnh vốn dĩ phải là mỏ vàng cho một công ty công nghệ, bỗng nhiên Alibaba bị Chính phủ Trung Quốc sờ gáy và tiến hành điều tra chống độc quyền.

Gần như cùng một thời điểm, những tháng cuối năm 2020, Tiểu ban Chống độc quyền của Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ công bố một báo cáo dài 449 trang, được thực hiện sau một cuộc điều tra dài 16 tháng, về sự độc quyền của tứ đại tập đoàn công nghệ lớn nhất: Google, Facebook, Amazon và Apple, 4 tập đoàn mà tổng giá trị trên thị trường của chúng đạt tới 5 ngàn tỷ USD! Và tất cả chúng đều đã lớn nhanh như thổi từ những start-up "lép vế luộm thuộm" trở thành "kiểu độc quyền mà chúng ta thấy lần cuối là vào thời đại của những ông trùm dầu mỏ và ông trùm đường sắt".

Sự độc quyền khiến các tập đoàn công nghệ trở thành kẻ định đoạt mọi ý niệm về cuộc sống, như cái gì đúng và cái gì sai.

Đúng là như vậy, nếu như bỏ đi bộ râu và thay chiếc áo khoác lịch thiệp thành một chiếc áo thun tối màu tối giản, thì Rockefeller cũng không khác gì Mark Zuckerberg và nếu thay da trắng bằng da vàng thì Jack Ma hay Andrew Carnegie cũng cùng một "giuộc" cả thôi. Thậm chí, độc quyền công nghệ ở mặt nào đó còn nguy hiểm và độc địa hơn độc quyền dầu mỏ hay đường sắt, bởi sức mạnh công nghệ vô biên là thứ mà chính người nắm giữ chúng còn chưa hiểu hết tiềm năng. Và, rất khó để buộc tội một công ty công nghệ là độc quyền.

Không ai bị ép buộc phải tìm kiếm trên Google cả! Đây là dịch vụ miễn phí mà! Một đại diện của Google giải thích như vậy khi hãng này bị cáo buộc độc quyền. Và, người đó đã nói cực kỳ chính xác. Mọi người đã tự nguyện lựa chọn sử dụng Google chứ không có ai đứng bên ép buộc cả và họ chọn Google vì hệ thống tìm kiếm của nó được phát triển thông minh hơn, ưu việt hơn. Chẳng nhẽ, làm ra một sản phẩm vượt trội so với số đông cũng bị coi là một cái tôi?

Cũng như vậy, tất cả những người mở tài khoản trên Facebook, mua bán trên Amazon hay Alibaba đều là bởi họ tự nguyện lựa chọn chúng. Cơ sở tự nguyện không ràng buộc nhưng lại không thể tránh khỏi là khác biệt căn bản giữa độc quyền công nghệ và độc quyền ở các thị trường hàng hóa thông thường.

Theo lý thuyết kinh tế truyền thống, độc quyền tạo nên một cấu trúc kinh tế độc hại bởi khi một công ty độc quyền, nó có xu hướng tăng giá và kéo chất lượng dịch vụ đi xuống. Nhưng, Google miễn phí cơ mà? Và sản phẩm của Google thì ngày càng tốt hơn, bất cứ ai cũng phải thừa nhận thế, ngay đến cả Google Translate cũng được cải tiến một cách thần kỳ: từng có thời bị nói "dịch như Google" là lời chỉ trích đáng xấu hổ nhất với một dịch giả thì giờ Google đã có thể dịch trơn tru những đoạn viết cơ bản. Vậy cứ giả như những hãng này độc quyền đi nữa thì cũng đâu có vấn đề gì.

Thực tế, vấn đề giá cả chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm", nói như tác giả cuốn sách “The People vs Tech: how internet is killing democracy and how we save it” (Con người đối đầu với internet: cách mà internet đang giết chết nền dân chủ và cách mà ta cứu lấy nó). Chỉ với dầu mỏ, ta mới nên lo về giá, còn với công nghệ, cái ta nên lo là sự tập trung quyền lực, dữ liệu và sự kiểm soát thông tin.

Trong triết học Marx có một thuật ngữ là "cultural hegemony" - bá quyền văn hóa. Nó xảy ra khi một tầng lớp thống trị được toàn quyền thao túng nền tảng văn hóa xã hội, tầng lớp ấy sẽ quyết định cái gì là đúng cái gì là sai, cái gì đáng tin cái gì không, cái gì được biết, cái gì không được biết, tức là toàn bộ mọi giá trị, đức tin, ý niệm và tiêu chuẩn đạo đức - hay nói cách khác, những cột trụ làm nên xã hội người. Không, Google chẳng lấy gì của bạn cả, nó cho không bạn rất nhiều công cụ, tìm kiếm, tra cứu, dịch thuật, lưu trữ, sáng tác, kết nối, đổi lại, nó được quyền kiểm soát bạn, giống như cài một chiếc đĩa CD-Rom một cách tinh vi vào tâm trí bạn như với nhân vật Prometheus trong truyện tranh của Hãng DC vậy.

Và cụ thể thì những tập đoàn công nghệ đã và sẽ làm điều đó bằng cách nào? Ngược lại thời gian, ta sẽ thấy mọi tiến bộ công nghệ đều mã hóa trong nó một triết lý vận hành thế giới. Những chiếc máy in Gutenberg không chỉ in sách mà nó còn hàm nghĩa rằng thông tin và tri thức phải được san sẻ rộng khắp và bình đẳng - ý tưởng ấy ngày nay là cốt lõi của mọi nền dân chủ. Hệ thống điện tín tạo nên một cuộc cách mạng trong nhận thức của chúng ta về thời gian và không gian bằng cách kéo mọi thứ đến gần nhau. Và kéo mọi thứ đến gần nhau hơn là nguyên lý bất biến ở mọi xó xỉnh ngành nghề trong thế giới hiện đại.

Còn với thung lũng Silicon, nơi hoài thai những tập đoàn công nghệ khổng lồ, có hẳn cả những học giả đã nghiên cứu "hệ tư tưởng California" về thiên đường start-up này. Thực ra, ý niệm ban đầu về thung lũng Silicon rất tốt đẹp, bởi ở đây, những gông xích quyền lực thông thường bị vô hiệu hóa. Không phải vì bạn được trao lợi thế về tiền nên bạn thành công. Mà bạn có thể đến đây với hai bàn tay trắng nhưng chỉ cần có một ý tưởng tuyệt vời, bạn sẽ có tiền. Ý tưởng và tiền luôn song hành với nhau. Thung lũng Silicon vì thế không chỉ là chốn tập trung những ý tưởng mà còn là chốn tập trung của vốn. Ai giữ vốn? Câu hỏi này hẳn không cần trả lời nữa. Các tập đoàn lớn sẽ chỉ rót vốn cho những ý tưởng thống nhất với triết lý mà các tập đoàn này nhìn nhận thế giới, rằng cái mới luôn tốt hơn cái cũ, rằng những thiết bị tân tiến đồng nghĩa với sự tiến bộ, rằng tự do nằm ở công nghệ.

Biếm họa về cách mà những tập đoàn công nghệ hút toàn bộ cuộc sống của chúng ta để chúng trở thành thực tại duy nhất.

Những điều này không phải là sai nhưng nó áp đặt một tương lai khả thể duy nhất và loại bỏ mọi khả năng phát triển khác. Bạn hẳn đã nghe cả ngàn lần câu, "Tương lai chính là công nghệ", trên quảng cáo, trong tiểu thuyết, trên cả những chương trình bàn về chính sách quốc gia. Tương lai tươi sáng mà phần lớn con người của thời đại công nghệ có thể hình dung (và họ cũng được hứa hẹn về nó) là một thành phố thông minh nơi mọi thứ đều được nối mạng internet, được sở hữu những chiếc iPhone hay Macbook đời mới nhất. Không nhất thiết đó là một tương lai tồi tệ nhưng tại sao không thể có những tương lai khác? Sự đáng sợ của công nghệ nằm ở điểm này, nó muốn tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn nhưng là tốt đẹp hơn theo cách định nghĩa về sự tốt đẹp của một vài người và công nghệ đại diện cho sự vô tận nhưng tự thân nó chính là một giới hạn để con người không nghĩ được xa hơn nó.

Nhà văn Ray Bradbury với "tầm viễn kiến về những tương lai có thể xảy ra và những thực tại sắc như dao cạo" từng mường tượng một ngày nào đó, người sao Hỏa tới xâm lược Trái đất, họ sẽ choáng váng bởi chúng ta không những không đuổi đánh họ mà còn chào mừng họ, coi họ như một thị trường tiềm năng nới và dần làm hỏng họ bởi những phát minh đời mới nhất, nghiền nát tâm hồn họ bằng những cỗ máy điện tử không tri giác. Với người Trái Đất, tương lai của những tiện nghi ấy chẳng có gì xấu cả, còn với người sao Hỏa, họ lại tìm kiếm những thứ khác cho nền văn minh của họ.

Cái chúng ta cần là những người sao Hỏa để phá bỏ thế độc quyền của chỉ một vài ý niệm về tiến bộ do những tỷ phú công nghệ đặt ra.

Mà cũng có thể, ta không cần phải lo lắng nhiều quá. Năm 2007, tờ Guardian cũng từng đặt ra câu hỏi "Liệu Myspace có bao giờ đánh mất sự độc quyền của nó không?". Khi ấy, Myspace là mạng xã hội lớn nhất và nó cũng lớn đến độ tưởng như không thể thất bại. Thế mà chỉ sau vài năm, Myspace đã bị Facebook qua mặt. Đến năm 2016, Myspace chỉ còn khoảng 15 triệu lượt truy cập hằng tháng trên khắp thế giới.

Những ông trùm công nghệ luôn tôn vinh triết lý "cái mới tốt hơn cái cũ" và thao túng cả thế giới nhờ đúng triết lý ấy của họ nhưng cũng triết lý ấy có thể xô đổ họ bất cứ lúc nào.

Hiền Trang (An Ninh Thế Giới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….