Có lần anh Nguyễn Thế Trung nói với tôi: “Tớ mong muốn Việt Nam sẽ là đất nước đi đầu thế giới về công nghệ robot…”.

Doanh nhân mê văn hóa cổ

Anh Nguyễn Thế Trung là doanh nhân, nhưng lại yêu văn hóa Việt cổ say đắm. Anh mơ về một nước Việt, mà mỗi con người phải có trách nhiệm giữ gìn văn hiến Việt và sống đắm đuối với văn hóa truyền thống. Nhưng, nước Việt ấy cũng phải là một đất nước hiện đại, là cường quốc robot. Những con robot sẽ thực hiện những công việc nặng nhọc thay con người.

Anh Nguyễn Thế Trung, người đang mang khát vọng biến Việt Nam thành cường quốc robot

Nhưng, đó không phải chỉ là giấc mơ. Nguyễn Thế Trung đang âm thầm thực hiện giấc mơ tưởng như điên rồ ấy. Anh bảo, bản thân anh chỉ là hạt cát, nhưng anh muốn là người gieo mầm, là người cổ vũ.

Vậy nên, không chỉ nghiên cứu về toán, về robot, về những thứ công nghệ hiện đại mà loài người đang từng ngày sáng tạo, Nguyễn Thế Trung còn dành nhiều thời gian và tâm huyết cho việc nghiên cứu văn hóa Việt cổ cùng các nhà khoa học ở Trung tâm Lý học Đông phương.

Thầy giáo Đỗ Văn Xuyền, người chuyên nghiên cứu chữ Việt cổ, được anh Trung và bạn bè tài trợ tổ chức hội thảo, ủng hộ tiền để ông tiếp tục công việc nghiên cứu

Hồi báo chí đăng tải chuyện thầy giáo Đỗ Văn Xuyền (Việt Trì, Phú Thọ), dành 40 năm, gần cả cuộc đời, tâm huyết cho việc nghiên cứu, giải mã chữ Việt cổ, Nguyễn Thế Trung xúc động lắm. Không thể tin nổi, một ông giáo già, đã dùng hết tiền lương, cầm cố cả nhà cửa, để đi khắp đất nước sưu tầm, nghiên cứu chữ cổ, để chứng minh rằng, người Việt từng có chữ riêng, chứ không phải vay mượn thiên hạ.

Nguyễn Thế Trung không hiểu nhiều về chữ Việt cổ, nhưng anh đã âm thầm làm một công việc có ý nghĩa, đó là bỏ tiền và huy động thêm bạn bè giúp Trung tâm Minh triết Việt cùng Nhà xuất bản Tri thức tổ chức Hội thảo chữ Việt cổ.

Anh cũng đứng ra huy động ủng hộ thầy giáo Xuyền mấy chục triệu đồng, để ông có tiền tiếp tục công việc yêu nước của mình. Anh cũng đang ấp ủ sẽ tổ chức một cuộc hội thảo lớn hơn để mời các nhà nghiên cứu cùng quan tâm đến vấn đề chữ Việt cổ.

Rồi có một nhân vật, mà chẳng mấy người Việt Nam biết đến, ấy là GS. Lương Kim Đinh, người dành gần như cả cuộc đời âm thầm nghiên cứu nền văn hóa Việt cổ xưa.

Trung tâm Minh triết Việt dự định tổ chức tọa đàm về nhân vật đã rời xa thế giới từ 15 năm trước này, nhưng thiếu kinh phí. Nguyễn Thế Trung cùng anh bạn, cũng là doanh nhân yêu văn hóa Việt cổ, đã ủng hộ cả trăm triệu bạc để tổ chức buổi tọa đàm.

Tọa đàm về những đóng góp của GS. Lương Kim Định với nền văn hiến Việt

Buổi tọa đàm đã mời được hàng chục giáo sư, tiến sĩ, hàng trăm người yêu cổ sử đến Quốc Tử Giám để… tranh cãi, đánh giá những đóng góp của ông Định với nền văn hóa nước nhà.

Nguyễn Thế Trung còn có một ý tưởng kỳ lạ, ấy là anh sẽ huy động bạn bè lập quỹ hỗ trợ nghiên cứu cổ văn hóa sử Việt Nam. Sẽ có cả tỷ đồng trong quỹ đó để hỗ trợ kịp thời các nhà nghiên cứu, nhà sử học nghèo khó, nhưng tâm huyết với lịch sử và văn hiến Việt, đặc biệt là cổ sử. Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp lao đao, mà anh Trung mải mê làm những chuyện đó, kể cũng lạ.

Giấc mơ robot

Nhưng có lần anh nói với tôi: “Tớ mong muốn Việt Nam sẽ là đất nước đi đầu thế giới về công nghệ robot…”.

Có lúc tôi tự hỏi, liệu Nguyễn Thế Trung có mắc bệnh hoang tưởng như không ít nhà nghiên cứu ở nước mình? Họ có đặc điểm chung, là yêu nước đến rồ dại, đôi khi thái quá, và quên mất mình là ai.

Nhưng rồi, tôi âm thầm theo dõi, suốt hơn năm qua, thấy Nguyễn Thế Trung từng bước thực hiện quyết tâm táo bạo ấy một cách thật sự bài bản.

Để thực hiện giấc mơ ấy, anh đã phải du hành khắp thế giới. Anh đã trực tiếp trải nghiệm môi trường tại Đại học Carnegie Mellon (CMU) nơi phát minh ra robot tự hành trên sao hỏa hay xe hơi không người lái, qua dự án mà doanh nghiệp của anh hợp tác với CMU đưa giáo trình giảng dạy CNTT về Việt Nam.

Đội tuyển robotics Việt Nam tại Indonesia

GS.TS. Nguyễn Hùng, nhà nghiên cứu người Việt định cư ở Australia, thuộc Đại học UTS, người mới được bình chọn là công dân ưu tú Australia của năm 2012, đã mở cho anh một chân trời mới về ý tưởng.

GS. Nguyễn Hùng đã phát minh ra vô số thứ có giá trị cho nền y khoa thế giới, đặc biệt là chiếc xe lăn, như một robot tự động kết hợp với điều khiển bằng ý nghĩ con người.

Ngày 27-10 tới đây, cuộc thi sáng tạo robotics mang tên “Deep Blue – Biển xanh” với sự tham gia của 5 nước Đông Nam Á (Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore), sẽ diễn ra ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Các nhà sáng tạo robot tương lai của Việt Nam ở độ tuổi 9-11 sẽ tạo ra những con robot chinh phục biển sâu và khám phá nơi sâu nhất của đại dương, nơi mà con người chưa từng đặt chân tới (tất nhiên là trong một môi trường giả định)
.

Đặc biệt, anh được GS. Nguyễn Hùng giới thiệu về dự án ngôi trường cho 10 năm sau. Đó là ngôi trường mà mọi thứ đều là tự động, thông minh, là một thế giới robot như trong phim viễn tưởng.

Anh tin rằng, 10 năm, cùng lắm là 20 năm nữa thôi, thế giới này đã tự động hóa gần như hoàn toàn. Thậm chí con người điều khiển robot bằng ý nghĩ. Thế nhưng, nếu không chớp thời cơ, thì cái cày và con trâu vẫn sẽ là hình ảnh của nước Việt từ hàng ngàn năm trước. Khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới hiện đại sẽ ngày một xa hơn.

Câu chuyện về một thế giới ảo ngập tràn robot, hoàn toàn tự động, cứ ám ảnh Nguyễn Thế Trung. Và thế là, một dự án lớn ấp ủ trong đầu anh.

Triết lý không chỉ của riêng anh, mà của cả giới kinh doanh, ấy là phải đi tắt đón đầu, phải biết đứng trên vai của người khổng lồ. Người phương Tây mất cả trăm năm, với hàng ngàn sáng chế, phát minh để có được chiếc điện thoại di động, có được mạng internet, thứ mà trong mơ con người của trăm năm trước không thể nghĩ ra được.

Học sinh Việt Nam thi robotics ở Indonesia

Thế nhưng, chỉ trong vòng hơn 10 năm, Việt Nam đã không thua kém nhiều nước về hệ thống công nghệ viễn thông. Người nông dân đi cày cũng đã có di động dắt lưng. Điều đó có nghĩa, thế giới phát triển được robot, thì Việt Nam cũng có cơ hội nếu biết nắm bắt.

Nhưng làm thế nào để người Việt làm chủ được thứ công nghệ của tương lai này, chứ không phải như người nông dân bán cả tấn thóc để sở hữu chiếc điện thoại?

Người gieo mầm

Ông John Vũ, GS. Đại học Carnegie Mellon nói với anh rằng: “Muốn nước Việt đi tắt, đón đầu thành công, thì phải phát triển từ gốc rễ. Không có cách làm tắt nào mà thành công cả”.

Gốc rễ chính là giáo dục. Và anh tự nhận thấy rằng, anh phải là người đi ươm mầm, gieo hạt. Người Việt phải có nền tảng vững chắc thì mới có sáng tạo, mới làm chủ được công nghệ.

Thật rầu lòng khi người Việt dành cả đời đi học chỉ để sử dụng được chiếc máy tính do người khác sáng tạo ra. Không thể để người Việt lại phải mua robot, rồi trồng cấy cày cuốc để kiếm tiền học cách điều khiển robot. Nếu như vậy, nền công nghệ Việt sẽ mãi mãi chỉ bám đuôi thế giới.


Thầy trò say mê dạy và học robotics ở Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội)

Chỉ có một cách duy nhất, ấy là xây dựng nền tảng cho thế hệ học sinh, thế hệ làm chủ đất nước, trước khi thế giới biến thành thế giới ảo tự động.

Muốn nước Việt đi tắt, đón đầu thành công, thì phải phát triển từ gốc rễ. Không có cách làm tắt nào mà thành công cả.

Ông John Vũ, GS. Đại học Carnegie Mellon

“Thế hệ học sinh Việt Nam sẽ khác biệt người lớn, sẽ phải ngang bằng thế giới. Học sinh ngày nay sẽ sáng tạo bằng máy tính chứ không phải bằng tư duy và logic như truyền thống nữa” – anh Trung đưa ra quan điểm như vậy. Một sinh viên siêu giỏi toán khẳng định điều đó kể cũng lạ.

Anh Trung đã phát hiện ra rằng, một số nước đang âm thầm đưa ngành khoa học sáng tạo robotics vào giảng dạy cho học sinh bậc tiểu học. Họ đã “nhúng” những mầm non ấy vào thế giới công nghệ tự động, để truyền đam mê sáng tạo cho các em.

Một số cuộc thi mang tầm khu vực và thế giới cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở về robotics đã diễn ra. Thật không ngờ, trẻ em lại có sự say mê sáng tạo kỳ diệu như vậy.

Anh Trung đã rất choáng khi chứng kiến một nhóm cậu bé, cô bé mới 6-7 tuổi, ăn chưa no, lo chưa tới, đã tạo ra những con robot khám phá đại dương, làm bác sĩ, y tá, lọc ôxi, khai thác tài nguyên, cứu người cứu nạn…

Nhưng làm thế nào để lãnh đạo cấp cao người Việt hiểu được tầm quan trọng của ngành khoa học giáo dục robot không phải là vấn đề đơn giản. Bộ máy và tư duy của nền giáo dục nước nhà hiện nay làm sao cho phép một sự đột phá lớn như vậy dù cá nhân anh nhận được sự cổ vũ của lãnh đạo cao nhất ngành giáo dục.

Anh Trung sẽ là người ươm mầm cho khát vọng về một quốc gia robot?

Chỉ có một cách, đó là anh tự bỏ cả núi tiền, tự làm, từng bước, để không chỉ lãnh đạo mà toàn dân cùng thấy được tầm quan trọng, ý nghĩa lớn lao của nền giáo dục dựa trên tư duy phản biện và áp dụng công nghệ thông tin, mà robotics là môn học tiêu biểu.

Anh đã xây dựng mô hình, đầu tư nhiều tỷ đồng vào máy móc, robot, lựa chọn và xây dựng giáo trình, đào tạo giáo viên và thử nghiệm giảng dạy công nghệ robotics cùng với các môn học tiếng Anh trên nền tảng CNTT cho một số trường tiểu học và trung học cơ sở.

Cuối năm 2011, cuộc thi Robotics Quốc tế dành cho học sinh cấp 1 và cấp 2 khu vực châu Á – Thái Bình Dương được tổ chức tại Jakarta, Indonesia. Chủ đề cuộc thi là “Bác sĩ Robot”, nhằm hướng trẻ em đến những mục tiêu cao đẹp, nhân bản.

Chỉ biết thông tin trước đó có 6 tháng, nhưng anh đã chạy đôn chạy đáo để học sinh Việt Nam được thi thố trên đấu trường quốc tế. Bà Nguyễn Thị Hiền, hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, bà Nguyễn Bích Hằng, hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Đỉnh, rồi chuyên gia giáo dục Phạm Phương Luyện, nguyên Trưởng khoa tiếng Anh, Đại học Ngoại ngữ... đã ra sức giúp anh.

Mặc dù học sinh Việt Nam chỉ được học môn robot trong 3 tháng, nhưng cũng đã được giải Tiềm năng. Tuy nhiên, điều quan trọng là cuộc thi đã thổi vào tâm hồn thơ trẻ của các em niềm đam mê sáng tạo vô bờ bến.

Giờ đây, ở Việt Nam đã có hàng trăm học sinh yêu mến môn học sáng tạo robot, đã thực sự “ăn robot, ngủ robot”. Nói như TS. Phạm Phương Luyện, thì giáo dục robot đã trở thành “nghiệp chướng” của Nguyễn Thế Trung.

Học sinh ngày nay sẽ sáng tạo bằng máy tính chứ không phải bằng tư duy và logic như truyền thống.

Anh Nguyễn Thế Trung

Năm 2012 này, theo thông lệ, Tổ chức Digital Youth Awards (DYA) sẽ tổ chức cuộc thi Robotics Quốc tế ở Philippines, nơi có nhiều ngàn học sinh đã theo học. Tuy nhiên, Nguyễn Thế Trung đã chạy đôn chạy đáo, tìm mọi cách thuyết phục, để cuộc thi diễn ra ở Việt Nam, vì chỉ như vậy thì mới có cơ hội để nhiều học sinh được tham dự. Và anh đã thuyết phục được các nhà tổ chức quốc tế bằng việc đầu tư số tiền lớn tài trợ cho cuộc thi này.

Nguyễn Thế Trung hy vọng rằng, cuộc thi này sẽ là một “luồng gió công nghệ” tác động vào tư tưởng của nền giáo dục nước nhà. Tôi chợt nhớ đến phương châm sống và làm việc của anh Trung: “Đem nguồn lực, tri thức của Việt Nam để thực hiện các công việc của thế giới và đưa tri thức của thế giới để thực hiện các công việc tại Việt Nam”.

Anh đang mang một giấc mơ lớn, khi âm thầm từng bước gieo hạt mầm công nghệ sáng tạo robot ra khắp đất nước.

Con người của Nguyễn Thế Trung là vậy. Anh vừa là người của thời xưa cũ khi say mê cổ sử cùng các giá trị văn hiến Việt, nhưng lại là người của tương lai khi mang khát vọng biến Việt Nam thành quốc gia tiên tiến về công nghệ sáng tạo robot.

Theo VTC
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Doanh nhân trẻ và giấc mộng cường quốc robot VN

    Doanh nhân trẻ và giấc mộng cường quốc robot VN

    13/10/2012 7:43 AM

    Có lần anh Nguyễn Thế Trung nói với tôi: “Tớ mong muốn Việt Nam sẽ là đất nước đi đầu thế giới về công nghệ robot…”.

  • "Nói sai là giết chết doanh nghiệp"

    "Nói sai là giết chết doanh nghiệp"

    20/07/2012 2:56 PM

    Giám đốc Cty CP Thương mại Thành Trung (TP Vinh, Nghệ An) Nguyễn Thế Kinh nhận xét như vậy sau khi có một số thông tin cho rằng sản phẩm của ông gây "méo mặt" cho nông dân một số xã ở huyện Hưng Nguyên.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.