Không ai nghĩ rằng, một doanh nhân thành đạt với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng lại xài chiếc ví nát bươm, cũ kĩ.

Xã hội hiện đại, con người đánh giá lẫn nhau phần nhiều qua hình thức và những vật dụng cá nhân như điện thoại, phương tiện đi lại, máy tính, ví tiền… Phải thừa nhận rằng nếu bạn ra đường khi mọi thứ tươm tất, bóng bẩy thì chắc chắn bạn sẽ được chào đón nồng nhiệt. Ngược lại, nếu bạn dùng những vật dụng cũ kĩ, rách nát thì sẽ nhận lại thái độ phục vụ miễn cưỡng, có khi còn là khinh miệt.

Với một doanh nhân thành đạt thì việc tươm tất mọi thứ khi ra đường là điều hiển nhiên, đặc biệt là việc trang bị những thứ đồ hàng hiệu, đắt tiền cho những vật dùng cá nhân thường sử dụng cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, một doanh nhân lớn ở Hà Nội lại không như vậy, anh đã dùng chiếc ví da hơn 10 năm nay. Đặc biệt, chiếc ví đã cũ nát, rách bươm nhưng anh vẫn chưa có ý định thay mới.
Chiếc ví rách hơn 10 năm sử dụng của 1 doanh nhân thành đạt.
Đó là câu chuyện có thật của anh Trần T.T. , sinh 1984, đang làm công ty tư nhân về da giày và nguyên liệu ngành giày dép. Anh T. được 1 người bạn cũ tặng chiếc ví này vào năm 2005. Đến hiện tại, chiếc ví là vật dụng bất li thân của anh, cũng là chiếc ví tiện lợi nhất và "có lộc" nhất từ trước đến giờ.
Theo thời gian, chiếc ví dần trở nên cũ kĩ, nhiều mảng da trên bí bắt đầu bong tróc, lộ rõ những vật dụng bên trong. Thế nhưng, trong suốt 10 năm, anh T. vẫn chưa có ý định thay mới hay sửa chữa chiếc ví này, dù nhiều lần vợ anh cũng giục, bảo sẽ mua tặng chiếc ví mới.
“Các đối tác và bạn hàng chủ yếu đã lớn tuổi cả nên chỉ chú trọng vào các hợp đồng, và công suất làm việc, giao hàng trả hàng chứ không đánh giá nhiều về chiếc ví. Còn bạn bè thì chúng nó cười tôi nhiều rồi, nhưng chỉ cười trêu chọc tí rồi bảo tôi thay ví mới đi thôi” - anh T.chia sẻ.
Khi chiếc ví đã quá cũ nát mà mọi thứ giấy tờ quan trọng đều để trong đấy, mỗi lần rút ví ra thanh toán thì ngay lập tức anh T. nhận được nhiều ánh mắt nghi ngại từ phía nhân viên. Nhiều lần anh bị nhầm tưởng là người… không có tiền.
Thẻ ngân hàng..
… và 1 số giao dịch mới đây nhất của vị doanh nhân này.
Anh T. kể: “Việc bị hiểu nhầm xảy ra như cơm bữa ấy mà. Thấy tôi dùng ví rách, nhiều cô bé cho rằng tôi không có tiền, thấy tôi đi ô tô toàn xì xào bảo chắc ô tô đi mượn. Tôi có 4 cái ô tô đều đăng ký tên tôi nhưng thỉnh thoảng vẫn có người nhìn ví mà nghĩ tôi là thằng “trên răng dưới cát tút”, nhưng tôi cũng kệ”.
Chiếc ví rách vô tình trở thành “công cụ” đo lòng tin ở người khác. Anh T. nhớ lại, lúc trước đi làm cho một công ty nhà nước nên hay bị mọi người soi, anh không dám đi xe đẹp mà chỉ mua con xe máy cúp để đi làm. Thấy anh đi “xe ghẻ”, dùng ví rách nên nhiều cô gái đã lạnh lùng và tránh tiếp xúc với anh. Nhưng anh T. lại cảm thấy may mắn vì nhờ chiếc ví rách mà ảnh đã chọn được đúng người yêu mình thật lòng, cũng là vợ của anh bây giờ.
Trước thực trạng nhiều bạn trẻ đang sống thực dụng, chỉ soi vào ví tiền đẹp, dày để đánh giá người khác, anh T. cũng thừa nhận đây là thực tế đáng buồn, cần thay đổi. Anh chia sẻ: “Nhiều người bây giờ cũng kì lắm, thấy ví dày thì yêu, ví rỗng thì bỏ. Bản thân tôi cũng ưa gì những người như vậy. Nói đi cũng phải nói lại, nhiều người có tiền nhưng họ giản dị, không bao giờ đem khoe của cải của mình nên nên những bạn đánh giá người khác vội vàng như vậy sẽ thiệt thòi thôi”.
Trường hợp của anh T. không phải hiếm trong xã hội hiện tại. Theo quan niệm từ xưa, chiếc ví gắn liền với tài chính của mỗi người. Nhiều người tin vào vận may, nên vô cùng coi trọng những chiếc ví mang lại thu nhập tốt cho mình, dân gian gọi là "có lộc". Không ít người dùng chiếc ví nhiều năm đến khi không thể dùng được nữa mới thay thế những vẫn giữ lại bên mình chứ không bỏ đi.

>>Bí quyết buôn nhà nát lãi cao của nữ doanh nhân 9x

Thúy Anh (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.