CafeLand - “Doanh nghiệp Việt cần xây dựng nền tảng tốt, vững chắc để chống chọi và đón đầu xu hướng mới khi nền kinh tế mở cửa trong tương lai” đó là những chia sẻ của TGĐ FPT Trương Gia Bình khi bàn về những khó khăn và thách thức đối với doanh nghiệp Việt.

TGĐ FPT Trương Gia Bình:Ảnh Lê Linh

Ba “cửa ải” của doanh nghiệp

Ông Bình cho rằng các doanh nghiệp thường phải trải qua 3 giai đoạn dễ gặp khủng hoảng nhất. Đó là từ lúc khởi nghiệp đến lúc doanh nghiệp đạt mốc nhân sự trên 50 người; giai đoạn từ 50 người đến dưới 150 người và giai đoạn đạt đến 500 người.

Trong giai đoạn doanh nghiệp từ lúc khởi nghiệp đến mốc 50 người thì vấn đề nan giải nhất của hầu hết doanh nghiệp Việt chủ yếu là vấn đề quản trị. Doanh nghiệp cũng giống như một đứa trẻ lớn lên trải qua thời kỳ dậy thì và trưởng thành cũng gặp đủ vấn đề. Khi doanh nghiệp mới thành lập số lượng nhân viên còn ít thì người đứng đầu còn chỉ đạo từng công việc nhỏ. Trong giai đoạn này lực lượng nhân sự chưa được ổn định, các bộ phận từng phòng ban rất dễ chồng chéo công việc, vì thế giải pháp cho lúc này là người quản trị phải thiết lập chỉ tiêu rõ ràng, ủy thác cho từng phòng ban. Đây là bước đầu tiên trong quá trình hoàn thiện hệ thống quản trị.

Khi doanh nghiệp tiến đến 150 nhân lực thì khủng hoảng lại rơi vào vấn đề quyền lợi. Tức là giai đoạn này doanh nghiệp cần có cơ cấu hoàn chỉnh với nhiệm vụ rõ ràng cho từng phòng ban, nhưng lúc này lại nảy sinh mâu thuẫn về quyền lợi.

Trong một cuộc khảo sát tại FPT khi phân chia quyền cho mọi người tự đánh giá năng lực và đề xuất quyền lợi cho mình. Kết quả là bản thân tự cho mình bao giờ cũng gấp ba lần trung bình những người khác cho mình. Đây là hiện trạng bình thường và có ở hầu hết mọi người. Giai đoạn này các nhà quản trị cần biết cách hạch toán các đơn vị, nên hình thành những đơn vị độc lập với các nhiệm vụ độc lập.

Càng tiến đến con số 500 nhân lực thì áp lực và các mâu thuẫn về quyền lợi ngày càng lớn và mâu thuẫn ngày càng nhiều vì thế các đơn vị độc lập sẽ giúp người đứng đầu kiểm soát tốt hơn khi nhìn từ trên xuống. Đồng thời nhiều chuyên gia kinh tế thế giới cho rằng không nên để một doanh nghiệp phát triển đến mức hơn 150 người. Bởi quản lý được số lượng lớn nhân lực như thế rất khó tránh khỏi các sai lầm.

Linh hoạt ứng biến ngoại lực

Vị Chủ tịch HĐQT FPT cho rằng hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau với suy nghĩ hướng này không được thì còn hướng khác. Nhưng các doanh nghiệp không hiểu rằng sở dĩ doanh nghiệp mình chết là do chủ quan không lường trước sự việc chứ không phải do ngành nghề.

Để giải quyết bài toán này thì việc đầu tiên chính là bản lĩnh của doanh nghiệp, họ có thể bị ngã nhưng họ phải biết đứng dậy, tiến hành cấu trúc, tập trung giải quyết và đối mặt với những khó khăn của mình. Phải ngồi xuống xem nguồn gốc vấn đề ở đâu để giải quyết chứ không phải chờ thời, chờ cứu trợ kinh tế…

Hãy xây dựng một công ty thật tốt, không quan trọng to hay bé là điều mà ông Bình nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp trong nước luôn cho rằng các doanh nhiệp FDI tăng trưởng nhanh vì họ không bị ràng buộc bởi mối quan hệ, luật lệ quy định, hệ thống pháp luật, quan hệ hợp đồng, quan hệ tín dụng, lãi suất cao… họ không bị cản trở bởi nhưng quy định trong nước, chính vì thế mới có sự phân cực giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhưng tại sao chúng ta không nghĩ sở dĩ chúng ta kém hơn họ vì chúng ta không chịu suy nghĩ, không nghiêm túc như họ. Và cuộc cạnh tranh kinh tế sắp tới dù muốn hay không thì các doanh nghiệp trong nước cũng bị đánh trực diện, vì thế chúng ta phải xây dựng vững chắc nền tảng của chính mình.

Đồng thời doanh nghiệp Việt cần phải suy nghĩ xem mình có gì, để quyết định sẽ làm gì trong hoạt động kinh doanh. Các cuộc cạnh tranh gay gắt này đòi hỏi phải kéo dài triền miên và cuộc chiến liên tục thay đổi. Vì thế càng khó khăn doanh nghiệp Việt cần phải bình tĩnh giải quyết từng vấn đề nhỏ và phải xây dựng cho doanh nghiệp mình nền tảng tốt, vững chắc để chống chọi và đón đầu xu hướng mới khi nền kinh tế mở cửa trong tương lai.

Gia Bảo
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.