Trong bối cảnh hội nhập với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, không ít doanh nghiệp (DN) gần đây đã nghĩ ra nhiều cách bán sản phẩm cho khách hàng. Không chỉ bán chéo, nhiều doanh nghiệp còn bán thêm và bước đầu đã có hiệu quả.

Bán thêm sản phẩm không liên quan

Thông thường, DN có xu hướng bán chéo các sản phẩm hoặc dịch vụ có tính hỗ trợ đi kèm với các sản phẩm, dịch vụ khách hàng đã lựa chọn. Ví dụ như các hãng hàng không khi bán vé máy bay thường bán thêm các gói lưu trú khách sạn, các ngân hàng khi bán các sản phẩm thẻ, tiền gửi thanh toán thì bán thêm các dịch vụ thanh toán tự động, ebanking...

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người khá bất ngờ khi thấy một số DN bán thêm các sản phẩm chẳng ăn nhập gì với sản phẩm cốt lõi mà DN đó đang cung cấp. Đơn cử trường hợp của Vinasun, hãng taxi này đã bán thêm bưởi da xanh bằng cách treo cặp bưởi trong xe, người bán hàng là các tài xế sẽ tiếp thị với khách đi taxi và hưởng hoa hồng 20% nếu bán được. Trong tương lai, Vinasun có thể bán thêm các sản phẩm khác nếu nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng.

Thế Giới Di Động gần đây cũng có ý định bán thêm vé số Vietlott tại kênh phân phối Điện Máy Xanh của mình, và trước đó đã cung cấp các dịch vụ như thu tiền điện, bán thẻ cào điện thoại, thu cước internet.

Rõ ràng với lợi thế về mặt bằng và các điểm bán lẻ phủ rộng khắp 63 tỉnh, thành thì việc bán thêm bất kỳ sản phẩm nào không phải là điều quá khó khăn với hãng bán lẻ này.

Thế Giới Di Động không phải là hãng bán lẻ thiết bị điện tử đầu tiên bán thêm các sản phẩm chẳng liên quan gì tới các sản phẩm cốt lõi của Công ty. Trước đó, vào tháng 10/2016, FPT Retail cũng đã công bố việc ký kết hợp tác cùng Vinamilk triển khai hệ thống chuỗi cửa hàng chuyên doanh sữa Vinamilk trên toàn quốc. Với thế mạnh là năng lực quản trị, kinh nghiệm vận hành chuỗi bán lẻ, FPT Retail tin rằng có thể kinh doanh tốt ở một số ngành nghề khác.

Cuối năm 2015 rộ lên thông tin nhân viên một ngân hàng nọ ngoài các chỉ tiêu huy động, cho vay, mở thẻ còn được giao nhiệm vụ bán thêm sản phẩm phi tài chính khác là sữa và cũng được hưởng hoa hồng trên doanh số. Việc bán chéo các sản phẩm bảo hiểm đã được các ngân hàng triển khai từ lâu, nhưng bán thêm sản phẩm sữa thì quả là ý tưởng "độc đáo".

Tận dụng nguồn nhân lực và kênh phân phối

Trong khi việc bán chéo các sản phẩm phụ trợ cho các sản phẩm chính dễ được người mua chấp nhận, thì việc bán thêm các sản phẩm chẳng ăn nhập gì với sản phẩm chính có thể gặp nhiều khó khăn do người mua cảm thấy những sản phẩm, dịch vụ đó không cần thiết, hoặc không tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm chính.

Chiến lược bán thêm này có thể xuất phát từ định hướng tận dụng nguồn nhân lực, kênh phân phối hiện tại của DN và khai thác tối đa lượng khách hàng DN hiện có. Rõ ràng, với kênh phân phối trải rộng như Thế Giới Di Động hay FPT Retail thì việc trưng bày thêm một, hai dòng sản phẩm khác biệt chẳng tốn quá nhiều chi phí. Hay như trường hợp của Vinasun, khi mỗi tài xế là một người bán hàng thì quả thật đây là một kênh phân phối khá rộng với hàng nghìn tài xế trên khắp cả nước.

Thực tế cho thấy, trong bối cảnh sự cạnh tranh trong ngành vận chuyển ngày càng gay gắt với sự đổ bộ của Uber và Grab, tốc độ tăng trưởng của Vinasun chậm lại trông thấy trong những năm gần đây. Thế nên việc chi hoa hồng khi bán được các sản phẩm cung cấp thêm sẽ giúp cải thiện thu nhập cho người lao động của DN, khiến họ gắn bó với DN lâu dài hơn.

Bên cạnh đó, việc hợp tác bán các sản phẩm của nhau có thể mang lại lợi ích cho cả đôi bên như trường hợp của FPT Retail và Vinamilk. Về lâu dài, ngoài hợp tác bán các sản phẩm sữa, Tập đoàn FPT có thể cung cấp thêm các sản phẩm liên quan đến công nghệ cho Vinamilk, cả phần cứng lẫn các ứng dụng phần mềm và mảng thương mại điện tử.

Việc Tập đoàn TH phát triển thêm mảng giáo dục lại là một chiến lược khác, bởi đầu tư vào giáo dục gần đây được nhiều tập đoàn lớn trong nước quan tâm do có nhiều tiềm năng tăng trưởng.

Nếu như hệ thống giáo dục Vinschool là sản phẩm đi kèm với các dự án nhà ở giúp cho các sản phẩm bất động sản của Vingroup hấp dẫn và thu hút người mua hơn, thì THSchool ra đời không những giúp Tập đoàn TH có thêm nguồn thu nhập từ kênh đầu tư mới mà còn được kỳ vọng trở thành kênh phân phối hiệu quả cho sản phẩm THMilk cũng của chính tập đoàn này.

Khánh Phương (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.