Sự xuất hiện của nhiều start-up với mô hình kinh doanh sáng tạo khiến việc di chuyển trên các chuyên cơ không là đặc quyền của các triệu phú.

Việc dùng máy bay riêng với nhiều tiện nghi như sân bay yên tĩnh và dễ tiếp cận, không phải lo xếp hàng chờ hay chậm chuyến không còn dành riêng cho giới siêu giàu khi nhiều công ty khởi nghiệp (start-up) gần đây đã cho phép khách hàng đặt ghế đơn thay vì phải thuê trọn máy bay như trước.

Một chiếc phản lực thuộc dòng Gulfstream IV. Ảnh: Luxehouse

Nét khác biệt, sáng tạo của những công ty mới nổi này là việc cho phép khách hàng truy cập vào hệ thống đường bay và đặt chỗ một khi họ là thành viên của câu lạc bộ. Cụ thể, khách hàng sẽ có quyền truy cập vô hạn dữ liệu về đường bay, số ghế trống còn lại trong tháng. Mặc dù thị trường mục tiêu vẫn là những doanh nhân có nhu cầu đi lại nhiều, song những công ty này cũng nhắm vào khách hàng đi du lịch.

Dẫn đầu thị trường này là Surf Air có trụ sở tại California (Mỹ), hãng tiên phong trong phát minh ra mô hình câu lạc bộ này từ năm 2013. Hãng hiện đang cung cấp dịch vụ bay từ Sillicon Valley tới Los Angeles và ngược lại. Vào mùa thu năm nay, hãng sẽ cung cấp cho khách hàng 90 chuyến trong một ngày giữa 11 địa điểm tại Mỹ. Đội bay chính của hãng là loại phản lực động cơ đơn, Pilatus PC-12 gồm 8 ghế. Phí thẻ thành viên hàng tháng là 1.750 USD cho phép người dùng truy cập vô hạn dữ liệu đường bay và đặt 2 ghế một lần.

Khi Suft Air chứng tỏ sự thành công của mình cũng là lúc nhiều hãng khác nhảy vào tranh miếng bánh thị phần. Hãng Rise (Texas) vừa được thành lập trong tháng 5, cung cấp dịch vụ bay những ngày trong tuần giữa Austin, Dallas và Houston mùa hè này. Vào cuối tuần, hãng tập trung vào những địa điểm du lịch tại Vail, Colorado, Seaside và Florida. Đồng sáng lập của Surf Air cũng mở thêm một công ty mới là Beacon có đường bay giữa New York và Boston.

Tuy nhiên, tham vọng nhất là ClipperJet, với thị trường mục tiêu là các tuyến liên lục địa và quốc tế. Với phí thành viên là 9.700 USD một tháng, hãng cung cấp các tuyến bay nối thành phố New York với Los Angeles bằng đội phản lực hạng sang Gulfstream IV. Nếu kinh doanh tốt, hãng sẽ mở rộng phạm vi hoạt động.

Bên trong một chiếc Pilatus PC-12. Ảnh: Jetav

Giám đốc điều hành James Occhipinti, người có thâm niên làm việc trong ngành hàng không thương mại, nhận định tiềm năng du lịch hạng sang giữa New York và London, hay Los Angeles và Tokyo là rất lớn. Hiệu quả và bảo mật là những nhân tố quan trọng, song theo Occhipinti, sự thân thiện và mến khách cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Ông cũng nhắm tới việc trang trí nội thất và dịch vụ theo chuẩn khách sạn hạng sang. Khách hàng mục tiêu của hãng là người có thu nhập cao.

So với các hãng kể trên, BlackJet có một chiến lược hơi khác. Hãng này cung cấp dịch vụ cho phép khách hàng thuộc câu lạc bộ mình kết nối với bên cho thuê để đặt những chỗ còn trống. Thông thường chi phí cho một lần bay sẽ chỉ bằng vài phần trăm so với số tiền phải trả nếu thuê toàn bộ máy bay. Với BlackJet, chi phí bay từ thành phố New York tới Nam California trung bình là 2.600 USD, giữa Los Angeles và San Francisco là 1.600 USD.

Một điểm chung đối với những doanh nghiệp mới này là khả năng đi giữa ranh giới pháp luật quy định bởi Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA). Hiện tại, các hãng này đang tìm cách tránh những thách thức về mặt quản lý. Mặc dù cơ hội “sống sót” trong ngành hàng không khá là nhỏ, song có một điều dễ thấy đó là số lượng thành viên câu lạc bộ của họ liên tục tăng, vượt qua ranh giới thu nhập. Đối với những hành khách bay cao cấp đang mệt mỏi với những chuyến bay thương mại, câu lạc bộ bay phản lực có thể là điều mà họ đang tìm kiếm.

Đức Anh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.