Thành công, nổi tiếng, được nhiều người khen ngơi,… vinh hoa ấy, ở đời, ai mà chẳng thích thú. Tất nhiên, con đường tiến tới sự vinh danh ấy không hề dễ dàng. Người ta nói, thành công là do 1% năng khiếu cộng với 99% chăm chỉ. Ai cũng muốn thành công nhưng không phải ai cũng 99% siêng năng.
Tôi cũng vậy, thực ra tôi là một kẻ lười biếng, thực sự lười biếng, nhưng cũng như nhiều người khác, tôi cũng muốn được thành công…
Không phải là đổ lỗi, nhưng tôi cũng thấy được rằng sự lười biếng của mình có lẽ đến từ giáo dục. Từ bé, mẹ đã không bao giờ để tôi phải động tay vào việc gì vì mẹ nghĩ “nó làm mình còn phải dọn theo, thà tự mình làm còn nhanh hơn”.
Tôi phát hiện ra mình không biết làm gì khi học lớp 11 vì trong một lần nhìn giỏ xách, tôi gọi nhầm tên hành với tỏi, rồi rau muống với rau lang, cả gừng với giềng. Tôi phát hiện ra mình vô dụng khi học năm nhất đại học, tôi có đấu lại điện cho dây nguồn máy tính, nhưng sau cùng cả phòng phải ăn cơm trong bóng tối.
Tất cả đều đến từ sự lười biếng. Tôi không phủ nhận, bởi vì tôi không dành thời gian cho những việc đó. Tôi dành thời gian để giải trí, để hưởng thụ, để có thể tiếp tục lười biếng.
Nhưng tôi lại yêu thích sự lười biếng của mình…
Tôi không phải nhân viên được giao việc gì đó là cắm đầu cắm cổ làm. Tôi cũng không phải người học được thứ gì đó là áp dụng y xì đúc. Thay vào đó, tôi thường dừng lại quan sát. Tôi thích tìm ra phương án để làm ít đi, đỡ mệt hơn, nhưng HIỆU QUẢ CAO HƠN.
Có một khoảng thời gian tôi làm bài viết về công nghệ. Một nhân viên thông thường làm được khoảng 6-7 bài/ngày. Nhưng tôi làm được khoảng 15 bài/ngày. Tôi thấy họ làm mệt quá, vậy là tôi tìm cách khác để làm đỡ mệt hơn. Khi thấy nhàn quá mà vẫn đạt được hiệu quả như các nhân viên khác, tôi đẩy số lượng công việc lên và tìm cho mình mức lương cao hơn.
Lười biếng muốn thành công, phải "dùng não" nhiều hơn
Khái niệm “tweak” trong công nghệ, hay phổ biến hơn là “hack”, tôi quan niệm rằng cùng một công việc đó, cùng một lịch trình đó, nhưng bạn sẽ “biến hóa” sao cho phù hợp với tính cách, sở thích, và điểm mạnh của mình. Và bí quyết của tôi cũng rất đơn giản để vận dụng sự lười biếng:
- Thời gian hứng thú của bạn: Trong một ngày sẽ có những thời điểm bạn hứng thú làm việc gì đó. Ví dụ tổng thống Donald Trump cứ 2 giờ sáng là viết Twitter, hay CEO Tim Cook trả lời mail vào 4 giờ sáng. Hãy tìm ra thời gian hứng thú của mình và từ bỏ mọi thứ gây sao nhãng xung quanh. Có vậy thì bạn mới vừa lười biếng vừa thành công được.
- Tìm cách nhanh hơn và hiệu quả hơn để làm một việc gì đó: Như Bill Gates từng nói, ông luôn muốn thuê người lười biếng để thực hiện những công việc khó khăn tại Microsoft. Bởi những người đó sẽ biết cách hoàn thành công việc nhanh hơn và dễ dàng hơn. Hãy tìm cách giải quyết vấn đề nhanh hơn và hiệu quả hơn. Thời gian còn lại, hãy tận hưởng sự lười biếng của mình.
- Tận dụng mọi thứ có thể: Nếu làm việc bằng máy tính, hãy cố gắng tận dụng toàn bộ phần mềm, công cụ, hay tiện ích để chúng làm việc giúp mình. Và hãy tận dụng cả con người, chia sẻ bớt công việc cho người khác. Khi bạn tận dụng mọi thứ xung quanh, bạn sẽ lại rảnh rang, thư giãn, và có thời gian để suy nghĩ xem mình nên làm gì để đem lại nhiều thu nhập hơn và thành công hơn.
Bạn thấy đấy, lười biếng không hẳn đã là một điều quá xấu và tồi tệ.Có điều bạn cần ghi nhớ, nếu lười biếng tay chân thì bạn phải chịu khó động não. Nếu lười biếng động não thì bạn phải chịu khó tay chân.
Bởi như ngạn ngữ Pháp có khẳng định: “Kẻ lười biếng là ông anh ruột của kẻ ăn xin.”
Hãy lười biếng để thành công. Đừng lười biếng để trở thành kẻ ăn xin!
Theo blogger chinhem
Trí thức trẻ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.