Mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố rằng ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump đã thực hiện điều gần như không thể: Giúp đệ nhất phu nhân Michelle Obama bước vào vũ đài chính trị. Tạp chí The Hill của Mỹ đã làm rõ hơn về tuyên bố của ông Obama.
“Như tất cả mọi người đã biết, Michelle không thích chính trị mà bà ấy thích một cuộc sống yên bình hơn”- ông Obama phát biểu tại California trong một hoạt động kêu gọi ủng hộ tiền cho chiến dịch tranh cử của ứng cử viên đảng Dân chủ Hilary Clinton.
Đệ nhất phu nhân Michelle Obama
Theo Tổng thống Mỹ, đệ nhất phu nhân Mỹ đơn giản là không thể nào đứng ngoài các hoạt động chính trị được nữa sau khi nghe thấy những tuyên bố công khai có phần khiếm nhã của ông Donald Trump đối với phụ nữ.
Bà Michelle coi những tuyên bố này là "tự hào về bạo lực tình dục” của ông Donald Trump nên đã chỉ trích mạnh mẽ đối thủ đảng Cộng hòa này khi bà có bài phát biểu tại bang New Hampshire.
“Michelle hành động như vậy là do bà ấy, cũng giống như tôi, hiểu rằng các giá trị nền tảng của chúng ta đang bị đe dọa trong cuộc bầu cử sắp tới”- Tổng thống Obama giải thích.
Dấn thân vào chính trị?
Mùa hè năm 2014, bà Michelle Obama đã công khai tuyên bố trên kênh truyền hình ABC rằng bà không có ý định nối tiếp con đường của cựu đệ nhất phu nhân Hilary Clinton tham gia vào các hoạt động chính trị.
“Không, điều đó sẽ không liên quan đến chính trị, hoàn toàn không”- bà Michelle trả lời câu hỏi rằng bà sẽ làm gì sau khi chồng của mình kết thúc nhiệm kỳ tổng thống năm 2016. Tuyên bố này được coi là lời bác bỏ đối với các tin đồn ở Mỹ cho rằng đệ nhất phu nhân Michelle dự định sẽ trở thành Thượng nghị sỹ Mỹ sau khi ông Obama hết nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, những sự kiện gần đây cho thấy những tuyên bố trên của bà Michelle có lẽ sẽ sớm bị lãng quên. Những tuyên bố và bài viết công khai của bà Michelle trên báo chí không chỉ dừng lại ở các chủ đề nhân đạo và bảo vệ pháp luật- ví dụ như chủ đề giáo dục cho nữ sinh trên thế giới.
Việc bà Michelle công khai chỉ trích mạnh mẽ ông Donald Trump tại bang New Hampshire chỉ là một trong các minh chứng cho nhận định này.
Trong bài phát biểu của mình, bà Michelle nhấn mạnh rằng những lời lẽ của ông Donald Trump về phụ nữ khiến bà “kinh tởm” và trong bất cứ trường hợp nào bà cũng sẽ cố để ông Donald Trump không thể trở thành Tổng thống Mỹ.
“Không quan trọng ông ta là thành viên đảng Dân chủ, Cộng hòa hay độc lập. Không có phụ nữ nào có thể chấp nhận các lời lẽ hạ nhục này. Nếu chúng ta cổ vũ cho bạo lực tình dục thì làm sao chúng ta có thể trở thành mẫu hình đạo đức trên thế giới được”- bà Michelle tuyên bố, đồng thời kêu gọi cử tri Mỹ bỏ phiếu cho bà Hilary Clinton vì bà Clinton có đầy đủ các tố chất cần thiết để trở thành Tổng thống Mỹ.
3 tháng trước đó, bà Michelle Obama cũng đã công khai ủng hộ bà Hilary Clinton tại đại hội toàn quốc đảng Dân chủ tại bang Filadenphia. Trước nữa, bà Michelle cũng đã có các bài phát biểu tương tự trong các năm 2008 và 2012 để ủng hộ chiến dịch vận động tranh cử của chồng mình.
Tổng thống Obama và vợ
Theo giới phân tích chính trị Mỹ, bà Michelle có lý lịch tuyệt vời để phục vụ sự nghiệp chính trị. Bà Michelle sinh ra ở miền nam Chicago trong một gia đình trung lưu da đen và ông bà của bà là những nô lệ da đen. Bà được giáo dục trong những môi trường tuyệt vời, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Princeton và Đại học Luật Harvard. Bà quen chồng mình, ông Barack Obama, khi đang làm luật sư cho một công ty luật.
Báo chí Mỹ thường xuyên so sánh bà Michelle với đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy và Công nương Diana. Năm 2010, bà Michelle đã từng đứng đầu trong danh sách những người phụ nữ có ảnh hưởng nhất trên thế giới do Forbes lập ra.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích người Nga Gevorg Mirzayan, những tố chất trên chưa thể đảm bảo bà Michelle sẽ dấn thân vào chính trị. Bà Hilary Clinton đã bộc lộ những tham vọng chính trị ngay từ đầu, còn bà Michelle chỉ gần đây mới có các dấu hiệu quan tâm đến chính trị.
Bà Hillary Clinton đã tham gia vào chính trị ngay từ sau khi tốt nghiệp đại học luật, còn bà Michelle Obama vẫn chưa có những hoạt động chính trị cụ thể nào. Do đó, theo ông Gevorg Mirzayan, hiện còn quá sớm để nói về sự nghiệp chính trị của bà Michelle.
Ngang hàng cùng Kennedy và Clinton?
Một nhà phân tích người Nga khác là Evghenhi Minchenko lại không đồng tình với những nhận định của Gevorg Mirzayan. Theo ông Minchenko, cơ hội để bà Michelle dấn thân vào chính trị gần như là 100%.
“Trong hàng ngũ thành viên đảng Dân chủ, người ta đã coi bà Michelle như chính trị gia tương lai từ khi ông Obama bắt đầu tham gia tranh cử Tổng thống. Ngoài ra, bà ấy còn rất tích cực hoạt động xã hội. Hơn hai năm trước, giới lãnh đạo đảng Dân chủ cũng đã chuẩn bị đến dự án đưa đệ nhất phu nhân tham gia vào hoạt động chính trị”- chuyên gia Minchenko đánh giá.
Theo Minchenko, thực ra bà Michelle đang tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị của chồng mình khi cùng tiến hành các cuộc đàm phán và đảm bảo các cuộc tiếp xúc cần thiết. Và sau khi chồng bà rời Nhà Trắng, hoạt động chính trị của bà Michelle sẽ thoát ra khỏi cái bóng của chồng mình vì hiện bà đã có đủ tất cả các tiền đề để thực hiện mục đích này.
“Thứ nhất, đó là thỏa thuận của giới lãnh đạo chính trị. Thứ hai, bà Michelle có đủ các yếu tố cần thiết và thứ ba, đây là xu thế của thời đại”- ông Minchenko đánh giá.
“Xu thế thời đại” được ông Minchenko ám chỉ ở đâylà những bất ngờ khó có thể nghĩ đến. Năm 2004, ông Barack Obama hầu như không có bất cứ cơ hội nào để trở thành tổng thống nhưng đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2008. Hay ông Donald Trump năm 2011 đã không có bất cứ cơ hội nào vượt qua bầu cử nội bộ của đảng Cộng hòa nhưng lại giành chiến thắng có thể nói là vang dội trong bầu cử nội bộ đảng Cộng hòa năm 2015.
Theo ông Minchenko, uy tín chính trị khá cao của ông Obama có thể là điều kiện thuận lợi cho bà Michelle dấn thân vào chính trị. Thành công của ông Obama trong giải quyết vấn đề hạt nhân Iran, khôi phục quan hệ với Cuba, từ chối tiến hành các chiến dịch trên bộ ở các điểm nóng quốc tế, qua đó cứu mạng hàng nghìn binh sỹ Mỹ… sẽ là các yếu tố thuận lợi cho bà Michelle.
“Bằng cách này hay cách khác, kết quả 8 năm cầm quyền của tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ hoàn toàn có thể giúp đệ nhất phu nhân tự tin bước vào sự nghiệp chính trị của riêng mình. Và khi đó, ê kíp của ông Obama sẽ hoàn toàn có thể đứng ngang hàng với các ê kíp hùng mạnh trước đó như ê kíp của ông Kennedy hay Clinton”- ông Minchenko kết luận.
Đức Dũng (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.