Gợi mở nhiều cơ hội với chuyến thăm vừa qua của Tổng thống Hollande song trước đó, những dấu ấn về thương mại và đầu tư của doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam vẫn chưa thật sự đậm nét.

Ngoại trừ đại gia ngành dược Sanofi - Synthelabo, thương hiệu đã tồn tại hơn 50 năm ở Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp Pháp tới Hà Nội và TP HCM vào giai đoạn những năm 1990, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa và kêu gọi đầu tư nước ngoài.

BNP Paribas là ví dụ điển hình khi trở thành một trong những ngân hàng quốc tế đầu tiên đến Việt Nam vào năm 1989 và hiện vẫn nắm một phần vốn tại Vietcombank. Tiếp đến là sự xuất hiện của các thương hiệu gạo cội như Total (1990), Schneider Electric (1996), Neovia (1997)… hay những cái tên sau đó là Alstom Grid (2008), Michelin (2009), Renault (2009) hay Technip (2010)...

Tuy vậy, thực tế cho thấy doanh nghiệp Pháp vẫn chưa trở thành các đối tác đầu tư lớn tại Việt Nam. Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết đến hết năm 2015, Pháp có 448 dự án đầu tư trực tiếp (FDI) còn hiệu lực, trị giá 3,4 tỷ đôla, đứng thứ 16 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Riêng trong 8 tháng đầu năm, Pháp đứng thứ 17 về FDI với 25 dự án cấp mới, 7 dự án tăng vốn, tổng giá trị 138,99 triệu đôla, đứng thứ 3 châu Âu, sau Luxembourg và Anh. Đại sứ quán Pháp cũng xác nhận có gần 300 doanh nghiệp nước này đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó phần lớn có quy mô trung bình hoặc vừa và nhỏ.

Tập đoàn Casino bán Big C cho nhà đầu tư Thái Lan để giải quyết khó khăn tài chính.

Những năm gần đây, thay vì gây chú ý bằng các thương vụ đầu tư lớn, thị trường lại chứng kiến những cuộc "chia tay" thông qua việc bán bớt cổ phần, bán đứt hay thậm chí là đóng cửa của doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam.

Năm 1990, Liên doanh Việt Pháp Sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) được thành lập với cơ cấu vốn đầu tư ban đầu theo tỷ lệ 51% của Pháp và 49% Việt Nam, trở thành một biểu tượng trong ngành thức ăn chăn nuôi với thương hiệu "Cám Con Cò" quen thuộc với nhà nông. Cùng với đà phát triển, năm 2008, liên doanh chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần. Nhưng đến năm ngoái, bóng dáng người Pháp tại "Cám Con Cò" đã phai nhạt khi doanh nghiệp trong nước là Masan Nutri-Science chính thức nắm giữ 51% cổ phần tại đây.

Gây xôn xao hơn cả là thương vụ bán đứt chuỗi siêu thị Big C tại Việt Nam của Tập đoàn Casino cho Central Group (Thái Lan) trong năm nay với giá trị gần một tỷ euro. Trước đó, vào tháng 1/2016, khoảng 100 nhân viên của Công ty eXo Platform đặt tại Hà Nội cũng một phen "tá hỏa" khi công ty phần mềm mã nguồn mở của Pháp đột ngột đóng cửa mà không báo trước...

Dù chưa có thông tin chính thức, nhưng trên thị trường đang rộ lên tin Công ty Danone Việt Nam thuộc Tập đoàn Danone, nhà sản xuất sữa với nhãn hiệu khá nổi tiếng Dumex của Pháp, sẽ chính thức ngừng hoạt động trong thời gian tới. Thông tin này đã được lãnh đạo Danone Việt Nam thông báo với nhân viên vào cuối tháng 8. Trong thời gian tới, công ty sẽ hoàn thành các thủ tục liên quan để chính thức ra đi.

Trước đó, đây là công ty con của Tập đoàn Danone (có trụ sở chính tại Pháp), nhà sản xuất các sản phẩm bơ, sữa đứng thứ hai trên thế giới. Họ cũng là một trong những nhà sản xuất đầu tiên gia nhập thị trường Việt Nam, từ giữa những năm 90 của thế kỷ XX.

Một số ý kiến chuyên gia kinh tế cho rằng, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam vẫn rất tiềm năng cho doanh nghiệp Pháp, nhưng cũng đầy cạnh tranh từ các đối thủ nước khác lẫn các doanh nghiệp bản địa. Đó là chưa kể kinh tế Pháp nhiều năm qua không mấy tích cực. Hồi tháng 7/2016, Cơ quan Thống kê quốc gia Pháp (INSEE) dự báo, tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm nay khoảng 1,6%. Đây là con số được xem là vẫn khả quan trong bối cảnh Pháp đang đối diện với các cuộc biểu tình, đình công, nguy cơ khủng bố… Bản thân sự ra đi của Tập đoàn Casino khỏi Việt Nam cũng xuất phát từ khoản nợ hơn 6 tỷ euro của công ty mẹ trong bối cảnh kinh tế suy yếu. Trong khi đó, trường hợp của eXo Platform được giới công nghệ chỉ ra là do không tìm được khách hàng tiềm năng và cung cấp sản phẩm phù hợp.

Điểm lạc quan lớn nhất trong quan hệ kinh tế Việt-Pháp đến nay chính là hoạt động thương mại. Số liệu của Đại sứ quán Pháp cho hay, xuất khẩu của Pháp sang Việt Nam đã tăng gần gấp đôi từ năm 2014 đến 2015 (+85,3%) và lần đầu tiên vượt kim ngạch tỉ euro (1,4 tỷ euro) trong năm 2015. Nhập khẩu của Pháp từ Việt Nam đã tăng 32,8% và đạt 4,1 tỷ euro, đưa Việt Nam trở thành nhà cung cấp hàng đầu của Pháp trong khu vực ASEAN.

Cơ quan này cho rằng, Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam, có hiệu lực vào năm 2018, sẽ tạo nên những cơ hội hợp tác mới cho doanh nghiệp hai nước. Nhân chuyến thăm của Tổng thống Pháp Francois Hollande, Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam cũng bày tỏ lạc quan vào triển vọng hợp tác của doanh nghiệp hai nước.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngoài thương vụ 3 hãng hàng không Việt Nam chi 6,5 tỷ USD để mua tàu bay của Airbus, các thỏa thuận hợp tác giữa 2 nước cũng xoay quanh các lĩnh vực như: công nghệ thông tin, y tế, khoa học, trợ giúp phát triển và hỗ trợ kỹ thuật... Trong cuộc trò chuyện với cộng đồng nhà đầu tư công nghệ Pháp tại TP HCM, Tổng thống Hollande cũng khuyến khích các doanh nghiệp nước này đầu tư quan tâm đến tiềm năng trở thành một trung tâm công nghệ của Việt Nam. Đây có thể xem là điểm sáng mới cho quan hệ thương mại - đầu tư giữa 2 nước.

Viễn Thông (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.