Nhằm giải quyết được tận gốc các vấn đề mà ngành cà phê đang phải đối mặt, ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch HĐQT/TGĐ của Tập đoàn cà phê Trung Nguyên đã đề xuất 7 sáng kiến như là các sáng kiến chung cho toàn bộ ngành cà phê toàn cầu.

Mới đây, trên tạp chí Global Coffee Review (một trong những tạp chí uy tín nhất trong ngành cà phê toàn cầu, số ra tháng 11/12, phát hành trên toàn thế giới) đã đăng tin bài về 7 sáng kiến cho ngành cà phê toàn cầu của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Nguyên.

Ông Vũ cho biết: “Ngành cà phê là một ngành có tính chất toàn cầu, có giá trị hàng trăm tỷ đô, có lượng người tiêu dùng toàn cầu trên dưới 2,5 tỷ người, có sự ảnh hưởng và liên thông đến mọi mặt và lĩnh vực của đời sống con người; cho nên, chúng ta không thể thoát ra khỏi nhiệm vụ là phải tư duy lại, thiết kế lại, và vận hành lại toàn bộ ngành cà phê thế giới”.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch HĐQT/TGĐ của Tập đoàn cà phê Trung Nguyên

Theo ông Vũ, việc tư duy lại, thiết kế lại, vận hành lại một cách căn bản và toàn diện ngành cà phê thế giới dựa trên những di sản và điều kiện hiện có, cũng như đặt trong xu hướng dịch chuyển của thế giới sẽ mang lại hai lợi ích lớn sau: một là; sẽ giải quyết được tận gốc các vấn đề mà ngành cà phê đang phải đối mặt: thương mại thiếu công bằng, nạn đầu cơ, suy thoái môi trường,... Hai là, toàn bộ ngành cà phê toàn cầu sẽ đón hứng được những cơ hội to lớn chưa từng có trong lịch sử cho cà phê, cho những người hoạt động trong ngành cà phê cũng như cho toàn thể nhân loại.

Trên cơ sở đó, sau khi nghiên cứu toàn bộ diễn trình lịch sử của cà phê với sự hình thành và phát triển, gắn vào với điều kiện hiện tại để dự báo xu hướng và cơ hội chiến lược cho tương lai. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã đề xuất 7 sáng kiến như là các sáng kiến chung cho toàn bộ ngành cà phê toàn cầu:

- Sáng kiến 1: Tư duy lại khái niệm về cà phê. Mọi sự đổi mới và chuyển đổi đều phải xuất phát từ tư tưởng và lý luận, ở đây chính là việc chúng ta cần tư duy lại một cách sâu sắc và đột phá khái niệm về cà phê.

Theo chúng tôi đề xuất, chúng ta cần quan niệm cà phê không chỉ là một loại thức uống phổ biến nhất thế giới mà còn là: di sản của nhân loại, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống loài người; Năng lượng cho loại hình sáng tạo mới, sáng tạo có trách nhiệm, mà một khi đủ sáng tạo chúng ta có thể vượt qua mọi thách thức của từng cá nhân, cho đến từng tổ chức, quốc gia và toàn thể nhân loại. Khi đó, quan điểm mới này sẽ là nền tảng lý luận để kiến tạo nên ngành cà phê như một hình mẫu tiên phong của sự hài hòa và phát triển bền vững.

- Sáng kiến 2: Tầm nhìn về một cộng đồng cà phê toàn cầu. Khái niệm mới về cà phê nêu trên sẽ là cơ sở lý luận để chúng ta tập hợp, kết nối và phát triển nên một cộng đồng cà phê toàn cầu. Đây sẽ là một cộng đồng không phân biệt về ý thức hệ chính trị, tôn giáo, quốc gia, sắc tộc, giới tính, ngôn ngữ,… gồm từ hơn 2,5 tỷ người hiện đang hoạt động trong ngành cà phê và đang tiêu dùng, thưởng thức cà phê hàng ngày.

Cao hơn và xa hơn, đây sẽ là cộng động của những người sử dụng cà phê như năng lượng cho sáng tạo có trách nhiệm, để tạo ra thành công bền vững và hạnh phúc đích thực cho bản thân và cộng đồng; cùng đoàn kết góp phần đưa nhân loại vượt qua các khủng hoảng toàn cầu. Đây chắc chắn là một cộng đồng hùng mạnh và tiến bộ chưa từng có trong lịch sử nhân loại.

- Sáng kiến 3: Đa dạng hóa về các phong cách, thói quen, chuẩn mực, và văn hóa thưởng thức cà phê. Sự đa dạng hóa văn hóa thưởng thức cà phê với việc bảo tồn và phát triển một các đa dạng các hình thức thưởng thức sẽ tạo ra một tổng cầu về cà phê đa dạng và bền vững, sẽ hạn chế nạn đầu cơ cũng như sẽ chống lại sự đơn cực hóa về mặt văn hóa cà phê. Bảo tồn và phát triển sự đa dạng về văn hóa cà phê cũng phải được ý thức quan trọng như bảo tồn sự da dạng về sinh học cho địa cầu.

Sự đa dạng này cần được thực hiện theo các phương hướng chính sau: Không chỉ là arabica mà còn là robusta; Không chỉ phong cách thưởng thức cà phê Ý kiểu Mỹ, mà còn là phong cách của nhiều quốc gia khác như Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Ethiopia, Nhật Bản,… Không chỉ là các thương hiệu cà phê đến từ Âu Mỹ mà phải ưu tiên cho các thương hiệu đến từ các quốc gia trồng cà phê để tạo ra tính đa dạng trong thống nhất của văn hóa cà phê toàn cầu. Không chỉ là một thức uống, mà còn là đồ ăn, thực phẩm cho da – mỹ phẩm, dược phẩm, trị liệu, trải nghiệm,…

- Sáng kiến 4: Tuần hoàn hóa một cách tổng thể và tích hợp chuỗi sản xuất cà phê. Đó là việc hình thành một chuỗi sản xuất cà phê khép kín, được tổ chức theo vòng tròn, không tạo ra chất thải có hại cho môi trường, tối ưu hóa nguồn lực sản xuất trên từng công đoạn. Đồng thời cũng là việc liên tục nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và thương mại hóa các sản phẩm có thể chế biến từ cà phê nhờ tiến bộ của công nghệ sinh học: mỹ phẩm cao cấp, năng lượng sinh học, phân bón, vật liệu xây dựng và gia dụng,…

- Sáng kiến 5: Công bằng hóa quá trình trao đổi và phân phối giá trị có được từ ngành cà phê. Sáng kiến này bao gồm hai nhiệm vụ cốt lõi: một là, liên kết các quốc gia, hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ, và người dân tại các nước trồng cà phê để thúc đẩy một cách nhanh chóng, bền vững, và hiệu quả chương trình thương mại công bằng. Hai là, tiến thêm một bước nữa, cần tạo ra các định chế tài chính có tính đại chúng hóa, cho phép những người nông dân được trở thành chủ sở hữu và có tiếng nói chính đáng cho mình.

Những sáng kiến cho ngành cà phê toàn cầu đã được ông Đặng Lê Nguyên Vũ chia sẻ với nhiều chuyên gia kinh tế, chính trị trên thế giới.

- Sáng kiến 6: Góp phần chủ động hình thành chế độ bản vị nông sản cho hệ thống tiền tệ toàn cầu. Đây có thể nói là một sáng kiến hết sức táo bạo nhưng không hề viển vông và nó cần thiết để mang tới sự ổn định thực sự cho toàn ngành. Với nền tảng là hàng hóa cơ bản, có giá trị trao đổi đứng thứ 2 trên thế giới chỉ sau dầu thô, cà phê cần chủ động đón nhận sứ mạng tạo ra một chế độ bản vị tiền tệ toàn cầu mới có tính bền vững hơn, cơ bản hơn, góp phần quan trọng vào an ninh tài chính – kinh tế, an ninh lương thực và môi trường toàn cầu. Khi đó cần liên kết cà phê với các hàng hóa thiết yếu khác để tạo ra hệ thống bản vị tiền tệ toàn cầu dựa trên các hàng hóa thiết yếu từ nền kinh tế mới (mà chủ yếu là nông sản, và các sản phẩm của công nghệ sinh học), giảm thiểu nguy cơ bong bóng của việc lạm dụng các hoạt động tài chính phái sinh như hiện nay.

- Sáng kiến 7: Cùng tạo dựng những địa bàn có tính hình mẫu cho ngành cà phê. Toàn bộ 6 sáng kiến nêu trên sẽ tạo ra cuộc cách mạng lớn lao cho ngành cà phê toàn cầu cũng như sẽ thúc đẩy một cách mạnh mẽ quá trình dịch chuyển sang mô hình phát triển có tính bền vững hơn của thế giới. Do vậy, rất cần một địa bàn có tính tiên phong và hình mẫu cho đại diện cho 6 sáng kiến kể trên. Chúng tôi gọi đó là các thánh địa hay thiên đường cà phê, mà ở đó tích hợp một cách đầy đủ và sâu sắc tính ứng dụng của các sáng kiến nêu trên. Trung Nguyên với tư cách là tập đoàn cà phê số 1 tại Việt Nam - một trong những quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới – sẽ chủ động tiên phong thực hiện các mô hình có tính hình mẫu này.

“Có thể khẳng định, bảy sáng kiến trên được chúng tôi nêu ra không nằm ngoài mục đích tạo ra sự hợp lực chung cũng đồng thời là sự cạnh tranh lành mạnh trong ngành cà phê toàn cầu để cùng đưa thế giới vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên sáng tạo có trách nhiệm, kỷ nguyên phát triển bền vững. Và đó cũng chính là kỷ nguyên cà phê, kỷ nguyên mà ngành cà phê đóng vai trò là năng lượng, là động lực, là hình mẫu cho sự phát triển bền vững nói trên. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần đoàn kết, chung niềm tin, chung tư duy và chung tay hành động. Khi cùng nhau không gì là không thể” – ông Đặng Lê Nguyên Vũ khẳng định.

Xem thêm bài viết về: Ông Đặng Lê Nguyên Vũ
Theo Giáo Dục Việt Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.