Mỗi người có một diện mạo, một hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ đều có một điểm chung, chỉ cần vài cái... “hắt hơi” cũng có thể làm nghiêng ngả sàn chứng khoán.

Lê Phước Vũ: Người thổi bùng sức mạnh ý chí

Giữa ông Lê Phước Vũ và chàng trai không tay không chân Nick Vujicic phải có một sự đồng cảm rất sâu sắc thì cái “bắt tay” giữa 2 người này mới có thể truyền được nguồn năng lượng mạnh mẽ thần kỳ như đã diễn ra hồi giữa năm 2013.

Rõ ràng, không phải chờ đến sự kiện đưa Nick Vujicic đến Việt Nam diễn thuyết, thì ông Lê Phước Vũ mới nổi tiếng, mà giới kinh doanh và dân chứng khoán từ lâu đã biết tiếng ông Vũ “Hoa Sen”.

Tuy nhiên, cũng khó phủ nhận được sự thành công quá mỹ mãn của ông chủ Tập đoàn Hoa Sen sau sự kiện đưa Nick Vujicic đến Việt Nam trong năm 2013 - rất nhiều người chẳng quan tâm gì đến chứng khoán, kinh doanh hay sắt thép gì giờ cũng biết đến Tôn Hoa Sen và Lê Phước Vũ. Không những thế, ở khía cạnh nhân văn, ông Vũ và Nick Vujicic cũng đã đốt cháy trong cộng đồng một bầu nhiệt huyết về sức mạnh của nghị lực và ý chí vươn lên.

Đương nhiên, ông Vũ “Hoa Sen” xứng đáng được hưởng những thành quả đã làm được trong năm qua, giá trị tài sản của Lê Phước Vũ đã tăng vùn vụt hơn gấp 2 lần năm trước lên 1.770 tỷ đồng, lần đầu tiên đĩnh đạc bước vào tốp 10 người giàu nhất sàn chứng khoán.

Đoàn Nguyên Đức: Từ ông bầu cho đến nhà nông

Cái tên bầu Đức, ông chủ Câu lạc bộ bóng đá vùng cao nguyên đầy nắng gió - Hoàng Anh Gia Lai - đã trở nên quen thuộc trong công chúng khi nói về ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai.

Năm qua, chẳng cần làm những chuyện đình đám như đòi mua Câu lạc bộ Asenal hay sở hữu máy bay riêng, mà ông Đoàn Nguyên Đức vẫn gây sôi sục dư luận với một tuyên bố cơ cấu lại mảng bất động sản của Hoàng Anh Gia Lai và xắn tay áo đi làm... nông dân.

Thật ra, ý đồ làm nhà nông của bầu Đức không phải chuyện của 1 năm, mà nó đã được âm thầm thai nghén từ nhiều năm trước. Con mắt tinh đời của đại gia phố núi quả thật đáng nể, bầu Đức “vào” bất động sản từ khá sớm và kiếm bộn tiền từ đất đai, nhà cửa. Tuy nhiên, ngay từ thời kỳ thị trường bất động sản còn sôi sùng sùng sục cách đây 2-3 năm, thì ông hoàng phố đã có nước đi riêng, âm thầm tính toán con đường làm nông nghiệp.

Nhờ tài xoay chuyển tài tình, ngay cả trong thời kỳ kinh tế suy thoái và thị trường bất động sản Việt Nam trầm lắng trong suốt năm 2013, nhiều đại gia bất động sản của những năm trước tán gia bại sản, thì tài sản của bầu Đức vẫn tiếp tục nảy nở thêm 779 tỷ đồng so với năm 2012, đưa tổng tài sản lên 6.388 tỷ đồng. Trước thềm năm Giáp Ngọ, ông Đoàn Nguyên Đức bắt đầu được một vài người gọi là ông nông dân, nhưng nhiều người vẫn gọi ông là ông chủ đất, ông chủ của những đồn điền sải cánh..., máy bay trực thăng, với tổng diện tích lên tới gần 50.000 ha cao su và 10.000 ha mía.

Hơn nữa, đại gia địa ốc phố núi dù đi làm nông nghiệp, nhưng không hẳn dứt duyên với địa ốc. Khi thị trường nhà đất trong nước hết thời là “cỗ máy in tiền”, thì bầu Đức lại vươn sải cánh sang tận Myamar để đổ tiền vào dự án địa ốc thuộc hàng khủng nhất tại cố đô Yangon với 440 triệu USD (khoảng 9.000 tỷ đồng), trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào lĩnh vực khách sạn và du lịch ở đất nước này.

Đặng Thành Tâm: Sóng gió cũng khó nhấn chìm tiền bạc

Con voi dù có gầy ốm thì vẫn to lớn và đồ sộ gấp nhiều lần một con nai béo tốt. Đại gia như ông Đặng Thành Tâm dù có những lúc chao đảo thì cũng vẫn là đại gia lắm tiền nhiều của.

Ông Đặng Thành Tâm từng đứng đầu bảng xếp hạng người giàu nhất ở Việt Nam năm 2007 và thứ ba Việt Nam trong 3 năm liền từ năm 2008, 2009 và 2010 dựa trên giá trị cổ phiếu sở hữu. Ông Tâm cũng là lãnh đạo có nhiều ảnh hưởng tới doanh nghiệp, với vị trí là chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc của khá nhiều công ty đã niêm yết. Ông đang nắm giữ số cổ phần khổng lồ lên tới 100 triệu cổ phần tại Công ty Đầu tư Khu đô thị Kinh Bắc, hơn 18 triệu cổ phần tại Khu công nghiệp Tân Tạo, hơn 7 triệu cổ phần tại Ngân hàng Nam Việt, hơn 17,5 triệu cổ phiếu tại Công nghệ Viễn thông Sài Gòn - Saigontel.

Bước sang năm mới Giáp Ngọ 2014, một trong những doanh nghiệp của ông Tâm là Saigontel sẽ phải hủy niêm yết do thua lỗ 3 năm liên tục.

Thật ra, Saigontel dù vẫn trong giai đoạn khó khăn, nhưng xét trên bình diện chung, những cơn đại cuồng phong phần nào cũng đã tạm lắng xuống trên con đường kinh doanh của ông Đặng Thành Tâm. Năm 2013, giá cổ phiếu ITA của Khu công nghiệp Tân Tạo tăng 59% và KBC của Kinh Bắc tăng gần 70%, khiến giá trị tài sản của ông Tâm tăng 342 tỷ đồng trong năm, đạt 1.239 tỷ đồng.

Mai Kiều Liên: Khát vọng một thương hiệu Việt

Xét về tài sản, bà Mai Kiều Liên không phải hàng giàu có cho lắm, trị giá cổ phần bà Mai Kiều Liên nắm giữ trên sàn chứng khoán “chỉ” trên 300 tỷ đồng. Tài sản của bà Liên dù đã tăng gấp rưỡi năm 2012, nhưng vị trí của bà Liên trên sàn chứng khoán xét dưới góc độ tiền bạc cũng chỉ khiêm nhường ở số 43.

Tuy nhiên, dấn ấn của bà Mai Kiều Liên thể hiện ở sức sống của một doanh nghiệp kiểu mẫu. Giá cổ phiếu VNM của Công ty cổ phần Sữa Vinamilk thường không có sóng lớn, nhưng tăng rất đều. Một năm trước đây, thị giá của VNM dù đã ở mặt bằng giá rất cao, trên 80.000 đồng/cổ phiếu, nhưng vẫn tiếp tục tiến đều đến mặt bằng khoảng 135.000 đồng/cổ phiếu, hiện là cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường chứng khoán. Trong cơ cấu cổ đông, cổ phiếu VNM cũng luôn trong trạng thái chật hết “room” của khối ngoại.

Sức nóng của cổ phiếu VNM hoàn toàn có cơ sở, bởi các hành động và chiến lược của Vinamilk, với sự chèo lái của nữ thuyền trưởng Mai Kiều Liên, đều rất cơ bản.

Đã vững chân tại thị trường trong nước với 50% thị phần sữa nước, hành động của bà Mai Kiều Liên tỏ ra khá rõ ràng trong khát vọng tạo dựng một thương hiệu Việt mang tầm vóc quốc tế bằng việc vươn ra các thị trường nước ngoài.

“Mục tiêu của Vinamilk sẽ trở thành tập đoàn đa quốc gia và sẽ có doanh số 3 tỷ USD vào năm 2017, đưa công ty này vào tốp 50 công ty sữa lớn nhất thế giới”, bà Liên nói và đã hành động rất quyết liệt để hiện thực hóa lời nói này.

Đến thời điểm này, Vinamilk đã đầu tư ở nhiều quốc gia tại nhiều châu lục khác nhau. Tại New Zealand, Vinamilk đã đầu tư 147 triệu đô la New Zealand (tương đương 2.534 tỷ đồng Việt Nam) vào Nhà máy sữa Miraka tại New Zealand (chiếm 19,3%) vốn cổ phần của Dự án. Tại Campuchia, Vinamilk cũng sẽ mở 1 nhà máy ở thủ đô Phnom Penh với diện tích 2,7 ha, nhà máy sẽ có 51% cổ phần thuộc Vinamilk, dự kiến sẽ hoạt động từ giữa năm 2015.

Cuối năm 2013, “nữ tướng” ngành sữa đã giong thuyền, vượt sóng, đặt chân sang tận bên kia bờ Thái Bình Dương bằng thương vụ đầu tư 7 triệu USD mua lại công ty sữa của Mỹ là Driftwood Dairy Holding Corporration.

Đặng Văn Thành : Cuộc chia tay ngậm ngùi nhất năm qua

Đại gia để lại nhiều tiếc nuối nhất trên sàn chứng khoán năm qua có lẽ là Đặng Văn Thành, người đã tạo dựng nên thương hiệu ngân hàng danh tiếng Sacombank.

Ai cũng biết thương trường là chiến trường và cuộc đổi ngôi tại Sacombank trước thế lực mới mang tên Eximbank cũng là chuyện thường tình giữa vòng xoáy kinh doanh nghiệt ngã. Tuy nhiên, việc cái tên Đặng Văn Thành lặng lẽ rời sàn chứng khoán vẫn ít nhiều để lại đôi chút ngậm ngùi.

Nhiều người cho rằng, sự ra đi của ông Đặng Văn Thành trong năm qua giống như một dấu chấm hết của thế lực vang bóng một thời mang tên họ Đặng. Tuy nhiên, cũng lại có đồn đoán rằng, đây chỉ là một sự co vuốt tạm thời của “mãnh hổ” lúc thời cuộc suy vi.

Dẫu thế thời thay đổi và thiên hạ có đồn đoán ra sao thì thương hiệu mang tên Sacombank do ông Thành gây dựng gần 20 năm nay vẫn tồn tại và lớn mạnh. Đương nhiên, với những người đã gắn bó lâu năm với Sacombank, sẽ khó quên hình ảnh ông cựu chủ tịch quen thuộc Đặng Văn Thành. Rộng hơn nữa, với thị trường chứng khoán và giới ngân hàng, dù cái tên này đã biến mất, nhưng dấu ấn của họ Đặng vẫn còn để lại nhiều âm hưởng.

Theo Đầu tư Chứng khoán
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.