Lãnh đạo của hãng dược lớn thứ tư thế giới - GlaxoSmithKline (ở Anh) thú nhận đưa hối lộ và vi phạm thuế. Đây là một trong những vụ án hối lộ lớn nhất liên quan đến các công ty nước ngoài tại Trung Quốc 3 năm qua.

GSK vướng không ít rắc rối tại thị trường Trung Quốc cùng lúc.

Theo báo cáo mới nhất của cơ quan an ninh, GlaxoSmithKline (GSK) đã đưa hối lộ cho quan chức chính phủ, các hiệp hội y tế, bệnh viện cũng như bác sĩ để nâng doanh thu và giá bán. Ngoài ra, GSK tại Trung Quốc còn dùng hóa đơn giả để trốn thuế. Báo cáo không đưa chi tiết về số lượng và danh tính của các lãnh đạo GSK liên quan, thông tin về thời điểm điều tra cũng không được công bố. Đại diện tập đoàn dược phẩm của Anh cho biết sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng, phục vụ điều tra.

Gần đây, Trung Quốc đã kiểm tra một loạt các công ty nước ngoài với nhiều vi phạm khác nhau như cấu kết làm giá, quản lý chất lượng... Điều này khiến các hãng nước ngoài phải tìm cách bảo vệ danh tiếng của mình tại thị trường lớn thứ 2 thế giới, nơi người tiêu dùng tin tưởng các thương hiệu quốc tế hơn tên tuổi nội địa.

Reuters cho hay, cáo buộc đối với GSK (hãng dược lớn thứ 4 thế giới) là vụ lớn nhất kể từ khi 4 lãnh đạo của tập đoàn khoáng sản Rio Tinto (của liên minh Anh - Australia) tại Trung Quốc bị bắt giam hồi tháng 3/2010 do nhận hối lộ và đánh cắp bí quyết thương mại. Có 4 nhân vật liên quan phải chịu án tù từ 7 - 14 năm vì tội đánh cắp thông tin mật của đại diện ngành thép Trung Quốc trong lần đàm phán với các nhà cung cấp quặng sắt.

Theo luật pháp Trung Quốc, các lãnh đạo của GSK sẽ bị buộc tội chính thức sau khi thủ tục điều tra sơ bộ hoàn thành. Jerry Ling, luật sư hãng Jones Day tại Thượng Hải cho biết giờ còn khá sớm để biết được khung hình phạt áp dụng.

Phòng Thương mại và Công nghiệp thường xử lý các vụ hối lộ quy mô trung bình, với án phạt hành chính và đưa đối tượng vào danh sách đen của cơ quan chức năng, ít khi dẫn tới trách nhiệm hình sự. "Nhưng một khi Bộ An ninh vào cuộc thì có nghĩa vụ này rất nghiêm trọng", Ling nói.

GSK cũng vướng một số rắc rối khác tại Trung Quốc. Đầu tuần này, hãng cho biết đang điều tra cáo buộc về việc nhân viên sử dụng những biện pháp không hợp lệ để tiếp thị sản phẩm mỹ phẩm Botox nhưng chưa thể kết luận về hối lộ hoặc tham nhũng. Ngoài ra, cùng với Merck & Co, một số hãng dược nước ngoài và nội địa khác, GSK đang bị ủy ban hàng đầu về kinh tế điều tra việc cấu kết làm giá. Năm ngoái GSK phải trả án phạt 3 tỷ USD tại Mỹ vì vi phạm quyền hạn.

Trung Quốc ngày càng trở thành thị trường quan trọng với các hãng dược quốc tế, bởi doanh thu từ thị trường đang phát triển sẽ bù đắp suy giảm tại phương Tây, khi nhiều bản quyền công nghệ thuốc đã hết hiệu lực.

Lê Anh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.