Cập nhật 17/08/2014 9:29 PM
Với 50 tỷ đồng tôi có thể mở vài khu công nghiệp nhưng tôi vẫn suy nghĩ về giáo dục đại học, bị coi là khùng, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Đại học Hùng Vương, Chủ tịch SIG chia sẻ.

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT trường Đại học Hùng Vương, Chủ tịch SIG

PV: Vụ việc tại trường đại học Hùng Vương đến nay được giải quyết như thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi cũng cố gắng xây dựng trường đại học Hùng Vương bất vụ lợi, nhưng cho đến nay dường như không được thành công lắm. Vì người góp vốn khi góp vốn xong bỏ đó, nghĩ rằng mình hết trách nhiệm. Tiền được giao cho người không góp vốn quản lý thì họ lại không bất vụ lợi nên đã sinh ra rất nhiều mâu thuẫn.

Vụ việc lùm xùm của trường Hùng Vương vừa rồi chúng tôi cũng xác định là mình cũng có lỗi và đã đúc kết nhiều kinh nghiệm sau vụ này. Nếu có cơ chế quản lý tốt, có chính sách cụ thể, lợi nhuận dành cho sinh viên như thế nào, dành cho cán bộ nhân viên nhà trường ra sao… được cụ thể hóa ngay từ đầu và mọi người cứ thế thực hiện thì nó đã khác. May là UBND TP.HCM và Bộ Giáo dục và Đào tạo thông cảm và chỉ đạo quyết liệt nếu không trường đã bị đóng cửa.

Ngay như buổi làm lễ tốt nghiệp cho 1.812 sinh viên vui thì rất vui nhưng buồn cũng rất buồn. Vì sự cố của trường làm tất cả các sinh viên bị chậm lại 01 năm, trong đó có gần 100 sinh viên Lào được Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn tài trợ 100% chi phí học tập và sinh hoạt cũng bị ảnh hưởng khi kéo dài thời gian về nước. Đây là điều đau xót mà bản thân nhà trường hết sức rút kinh nghiệm để không xảy ra nữa. Tôi cho rằng những trục trặc của trường vừa qua là điều kiện tốt để Hùng Vương cải tổ toàn diện.

Trên thế giới giáo dục nhận tài trợ là chủ yếu, chứ giáo dục mà thu tiền kiếm lời thì chắc không bao giờ xây dựng được giáo dục.

PV: Quan điểm đào tạo của đại học Hùng Vương thế nào để giảm tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp rất nhiều hiện nay?

- Mô hình đào tạo của đại học Hùng Vương dù rằng hiện chưa theo mô hình chuẩn quốc tế, nếu nói về xếp hạng chất lượng đào tạo thì trường Hùng Vương vẫn đứng ở mức cao. Vấn đề là hiện nay trường đang bị ngừng tuyển sinh, nếu được tuyển sinh trở lại thì sinh viên sẽ nộp hồ sơ rất đông.

Dù rằng đã có một số mâu thuẫn trong Ban lãnh đạo nhà trường nhưng không phải mâu thuẫn nằm trong cán bộ nhân viên, chất lượng giảng viên nên giảng viên ở trường vẫn giảng dạy tốt, nhưng để đạt được mức chất lượng đào tạo cao thì cũng chưa.

Xu hướng đào tạo giáo dục theo chuẩn quốc tế và đạt tính ứng dụng cao của Việt Nam là tất nhiên.

Tôi biết hiện nay các bộ ngành cử nhân sự đi đào tạo tại các nước ở Châu Âu, Mỹ rất nhiều. Khi các cán bộ này về nước thì họ làm việ rất tốt, họ có tính tự chủ và minh bạch rất cao. Tôi cũng biết rất nhiều người Việt Nam dù không đi học nước ngoài nhưng họ vẫn làm được, nhưng muốn hay không nếu chúng ta tiếp cận được nền giáo dục quốc tế tiên tiến vẫn tốt hơn.

Cá nhân tôi đã từng học 3 trường đại học Việt Nam nhưng tôi vẫn bỏ tiền ra để theo học đại học quốc tế. Từ kinh nghiệm bản thân tôi cho thấy nếu tôi không đi học ở nước ngoài thì chắc tôi không làm được như ngày hôm nay.

Vậy tại sao chúng ta không tạo một môi trường giáo dục đạt chuẩn quốc tế ngay chính tại Việt Nam để đỡ tốn chi phí?

Theo tôi nên mở cửa giáo dục. Ở đây chúng ta hoàn toàn không nhầm lẫn giữa việc giao thoa văn hóa và đồng hóa văn hóa. Không có nghĩa Hoa Kỳ mang nền giáo dục của họ vào Việt Nam là sinh viên Việt Nam biến thành người Hoa Kỳ, ở đây họ chỉ lĩnh hội kiến thức mà nền giáo dục Hoa Kỳ mang lại còn họ vẫn là người Việt Nam. Chúng ta vẫn dạy những chương trình cơ bản về văn hóa, đạo đức của người Việt.

Đây là con đường tri thức rất quan trọng mà không chỉ trường đại học Hùng Vương muốn tham gia liên kết đào tạo ngay cả đối với các trường đại học công lập cũng đang tích cực mở rộng đào tạo quốc tế.

Ngay bản thân tôi lúc mới tiếp cận môi trường giáo dục quốc tế tôi cũng rất oải, cũng “ngáp” một thời gian đầu mới hòa nhập được, vì học ở nước ngoài là phải tự mò mẫm tìm hiểu, tìm tài liệu vì sách giáo khoa chỉ là cơ sở và chiếm lượng kiến thức 1/10. Trong khi tôi đã quen với cách học ở trong nước chỉ cần học đúng và kỹ như chương trình trong sách giáo khoa là điểm cao.

Sắp tới sẽ có những trường đại học danh tiếng của Mỹ cũng muốn đặt mối quan hệ hợp tác đào tạo với đại học Hùng Vương. Chúng tôi sẽ suy nghĩ và xin ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xem nên làm thế nào, theo hình thức nào… để tạo ra sự hợp tác hiệu quả. Nếu hợp tác được sẽ là khởi điểm tiếp tục cho đoạn đường tiếp theo sâu hơn, còn nếu không làm gì chắc chắn sẽ không tiến bộ được.

PV: Trường đại học Hùng Vương là đào tạo đại học phi lợi nhuận?

- Trường Hùng Vương hoạt động theo có chế phi lợi nhuận từ xưa đến nay, người ta cứ bóp méo nó thì chịu.

Chúng tôi thực hiện phi lợi nhuận đến mức tôi phải phê bình các cổ đông vì mọi người bỏ tiền vào đấy xong rồi chẳng có trách nhiệm gì nữa, để trường tự xử lý nên đã nảy sinh những khuất tất.

Các trường đại học danh tiếng quốc tế họ nhận tài trợ của các đơn vị, tổ chức nhưng họ có một hội đồng sáng lập, hội đồng bảo trợ để quản lý dòng tiền của trường minh bạch, hiệu quả.

Qua sự việc đã xảy ra chúng tôi rút ra một điều dù bất vụ lợi nhưng vẫn phải xây dựng một quy chế sử dụng tài chính rõ ràng, các cơ chế kiểm soát dòng tiền hiệu quả… nếu không thì lại tự hại mình, hại người vì tiền làm hỏng người.

PV: Vậy với mô hình đào tạo tiến bộ thì đại học Hùng Vương có đảm bảo là tỷ lệ sinh viên ra trường sẽ không bị thất nghiệp ồ ạt như hiện nay không?

- Tôi làm khu công nghiệp nên thấy nhu cầu về lao động rất thiếu, nhất là lao động trình độ cao. Ở đây phải nhìn nhận trở lại là chúng ta đào tạo ra chất lượng chưa sát với thực tế, thành ra nó vênh chứ không phải thừa sinh viên. Hoàn toàn không thừa mà thiếu, đó là thiếu những người biết làm việc.

Sinh viên ra trường mặt bằng chung chưa biết làm việc rất nhiều, sau đó phải làm trái nghề rồi đúc kết kinh nghiệm dần dần sau quá trình làm việc. Do vậy, quá trình học phải đi đôi với làm.

Ở các trường đại học quốc tế, sinh viên đi thực tập ngay từ năm đầu tiên dù chưa được đào tạo tí nào về chuyên ngành mình học. Họ thực tập để biết công việc thực tế mình sẽ làm là như thế nào, khi trở về học tập họ sẽ đúc kết được là mình cần học cái gì để tập trung tư duy vào đó, không học và nghiên cứu phân tán. Đấy mới là vấn đề của đào tạo ứng dụng hiệu quả.

Còn sinh viên Việt Nam 2 năm cuối mới đi thực tập mà còn lười, có khi thực tập qua loa chủ yếu lấy con dấu về nộp cho trường cho đủ thủ tục.

Tôi phải nói thật là hiện nay ở Việt Nam số lượng trường đại học vẫn chưa đủ để đào tạo cũng như đáp ứng nhu cầu học của sinh viên. Điều này có thể thấy tỷ lệ mỗi kỳ tuyển sinh là “1 chọi 10”. Đây là một sự lãng phí và cho thấy thiếu trường đại học nhưng Nhà nước không cho mở mới vì các trường đại học chạy theo lợi nhuận, chủ yếu thu học phí và chất lượng không đảm bảo. Ngay như trường Hùng Vương thời gian qua cũng đã làm nhức đầu các cơ quan quản lý.

Thực sự chúng tôi chứng kiến nhiều em học sinh mong muốn học mà không đạt nguyện vọng, nếu có thêm trường đại học thì các em sẽ được đào tạo cũng vẫn sẽ tốt hơn.

PV: Sinh viên của trường Hùng Vương có được thực tập tại các khu công nghiệp của tập đoàn Tân Tạo không, thưa ông?

- Các khu công nghiệp của tập đoàn Tân Tạo lúc nào cũng mở cửa cho sinh viên thực tập nhưng nhieu sinh viên quá lười thực tập, chỉ có một số ít sinh viên nhận thức được vấn đề thì còn chịu khó.

Ngay vấn đề làm thêm của sinh viên cũng là điều đáng bàn. Nếu như sinh viên các nước trên thế giới họ tìm kiếm những công việc làm thêm liên quan đến ngành học của mình để lấy kinh nghiệm. Rất nhiều sinh viên Việt Nam đi làm thêm để có tiền nên toàn chọn những công việc đơn giản như bưng bê ở nhà hàng, quán cà phê… thậm chí làm cả PG (Promotion Girl), chẳng liên quan gì đến ngành học của mình, dù rằng các em lao động để kiếm tiền là chính đáng, hoan nghênh nhưng do không liên quan đến ngành học nên sẽ chỉ nhận được những kinh nghiệm giời ơi, đất hỡi nên lãng phí thời gian, lai ảnh hưởng đến việc học tập, nghiên cứu.

Chẳng hạn, nếu sinh viên học ngành du lịch, khách sạn thì phải tìm việc làm thêm ở khách sạn để biết việc khi ra trường, vừa có tiền vừa có kinh nghiệm thực tiễn, đến khi ra trường dễ dàng có việc làm ngay.

PV: Vốn đầu tư của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SIG) vào trường Hùng Vương là bao nhiêu?

- Năm 2004, Thành ủy TP.HCM mời SIG góp vốn thay thế cho ngân hàng Việt Hoa là 1,5 tỷ đồng, khi đó vốn điều lệ của trường đại học Hùng Vương là 2,5 tỷ đồng, chúng tôi cũng không tham gia kiểm soát dù rất nhiều điều tiếng với tập đoàn.

Đến cuối năm 2009, SIG tiếp tục góp thêm 50 tỷ đồng.

Lúc này tôi bị mọi người cho rằng “khùng”, vì vốn điều lệ khi thành lập của Tổng công ty Kinh Bắc chỉ có 20 tỷ đồng, với số tiền 50 tỷ đồng tôi có thể lập được vài khu công nghiệp thu lãi lớn hằng năm và giá trị của khu công nghiệp cộng với tiền lũy kế đến nay có thể lên đến nghìn tỷ đồng.

Nhưng tôi nghĩ khi tôi đã tâm huyết với giáo dục thì tôi làm, kể cả cho đến nay khi nó đã không thành công như mong muốn tôi cũng chấp nhận. Chỉ có điều tôi vẫn mong muốn góp một phần để tạo được một môi trường giáo dục ứng dụng cho sinh viên với vai trò là một doanh nhân nhìn từ thực tiễn cuộc sống.

Xin cảm ơn ông !

Xem thêm bài viết về: Ông Đặng Thành Tâm
Linh Lan (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….