Cyrus Mistry không phải là kiểu người khi mới nhậm chức là nhảy vào tái cơ cấu mọi thứ ngay để chứng tỏ mình.

Ông Cyrus Mistry, vị Chủ tịch mới của Tập đoàn Tata

Tata, tập đoàn lớn nhất Ấn Độ xét về doanh thu, đã nổi tiếng trên thế giới khi thực hiện hàng loạt thương vụ giao dịch đa quốc gia táo bạo trong suốt thập kỷ qua như mua lại Corus, một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới với giá 12,8 tỉ USD, hay thâu tóm Jaguar Land Rover, hãng xe hạng sang của Anh. Tuy nhiên, trong suốt năm qua, năm đầu tiên dưới sự lãnh đạo của vị Chủ tịch mới Cyrus Mistry, người thay thế cho vị Chủ tịch lâu năm Ratan Tata vào đầu năm 2013, tập đoàn này đã im hơi lặng tiếng.

Kín tiếng

Tata là tập đoàn khổng lồ với hơn 100 công ty, hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ phần mềm, hóa chất cho đến trà và đồng hồ đeo tay, tuyển dụng khoảng 540.000 lao động trên toàn cầu. Tập đoàn đã thu được hơn 105 tỉ USD trong năm tài chính vừa qua, trong đó 63% doanh thu đến từ thị trường quốc tế.

Việc doanh thu của Tata chủ yếu dựa vào thị trường quốc tế là kết quả của những chuỗi ngày ông Ratan Tata lang thang khắp thế giới, một con đường mà Mistry rõ ràng đến nay vẫn né tránh: các thương vụ quốc tế mà các công ty của Tata thực hiện trong năm qua ít hơn nhiều so với các năm trước (tính từ năm 2004), theo công ty cung cấp dữ liệu Dealogic.

Tính tổng cộng, các thương vụ này chỉ đạt 385 triệu USD. Trong khi đó, vào năm 2006, tổng giá trị thương vụ lên tới gần18 tỉ USD. “Tôi chắc rằng họ cũng sẽ không thực hiện bất kỳ thương vụ mua lại lớn nào trong năm nay. Khả năng bán tài sản sẽ nhiều hơn”, một ông chủ ngân hàng đầu tư có trụ sở tại Mumbai đang làm việc với Tata (không muốn nêu tên) cho biết.

Vì Mistry im lặng, nhiều nhà đầu tư đã tỏ ra lo lắng, không biết định hướng sắp tới của Tata sẽ như thế nào. “Vấn đề là Mistry không giao tiếp nhiều với nhà đầu tư và vì thế mà họ cảm thấy mất phương hướng và lo lắng. Họ muốn biết các kế hoạch lớn của Tập đoàn”, Nick Paulson-Ellis, đứng đầu bộ phận các thị trường mới nổi tại ngân hàng đầu tư Espirito Santo tại London, nhận xét.

Các kế hoạch dài hạn mà nhà đầu tư trông đợi ở Mistry càng trở nên mập mờ hơn với việc công bố một số thương vụ không mấy khả thi trong năm 2013. Cụ thể, dưới thời của Mistry, Tata đã đầu tư vào 2 liên doanh hàng không, một liên doanh cung cấp đầy đủ dịch vụ (full-service) với Singapore Airlines (Tata sẽ nắm 51% cổ phần) và một liên doanh hàng không giá rẻ với AirAsia và Arun Bhatia (Tata nắm 30%). Động thái này được đánh giá là có nhiều rủi ro, trong bối cảnh các hãng hàng không đều đang vật lộn với các khoản thua lỗ, nợ tăng trong khi biên lợi nhuận lại thấp.

Một chuyên gia tư vấn ngành hàng không có thâm niên trong ngành cho rằng, dù Tata đã tìm được đối tác tốt nhất trong cả lĩnh vực hàng không cung cấp đầy đủ dịch vụ lẫn hàng không giá rẻ, “nhưng tại Ấn Độ, ranh giới giữa dịch vụ hàng không đầy đủ với hàng không giá rẻ rất mờ nhạt. Rồi Tata sẽ phải rút ra khỏi 1 trong 2 liên doanh đó”.

Đừng trách Mistry

Không ít người cho rằng Mistry đã quá chậm chạp hoặc là hầu như không giao tiếp với người khác. Tuy nhiên, những người thân cận với Mistry hoặc đã quan sát ông trong nhiều năm thì cho rằng ông chỉ là đang đi những bước đi thận trọng.

“Cyrus Mistry không phải là kiểu người khi mới nhậm chức là nhảy vào tái cơ cấu mọi thứ ngay để chứng tỏ mình. Mistry có cả một đế chế phải coi sóc và nhiều bộ phận của đế chế ấy thực sự đang làm ăn không tốt. Các vấn đề của Tập đoàn quá phức tạp và vấn đề mà các công ty con đối mặt lại rất khác nhau. Tôi cho rằng ông ấy hiểu rõ điều đó. Mistry đang dành thời gian để nắm bắt các vấn đề này và tìm đúng người giúp ông giải quyết chúng”, S. Manikutty, Giáo sư tại Viện Quản lý Ấn Độ (IIM), từng thực hiện nhiều nghiên cứu về các tập đoàn gia đình tại Ấn Độ, nhận xét.

Thực vậy, Mistry đang phải nghĩ cách cứu vãn một số công ty con, đang trong tình cảnh nguy nan, nhất là Tata Telecommunications. Hãng viễn thông di động lớn thứ năm Ấn Độ xét về lượng thuê bao này đang làm ăn thua lỗ và mất dần thị phần vào tay các đối thủ. Công ty đang cần có đối tác để được bơm vốn và hỗ trợ ý tưởng kinh doanh mới. Tata đang thương thảo với một số công ty nước ngoài, trong đó có Vodafone (Anh), để bán phần lớn cổ phần tại Tata Telecommunications.

Mistry cũng đối mặt với một nhiệm vụ cam go hơn: vực dậy bộ phận châu Âu của Tata Steel – tức Corus ngày trước. Bộ phận này chính là nguyên do Tata Steel báo cáo lỗ tới 1,3 tỉ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2013. Các công ty khác cũng sống rất chật vật. Tata Motors, chẳng hạn, đang có doanh số bán giảm ở thị trường nội địa do kinh tế Ấn Độ tăng trưởng chậm lại và thất bại trong việc tung ra Nano, chiếc xe rẻ nhất thế giới.

Mistry cũng đang dọn dẹp sổ sách tại một số công ty con với việc ghi giảm một phần giá trị trong tổng tài sản 15,5 tỉ USD mà Ratan Tata đã mua lại trong những năm trước. Chẳng hạn, Tata Steel đã phải ghi giảm 1,6 tỉ USD vào tháng 5.2013 từ bộ phận châu Âu, vốn bị khủng hoảng tại khu vực đồng euro tác động. Ông cũng phải ghi giảm giá trị tài sản ở Tata Chemicals và cả ở Indian Hotels Co. Ltd do suy thoái toàn cầu.

Hiện tại, Tata Chemicals đã có kế hoạch tái cấu trúc lại bộ phận châu Âu bằng cách đóng cửa một nhà máy hóa chất và cắt giảm một số nhân sự tại Anh do chi phí năng lượng tăng cao. Bộ phận châu Âu của Tata Steel cũng đang cơ cấu lại danh mục sản phẩm và có thể sẽ cắt giảm 550 việc làm.

“Mistry có vẻ thận trọng, nhưng tôi nghĩ ông ấy sẽ tiếp tục tập trung vào tái cấu trúc hơn là bành trướng. Xét trong tình hình kinh tế thế giới hiện nay, điều đó là đúng”, Kavil Ramachandran, Giáo sư tại Trường Kinh doanh Ấn Độ ở Hyderabad, nhận xét.

Vị Chủ tịch mới cũng đang phát triển các kế hoạch cho tương lai và một phần trong chiến lược này là sẽ tập trung nhiều hơn vào các thị trường mới nổi khác tại châu Phi và châu Á. Trọng tâm của hướng tiếp cận mới sẽ là đẩy mạnh bành trướng mảng tiếp xúc nhiều với người tiêu dùng như bán lẻ và dịch vụ tài chính. Nhà đất và cơ sở hạ tầng cũng là mối ưu tiên khác của Mistry. Đây lại là 2 lĩnh vực mà ông biết rất rõ nhờ quãng thời gian làm việc tại tập đoàn xây dựng của gia đình mình (Mistry là người con trai út của Pallonji Mistry, ông trùm lĩnh vực xây dựng và là cổ đông lớn duy nhất của Tata Sons Ltd, công ty mẹ của Tập đoàn Tata).

Mặc dù những ai biết ông Mistry đều dành những lời có cánh khi nói về năng lực của ông, nhưng nhiều người cũng cho rằng trong năm 2014, ông cần phải cho nhà đầu tư cũng như giới phân tích thấy rõ hơn những tiến triển mà ông làm được.

Ngô Ngọc Châu (NCĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Cyrus Mistry mơ gì ở Tập đoàn Tata?

    Cyrus Mistry mơ gì ở Tập đoàn Tata?

    29/09/2014 9:29 AM

    Bỏ ra 35 tỷ USD vốn đầu tư trong 3 năm tới nhằm đưa Tata lọt vào top 25 doanh nghiệp lớn nhất thế giới đến năm 2025 được xem là tham vọng lớn nhất của vị Chủ tịch Tập đoàn Tata.

  • Cyrus Mistry đã làm được gì cho Tata?

    Cyrus Mistry đã làm được gì cho Tata?

    20/01/2014 11:04 AM

    Cyrus Mistry không phải là kiểu người khi mới nhậm chức là nhảy vào tái cơ cấu mọi thứ ngay để chứng tỏ mình.

  • Áp lực đè nặng lên tân Chủ tịch Tata

    Áp lực đè nặng lên tân Chủ tịch Tata

    05/01/2013 10:03 AM

    Ông Cyrus Mistry, 44 tuổi vừa chính thức được bổ nhiệm vào chức Chủ tịch Tata Sons Ltd., công ty mẹ của Tập đoàn Tata, tập đoàn kinh tế lớn nhất Ấn Độ, thay ông Ratan Tata, 75 tuổi, nghỉ hưu sau 21 năm ở cương vị này.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.