Cyrus Mistry. |
Ông Cyrus Mistry đảm nhiệm trọng trách này bắt đầu từ ngày 29/12/2012, với lý do trước đó một ngày, ngày 28/12 chính là ngày sinh nhật thứ 75 của ông Ratan Tata và theo ý nguyện của ông này, ông muốn rời chức vào đúng ngày sinh nhật. Và ông Ratan Tata đã rời vị trí lãnh đạo Tata trên đỉnh vinh quang.
Khi Ratan Tata lên làm Chủ tịch vào năm 1991, tổng doanh thu của Tata Group chỉ là 5,8 tỷ USD/năm, nhưng nay con số này đã là 100,09 tỷ USD/năm (số liệu năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2012). Tập đoàn hiện sở hữu hơn 100 công ty thành viên, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như công nghệ thông tin, ô tô, thép, hóa chất, khách sạn…, có mặt tại hơn 80 quốc gia, với đội ngũ nhân viên khoảng 425.000 người. Không chỉ có vậy, ông Ratan Tata đã từng trực tiếp tham gia một số vụ mua bán và sáp nhập (M&A) lớn, tầm cỡ quốc tế, khiến cho thương hiệu Tata nổi danh trên trường quốc tế. Chỉ xin nêu 2 vụ M&A nổi đình đám nhất gần đây.
Vào năm 2007, Tata đã từng thực hiện thành công vụ mua lại Tập đoàn sản xuất thép Corus (Anh - Hà Lan), với giá trị rất “khủng” 12,9 tỷ USD. Đây là vụ M&A ở nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay của Tata. Tiếp đó, vào năm 2008, Tata đã mua lại 2 thương hiệu xe ô tô hạng sang là Jaguar và Land Rover từ Ford Motor Co. (Mỹ), với giá 2,3 tỷ USD.
Theo nhiều nhà phân tích, ông Cyrus Mistry được bổ nhiệm vào chức Chủ tịch Tata chủ yếu là do gia đình ông (đứng đầu là ông bố Pallonji Mistry) là cổ đông lớn nhất của Tata Sons, với 18% cổ phần. Theo ước tính mới nhất của Tạp chí Forbes (Mỹ), tổng giá trị tài sản của gia đình ông là 7,6 tỷ USD. Song bề dày kinh nghiệm và thành tích trong quản lý doanh nghiệp của ông Cyrus Mistry còn khá mỏng, chỉ ở phạm vi Shapoorji Pallonji & Co, công ty xây dựng của gia đình ông. Chính vì thế, có không ít ý kiến hoài nghi về năng lực của ông Cyrus Mistry trong việc lãnh đạo Tập đoàn Tata khổng lồ.
Ông Ajit Rangnekar, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Ấn Độ tại Hyderabad nhận xét, là một nhà quản lý thông minh, song Cyrus Mistry còn thiếu kinh nghiệm quản lý và tầm bao quát trên phạm vi toàn cầu.
“Ông Cyrus Mistry đến từ một công ty gia đình có quy mô tương đối nhỏ, chủ yếu hoạt động tại Ấn Độ, trong khi lĩnh vực kinh doanh của nó lại hoàn toàn khác biệt với một tập đoàn có cơ cấu phức tạp như Tata. Đây chính là điểm yếu nhất của ông Cyrus Mistry”, ông Ajit Rangnekar nói và nhận xét, cái bóng quá lớn của ông Ratan Tata, người tiền nhiệm cũng sẽ tạo sức ép không nhỏ với Cyrus Mistry.
Thêm vào đó, khi được bổ nhiệm vào chức Chủ tịch, Ban lãnh đạo Tata đã giao nhiệm vụ rõ ràng là trong vòng 9 năm tới, vào năm 2021, doanh thu của Tập đoàn phải đạt mức 500 tỷ USD, tức là tăng gấp 5 lần so với hiện nay.
Ông Shishir Bajpai, Phó chủ tịch Công ty IIFL Wealth Management Ltd. ở Mumbai nhận xét: “Đây là nhiệm vụ gần như bất khả thi trong bối cảnh nền kinh tế còn ảm đạm như hiện nay”.
Vậy ông Cyrus Mistry là ai mà dám cả gan chấp nhận thách thức lớn lao như vậy và liệu ông có làm nổi không?
Ông Cyrus Mistry được đào tạo rất cơ bản tại Anh. Sau khi tốt nghiệp Đại học Imperial ở London (Anh) với tấm bằng kỹ sư xây dựng và học khoá thạc sỹ về quản lý tại Trường Kinh doanh London, ông đã về làm việc tại Shapoorji Pallonji & Co, từ năm 1994. Cyrus Mistry tỏ ra là một nhà lãnh đạo có tài khi đã góp phần làm tăng mạnh doanh thu của Shapoorji Pallonji & Co từ mức 20 triệu USD năm 1994 lên gần 1,5 tỷ USD (năm 2011). Một báo cáo của Công ty Shapoorji Pallonji & Co. nêu rõ: “Dưới sự quản lý của Cyrus Mistry, Công ty đã làm được nhiều cái đầu tiên ở Ấn Độ, như xây dựng những tòa tháp căn hộ cao nhất, cầu sắt dài nhất, ụ tàu lớn nhất…”. Một trong những công trình ghi dấu ấn cá nhân của ông Cyrus Mistry là dự án xây dựng công viên công nghệ sinh học lớn nhất Ấn Độ gần TP. Hyderabad.
Song, nói gì thì nói, xét trên mọi phương diện, Shapoorji Pallonji & Co đều thua xa Tata.
Là thành viên Hội đồng quản trị của Tata Sons từ năm 2005, ông Cyrus Mistry được trực tiếp học hỏi, bồi dưỡng để làm quen với công việc. Giờ đây, ông lại được tiếp quản một cơ ngơi bề thế số 1 ở Ấn Độ. Tata Steel là nhà máy sản xuất thép số 1 của Ấn Độ, Tata Motors cũng là nhà máy sản xuất ô tô hàng đầu nước này và có doanh thu tăng gấp 5 lần trong vòng 4 năm. Cho nên, mục tiêu đặt ra là có cơ sở thực tế, song tại thời điểm này thật khó dự đoán, ông sẽ thực hiện được đến đâu so với kỳ vọng của Ban lãnh đạo Tata.
-
Cyrus Mistry mơ gì ở Tập đoàn Tata?
29/09/2014 9:29 AMBỏ ra 35 tỷ USD vốn đầu tư trong 3 năm tới nhằm đưa Tata lọt vào top 25 doanh nghiệp lớn nhất thế giới đến năm 2025 được xem là tham vọng lớn nhất của vị Chủ tịch Tập đoàn Tata.
-
Cyrus Mistry đã làm được gì cho Tata?
20/01/2014 11:04 AMCyrus Mistry không phải là kiểu người khi mới nhậm chức là nhảy vào tái cơ cấu mọi thứ ngay để chứng tỏ mình.
-
Áp lực đè nặng lên tân Chủ tịch Tata
05/01/2013 10:03 AMÔng Cyrus Mistry, 44 tuổi vừa chính thức được bổ nhiệm vào chức Chủ tịch Tata Sons Ltd., công ty mẹ của Tập đoàn Tata, tập đoàn kinh tế lớn nhất Ấn Độ, thay ông Ratan Tata, 75 tuổi, nghỉ hưu sau 21 năm ở cương vị này.