Ngày 16/2, Ban Thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc có cuộc họp ở Trung Nam Hải, Bắc Kinh, để thảo luận về việc Bạc Hy Lai có đáng bị cách chức và truy cứu trách nhiệm hay không.

Trung Nam Hải, cơ quan đầu não , nơi đề ra những quyết sách đối nội và đối ngoại quan trọng của Trung Quốc. Ảnh: Asahi Shimbun

Rất ít người biết về cơ chế hoạt động của Trung Nam Hải, "bộ não" của đảng và chính quyền Trung Quốc, nằm gần Tử Cấm Thành, trung tâm thủ đô Bắc Kinh.

Trung Nam Hải, tương tự như Nhà Trắng của Mỹ hay điện Kremlin của Nga, có diện tích khoảng 1.000 m2 với hai hồ nước nhân tạo và các tòa nhà từng là một phần của Cố Cung. Những tòa nhà này nay trở thành văn phòng và nhà ở cho các quan chức hàng đầu Trung Quốc.

Đây là nơi đưa ra những quyết sách quan trọng cả về đối nội và đối ngoại của Trung Quốc. Tại đây, một quyết định quan trọng được đưa ra, đánh dấu sự sụp đổ của sự nghiệp chính trị của Bạc Hy Lai, khi đó là bí thư thành ủy Trùng Khánh, địa phương ở cách bức tường đỏ bao bọc Trung Nam Hải hàng nghìn km.

Ngày 16/2, cuộc họp Ban thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc được tổ chức ở Trung Nam Hải để xem xét có nên truy cứu Bạc Hy Lai vì việc Vương Lập Quân, phó thị trưởng Trùng Khánh, đến lãnh sự quán Mỹ xin tị nạn 10 ngày trước đó hay không, nguồn tin thân cận với các nhà lãnh đạo đảng cho biết.

Cuộc họp có sự tham dự của các thành viên Ban thường vụ, trụ cột của 80 triệu đảng viên Trung Quốc. Mỗi người trong số 9 thành viên Ban thường vụ Bộ Chính trị có một lá phiếu duy nhất, và tất cả các chính sách quan trọng đều được quyết định theo đa số. Tổng bí thư của đảng là người duy nhất được triệu tập cuộc họp như thế này.

Về vấn đề Bạc Hy Lai, các ủy viên Ban thường vụ có ý kiến không giống nhau. Các ông Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, Lý Khắc Cường và Hạ Quốc Cường kiên quyết yêu cầu truy cứu trách nhiệm của Bạc Hy Lai.

Tuy nhiên 4 thành viên khác là ông Ngô Bang Quốc, Giả Khánh Lâm, Lý Trường Xuân và Chu Vĩnh Khang lại không cho rằng Bạc Hy Lai cần bị cách chức vì sự việc của Vương Lập Quân.

Thành viên cuối cùng là ông Tập Cận Bình, người được dự đoán sẽ trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc sau kỳ đại hội đảng cuối năm, khi đó đang có chuyến thăm Mỹ, không tham dự cuộc họp.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (trái) và phó Chủ tịch Tập Cận Bình tại kỳ họp quốc hội hồi tháng 3. Ảnh: AP.

Một quan chức Văn phòng Trung ương đảng liên lạc với ông Tập đang ở Washington trước khi cuộc họp ở Bắc Kinh bắt đầu và hỏi ý kiến của ông. Ông Tập vừa kết thúc cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama, trả lời rằng ông nghĩ cần phải truy cứu trách nhiệm của Bạc Hy Lai.

Trung Quốc không chính thức xác nhận có tổ chức cuộc họp Ban thường vụ ngày 16/2 hoặc xác nhận quyết định được đưa ra với tỷ lệ 5-4, do đó xuất hiện nhiều phỏng đoán về nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Bạc.

Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, trong đó có người có cha là quan chức cấp cao trong đảng, đồng tình rằng rất khó để truy cứu Bạc Hy Lai nếu ông Tập Cận Bình không đưa ra ý kiến đồng ý.

Cũng giống như cha của Bạc Hy Lai, cha của ông Tập Cận Bình từng là phó thủ tướng. Cả hai gia đình từng sống ở Trung Nam Hải và hai người cùng thuộc nhóm con của các lão thành cách mạng. Tuy nhiên, ông Tập vẫn quyết định rằng cần phải cách chức và điều tra những việc làm của Bạc Hy Lai.

Vũ Hà (theo Asahi Shimbun)

Theo VnExpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.