Khi Renzo Rosso đến Manhattan để mở cửa hàng Diesel đầu tiên, ông đã cố tình chọn vị trí đối diện với một cửa hàng của Levi’s trên đại lộ Lexington. Ông muốn cho mọi người thấy vẻ đẹp những sản phẩm của mình ngay trước một cửa hàng khác.

Rosso xuất hiện trong danh sách tỷ phú thế giới với tài sản ròng ước tính 3 tỷ USD

Năm 1996, Diesel không có đủ hàng hóa để bày kín trong cửa hiệu, vì thế Rosso đã cho xây dựng một quầy bar và bàn DJ bên trong. Trong vài tháng đầu, cửa hàng đóng cửa lúc sáu giờ và sau đó tổ chức tiệc tùng. Giờ đây ở tuổi 57, ông cho biết sẽ rút lui khỏi những buổi tiệc tùng nhưng hình ảnh một người đàn ông với lọn tóc vàng, quần skinny cùng hình xăm nơi ngón tay vẫn cho thấy Rosso hệt như một ngôi sao nhạc rock.

Năm nay, Rosso lần đầu xuất hiện trong danh sách các tỷ phú thế giới với tài sản ròng ước tính khoảng 3 tỷ USD. Ông sở hữu 100% cổ phần Diesel, thương hiệu đồ jeans hàng đầu của Italia. Thông qua một công ty có tên gọi Only the Brave, Rosso đã dành cả thập kỷ qua để thu mua hầu hết cổ phần của các hãng thời trang nhỏ và uy tín khắp châu Âu như Maison Martin Margiela, Viktor & Rolf và Marni. Doanh thu tập đoàn Diesel trong năm 2012 đạt 2 tỷ USD.

Dù đã 57 tuổi, Rosso vẫn xuất hiện như một ngôi sao nhạc rock với cây đàn ghi ta điện.

Trong những năm tháng thiếu niên, Rosso thú nhận quan tâm nhiều hơn tới các cô gái và cây đàn ghi ta điện hơn là học tập. Ông đã đăng ký vào một khóa học sản xuất dệt may tại Istituto Marconi bởi ông nghe rằng chúng rất dễ. Năm 15 tuổi, ông đã làm ra chiếc quần đầu tiên. Chẳng mấy chốc, ông bán cho bạn mình với giá vài đô la một chiếc.

Năm 20 tuổi, Rosso vào làm cho Moltex, một công ty dệt may địa phương. Năm 22 tuổi, với số tiền 4.000 USD vay từ cha mình, Rosso sở hữu 40% cổ phần của Moltex. Năm 1978, công ty đổi tên thành Diesel.

Thời bấy giờ, Diesel là một trong những thương hiệu nhỏ nhất về các nhãn hàng vải bò dưới cái tên Moltex. Khi vào thị trường Mỹ, ông đã đánh cược rằng những thanh niên trẻ tuổi thức thời trong kỷ nguyên mới sẽ chú ý tới mẫu đồ jeans mới nhưng pha trộn nét cổ điển của mình.

Cửa hàng Diesel đầu tiên được mở tại Lexington Avenue, New York năm 1996.

Ông nhớ lại những chiếc quần rẻ nhất ông bán hồi đó có giá 100 USD. Đó là năm 1986, khi những chiếc quần đắt nhất ở Mỹ là Ralph Lauren có giá 52 USD. Những người đầu tiên tin tưởng vào Diesel và đưa thương hiệu này vào cửa hàng của mình là Ron Herman và Fred Segal. Herman ấn tượng với chất liệu vải của Rosso, mà theo ông do một phần nhờ vị trí của cơ sở sản xuất. Không lâu sau đó, các cửa hàng ở Boston, Seattle và New York cũng có bày bán sản phẩm thương hiệu Diesel.

Ban đầu, Rosso luôn có một điều kiện rằng nếu không bán được ông sẽ mua lại hoặc trả tiền cho diện tích bị lãng phí của cửa hàng do trưng bày mẫu hàng Diesel. Nhưng Diesel đã rất đắt hàng với doanh thu 2,8 triệu USD năm 1985, sau đó là 10,8 triệu USD năm 1986 và 25,2 triệu USD năm 1987. Diesel từng giành giải Grand Prix tại Liên hoan quảng cáo quốc tế ở Cannes năm 2001 và một giải nữa năm 2010.

Quảng cáo thuộc chiến dịch "Be Stupid" đem về cho Rosso giải thưởng Grand Prix tại Liên hoan quảng cáo quốc tế ở Cannes năm 2001.

Năm 2002, Martin Margiela tiếp cận Rosso. Nhà thiết kế bí ẩn này là người đứng đầu của một nhãn hàng được nhiều người tôn sùng, Maison Martin Margiela (MMM), một thương hiệu thời trang nam nữ nổi tiếng bởi sự đơn sắc nhưng đang bị đình trệ về tài chính.

Hai năm trước đó, Rosso đã mua nhà sản xuất cao cấp Staff International và đơn vị này đã giúp cải thiên hạ tầng của MMM. Rosso cũng hứa là không can thiệp vào mặt sáng tạo của MMM. Rosso không tiết lộ nhưng đó là một thương vụ đầu tư khá lớn. Ông đã áp dụng một vài công thức của Diesel vào MMM. Dưới sự hướng dẫn của Rosso, MMM có thêm giày dép, thắt lưng và túi xách. Giá cả thấp hơn, những phòng trưng bày mới và những bộ sưu tập được cải tiến đã giúp cho doanh thu tăng đột biến khi năm 2002 là 20 triệu USD và năm 2011 là 100 triệu USD.

Trụ sở của Diesel tại Italy gồm 7 tòa nhà được thiết kế theo ý riêng của Rosso.

Năm 2008, Rosso thêm thương hiệu Vikto & Rolf được tạo ra bởi bộ đôi người Hà Lan Vikto Horsting và Rolf Snoeren vào Only the Brave. Năm 2012, nhãn hàng chuyên cung cấp thời trang nữ của Italia, Marni cũng bán 60% cổ phần cho Rosso. Cả hai nhãn hiệu đều xuất hiện hơn một thập kỷ và cần tiền để phát triển.

Năm 2001, Diesel khởi động chiến dịch quảng cáo trị giá 15 triệu USD trên báo giấy Daily African. Đây cũng là một phần của chiến dịch đem về cho Rosso giải thưởng Grand Prix.

Ngày nay, thông qua Staff International, Rosso sản xuất và phân phối quần áo cho một loạt các công ty có tiếng như Marc Jacobs, Just Cavalli của Roberto Cavalli, DSquared2 và Dean & Dan. Rosso hiện nay vẫn chưa tính bước tiếp theo cho Only the Brave. Nhưng giờ đây, một điều chắc chắn là ông sẽ tập trung vào Marni. Mục tiêu của ông hiện nay là mở rộng thị trường tới Trung Quốc, Nga và Trung Đông.

Theo Hoài Thu (nhuongquyenvietnam)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.