Mua sắm phi cơ, mở đường bay mới... chỉ là một phần trong cuộc cạnh tranh của các hãng hàng không Việt, với mục tiêu mở rộng thị phần, hướng tới lớp khách hàng mới

Những số liệu mới nhất từ Cục Hàng không cho thấy thị trường bay nội địa Việt Nam đang có nhiều biến chuyển. Theo đó, tính đến cuối năm 2013, thị phần nội địa của hãng hàng không quốc gia - Vietnam Airlines là 61,4%. Dù đây vẫn là con số rất lớn nhưng đã thấp hơn so với mục tiêu 61,5% do chính hãng đặt ra..

Trong vài năm gần đây, thị phần nội địa của Vietnam Airlines giảm dần đều. Năm 2012, cứ 100 khách thì có đến 70 người lựa chọn hãng bay có biểu tượng hoa sen. Còn trong bản kế hoạch cho năm 2014, hãng chỉ đặt mục tiêu giữ 55% thị trường nội địa..

Trong khi thị phần của "ông lớn" Vietnam Airlines liên tục giảm, 2 hãng còn lại là Vietjet Air và Jetstar Pacific lại có nhiều biến chuyển và liên tục thay đổi thứ hạng. Từ 20% hồi tháng 8, thị phần của Vietjet Air tăng lên 26,1% vào cuối năm, đẩy Jetstar Pacific xuống vị trí thứ 3 với 15,2%. Riêng hãng bay dịch vụ VASCO, công ty con của Vietnam Airlines giữ thị phần 1,8%.

Sự tăng trưởng nhanh chóng về thị phần của Vietjet Air được thể hiện khá rõ trong quá trình phát triển đội máy bay. Trong báo cáo cuối năm 2012 của Vietnam Airlines, hãng này đưa ra dự đoán trong năm 2013 Vietjet Air sẽ chỉ có 6 chiếc. Tuy nhiên trên thực tế hãng hàng không tư nhân này đã nâng đội bay lên 10 chiếc vào thời điểm nêu trên, và nhận thêm một chiếc nữa vào đầu 2014. Đặt kế hoạch cho năm tới, hãng này dự kiến sẽ mở rộng đội máy bay lên 17 đến 20 chiếc và trong vòng 3 năm, đơn vị này tham vọng cạnh tranh ngang ngửa với Vietnam Airlines trên thị trường nội địa.

Trong khi đó, do thừa tải cung cứng nên Jetstar Pacific đã cắt giảm số tàu bay từ 7 xuống hoạt động 5 chiếc trong hai năm vừa rồi. Sang đầu năm 2014, Jetstar mới nhận thêm một chiếc và đặt mục tiêu có 10 máy bay A320 vào năm sau..

Dù đật mục tiêu khá khiêm tốn với thị trường nội địa nhưng Vietnam Airlines vẫ là đơn vị sở hữu đội bay "khủng" nhất Trong khi thị phần nội địa được đặt mục tiêu ở mức khá khiêm tốn so với trước ở 55%, số lượng máy bay của Vietnam Airlines hiện "khủng" nhất, với đội ngũ trung bình trên 80 chiếc phục vụ trong năm.

Cùng với việc mua sắm, các hãng cũng liên tục chạy đua mở đường bay để thu hút thêm nhiều lớp khách hàng mới. Riêng trong năm 2013, Vietjet Air đã tăng gấp đôi số đường bay (16 trong nước và 2 quốc tế). Jetstar cũng có thêm 4 đường bay nội địa mới trong năm vừa rồi.

Bất chấp kinh tế khó khăn, lượng khách đi máy bay vẫn tăng mạnh 21,5% trong năm 2013. Ảnh:Thanh Bình

Đại diện của một hàng không nhận định dù việc gia tăng số lượng máy bay, đường bay sẽ đem lại lợi thế nhất định trong cuộc chiến thị phần, cái giá đổi lại cũng không phải là nhỏ. "Số chỗ ngồi liên tục được tăng lên nhưng số lượng hành khách có hạn, buộc hãng phải giảm giá vé", đại diện của hãng hàng không này nói.

Thực tế cho thấy kể từ khi các hãng hàng không tư nhân tham dự cuộc chơi, giá vé máy bay ở Việt Nam đã giảm nhanh chóng. Hiện nay, vé máy bay thông thường (không kèm khuyến mãi) chặng Hà Nội - TP HCM ở 2 hãng Vietjet và Jetstar có nhiều thời điểm chỉ trên dưới một triệu đồng, có lúc 500.000 đồng. So với cách đây khoảng chục năm, thay vì chỉ có 2 hạng vé thì nay khách hàng có cả chục mức khác nhau để lựa chọn. Thậm chí do nhiều chặng hoặc những thời điểm thiếu khách, các hãng phải liên tục tung ra khuyến mãi giá rẻ 99 đồng, có lúc còn 0 đồng để lấp đầy chỗ trống.

Mặt trái của cuộc cạnh tranh nay là tỷ suất lợi nhuận của các hãng giảm xuống. Chẳng hạn với trường hợp của Vietnam Airlines là 0,26%, tức là mỗi một triệu đồng tiền vé bán được, hãng chỉ lãi 2.600 đồng. Do đó, việc giảm giá, khuyến mãi gây thiệt hại trên chính những chiếc vé giá rẻ đó.

"Nếu tiếp tục lún sâu vào việc giành giật khách hàng này, không loại trừ khả năng sẽ có hãng bị thua lỗ nặng và bị loại khỏi thị trường hàng không. Khi thị trường chỉ còn lại một đến hai người chơi, yếu tố độc quyền sẽ lại xuất hiện và giá vé lại tăng", một chuyên gia hàng không bình luận.

Trong khi các hãng hàng không đang cạnh tranh khốc liệt giành thị phần, khách hàng là những người hưởng lợi nhất. Khi giá vé giảm, thị trường xuất hiện lớp khách hàng mới, chưa từng đi bằng đường không trước đó. Đây cũng là một trong những lý do khiến lượng người đi máy bay vẫn tăng trưởng tốt ngoài dự kiến (tăng 21,5%) so với 2012. Chủ yếu trong số này tăng ở phân khúc giá rẻ, theo báo cáo cuối năm của Vietnam Airlines.

Bên cạnh đó, nhờ vào lượng lớn máy bay của các hãng, vào những dịp cao điểm như giáp Tết Âm lịch này, gần như không còn xảy ra tình trạng cháy vé hay khách bức xúc vì giá quá cao.

Hiện Vietjet Air đang là hãng bay hưởng lợi khá nhiều từ sự tăng trưởng nêu trên của thị trường. Kết thúc năm 2013, lợi nhuận từ hoạt động vận chuyển của hãng đạt 120 tỷ đồng. "Nếu trích lập dự phòng chi phí bảo dưỡng kỹ thuật và khấu hao thì hòa vốn. Thời điểm hòa vốn vượt kế hoạch do Đại hội cổ đông đề ra", đại diện hãng cho biết.

Còn Vietnam Airlines, với dòng khách hàng riêng của mình cũng đã gia tăng lợi nhuận từ mục tiêu 86 tỷ đồng lên con số thực tế 140 tỷ đồng tính đến cuối năm. Hãng hàng không còn lại - Jetstar Pacific không công bố kết quả kinh doanh 2013. Mặc dù vậy, trong năm 2013 hãng cho biết vẫn duy trì được hệ số sử dụng ghế đạt 90%. Lượng khách vận chuyển tăng 13% so với năm trước và tổng doanh thu tăng 3,7%.

Thanh Binh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.