Dù đã được dự báo song việc Ngân hàng thế giới (WB) chính thức tuyên bố hủy bỏ khoản tín dụng tỷ đô cấp cho Bangladesh vẫn tạo ra cú sốc lớn không chỉ cho quốc gia nghèo khó này.

Ước mơ về cây cầu bắc qua sông Padma đã bị hủy hoại vì tham nhũng

Trong tuyên bố đưa ra ngày 30-6, WB quyết định hủy bỏ khoản vay trị giá 1,2 tỷ USD dành cho một dự án xây cầu tại Bangladesh vì có các dấu hiệu tham nhũng. Thể chế tài chính phát triển đa phương lớn nhất thế giới này cho biết, WB hiện đang nắm giữ những bằng chứng thuyết phục cho thấy các quan chức Bangladesh đã dính líu tới những cáo buộc tham nhũng liên quan đến một công ty xây dựng của Canada trong dự án phát triển hạ tầng giao thông tại nước này.

Tháng 4-2011, WB đã phê chuẩn khoản vay 1,2 tỷ USD dành cho Bangladesh để xây dựng cây cầu đa năng dài 6,5km bắc qua sông Padma (tham gia tài trợ dự án tổng trị giá 2,9 tỷ USD này còn có Ngân hàng Phát triển châu Á, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản và Ngân hàng Phát triển Hồi giáo). Song không lâu sau khi thông qua dự án, WB đã nhận được các cáo buộc tham nhũng liên quan tới dự án này.

Bắt tay vào điều tra, WB đã không nhận được sự hợp tác thỏa đáng từ phía Chính phủ Bangladesh. Tuy nhiên, bằng nỗ lực của mình, WB tìm thấy những bằng chứng khẳng định có sự thông đồng giữa các quan chức chính phủ Bangladesh, ban lãnh đạo Công ty SNC-Lavalin của Canada - một trong những tập đoàn xây dựng lớn nhất thế giới, cùng một số nhà thầu tư nhân trong dự án xây dựng cầu đa chức năng Padma với chiều dài 6,5km được WB và quốc tế tài trợ.

Tuyên bố ngày 30-6 của WB nêu rõ, ngân hàng này không thể làm ngơ trước bằng chứng rõ ràng về tham nhũng, đồng thời cho biết thêm là Tập đoàn SNC-Lavalin đã thừa nhận đưa hối lộ để thắng thầu. Giám đốc điều hành cùng hai quan chức cấp cao khác của tập đoàn đã phải từ chức sau vụ bê bối. Tháng 4 vừa qua, cảnh sát Canada đã tiến hành lục soát trụ sở của SNC-Lavalin tại thành phố Montreal, Canada.

Trong một phản ứng đầu tiên, Bộ trưởng Thông tin Bangladesh Obaidul Quader tuyên bố, chính phủ nước này lấy làm tiếc trước quyết định của WB. Ông Quader cho biết, hiện Ủy ban Chống tham nhũng của chính phủ cũng đang tiếp tục điều tra các cáo buộc tham nhũng trong dự án được WB và quốc tế tài trợ nói trên.
Cú sốc lớn này chẳng khác nào hồi chuông cảnh báo khẩn thiết với quốc gia vốn bị Tổ chức minh bạch quốc tế (IT) đưa xếp vào danh sách những quốc gia có nạn tham nhũng trầm trọng nhất thế giới.

Hoàn toàn nhận rõ nguy cơ tham nhũng, Bangladesh những năm qua đã thực thi chính sách và biện pháp mạnh mẽ chống quốc nạn này nhưng chưa hiệu quả. Năm 2010, Bangladesh đã thành lập Ủy ban Chống tham nhũng độc lập không thuộc chính phủ như trước. Tuy nhiên, với tính chất ngày càng tinh vi và phức tạp, tham nhũng ở Bangladesh đang là một quốc nạn nghiêm trọng và cuộc chiến chống lại nó vẫn là một chặng đường dài không ít cam go.

Theo An ninh Thủ đô
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Ai đã đánh cắp 100 triệu USD của Bangladesh gửi tại Fed?

    Ai đã đánh cắp 100 triệu USD của Bangladesh gửi tại Fed?

    17/03/2016 7:59 AM

    Kẻ xâm nhập tài khoản của Bangladesh tại Fed đã gửi lần lượt 81 triệu USD và 20 triệu USD vào các tài khoản tại Philippines và Sri Lanka.

  • Cú sốc tỷ đô

    Cú sốc tỷ đô

    03/07/2012 1:13 PM

    Dù đã được dự báo song việc Ngân hàng thế giới (WB) chính thức tuyên bố hủy bỏ khoản tín dụng tỷ đô cấp cho Bangladesh vẫn tạo ra cú sốc lớn không chỉ cho quốc gia nghèo khó này.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.