Trong khi nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản gặp khó thì Coimex lại có nhiều dự án đầu tư mới, với những tín hiệu lạc quan. Phóng viên Đầu tư đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Kháng, Tổng giám đốc Coimex về hướng phát triển của Công ty.
Thưa ông, hoạt động trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản, năm 2012, Coimex chịu ảnh hưởng bởi khó khăn chung của kinh tế thế giới như thế nào?

Xuất khẩu thủy sản ít chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, bởi vì, nhu cầu mặt hàng thực phẩm luôn được duy trì. Người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn những thực phẩm ít mỡ, không cholesteron, do vậy, thủy sản ngày càng được ưa chuộng hơn.

Năm 2012, nhận định về kinh tế thế giới khó khăn, nên Coimex đặt mục tiêu doanh thu là 40 triệu USD, thấp hơn 2 triệu USD so với năm 2011. Tuy nhiên, kết quả thực hiện thì có khả năng sẽ đạt 42 triệu USD, bằng năm 2011.

Sự khó khăn của nền kinh tế không ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ, thậm chí, sản lượng tiêu thụ vẫn tăng, nhưng giá cả thì có giảm đi. Tính đến hết tháng 8, Coimex đã xuất 16.500 tấn surimi (chế phẩm cá xay nhuyễn). Dự kiến trong năm 2012, Coimex sẽ xuất khẩu 21.000 tấn surimi, tăng 10% so với năm 2011.

Thị trường lớn nhất của Coimex là châu Âu (chiếm 70%). Bên cạnh đó còn có các thị trường tiềm năng khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản..., với nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao, khả năng thanh toán tốt và có lợi thế về vị trí địa lý đối với nguồn hàng từ Việt Nam.

Các nước nhập khẩu có nhu cầu sử dụng thành phẩm, thay vì nhập sản phẩm nguyên liệu như trước đây. Điều này tạo thêm nhiều việc làm cho các doanh nghiệp chế biến. Vì vậy, năm 2012, Coimex vẫn tiếp tục thực hiện dự án mở rộng thêm một nhà máy chế biến nữa ở Kiên Giang.

Theo đánh giá của một số nhà quản lý, sẽ có khoảng 20% nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu phải đóng cửa do khó khăn. Nhưng Coimex lại đang xúc tiến để xây dựng thêm nhà máy tại Kiên Giang, liệu điều này có khả quan không, thưa ông?

Trong 3 năm trở lại đây, doanh thu trung bình mỗi năm của Coimex là 40 triệu USD và có xu hướng tăng lên hằng năm.

Hiện nay, Coimex có vốn điều lệ hơn 80 tỷ đồng. Sau 5 năm cổ phần hóa, Công ty đã hoàn vốn đầu tư cho cổ đông, và có nguồn vốn để mở rộng đầu tư.

Coimex chỉ đầu tư vào nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy hải sản hoặc là lĩnh vực hỗ trợ cho các hoạt động này, như cảng cá, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Nhờ vậy mà kinh nghiệm quản lý, kinh doanh, số lượng đối tác, bạn hàng, số lượng đầu mối tiêu thụ và nguồn nguyên liệu ngày càng nhiều hơn, lớn mạnh hơn. Vì vậy, Công ty phải mở rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu phát triển, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm.

Từ một dây chuyền sản xuất ở Vũng Tàu, đến nay, Coimex đã có 4 nhà máy chế biến surimi (2 nhà máy ở Vũng Tàu, 1 nhà máy ở Trà Vinh, 1 nhà máy ở Kiên Giang). Hiện nay, chúng tôi đang xúc tiến xây dựng nhà máy thứ 5 tại Khu chế biến Tắc Cậu (Kiên Giang). Đây là nhà máy chế biến surimi công suất 10.000 tấn/năm, để tận dụng nguồn nguyên liệu tốt và dồi dào tại Kiên Giang. Sự đầu tư này là dựa trên nhu cầu bao tiêu sản phẩm của các đối tác ở nước ngoài.

Ngoài ra, Tập đoàn Comaboco (Pháp) đã đồng ý bỏ vốn đầu tư một dây chuyền chế biến hàng surimi mô phỏng và bao tiêu sản phẩm. Một đối tác khác cũng đã đăng ký bao tiêu sản phẩm cho dây chuyền mới sản xuất càng ghẹ.

Sự đầu tư của chúng tôi là hoàn toàn có cơ sở về vốn, công nghệ và đầu ra sản phẩm. Điều này cũng đã phần nào khẳng định sự lạc quan của thị trường xuất khẩu thủy sản trong những năm tới.

Trong nhiều năm qua, Coimex vẫn trụ vững vị trí số 1 về giá trị xuất khẩu chả cá surimi ra thị trường EU và Nga. Ông có thể chia sẻ bí quyết sản xuất và kinh doanh của Công ty để đạt những kết quả đó?

Trong tình hình kinh tế khó khăn, Coimex đã chia sẻ với các đối tác và người tiêu dùng bằng cách hạ giá sản phẩm, nhưng vẫn đảm bảo giữ nguyên chất lượng.

Thành công của Coimex là đầu tư đúng hướng. Ngay từ khi xuất hiện trên thị trường, surimi của Coimex được khách hàng ở Mỹ và các nước châu Âu đón nhận, bởi sản phẩm được chế biến theo định hướng có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng bằng cách loại bỏ xương, tạp chất và các chất gây dị ứng.

Coimex luôn giữ đúng nguyên tắc không dùng bất kỳ một loại hóa chất nào để chế biến sản phẩm - điều quan trọng hàng đầu đối với sản phẩm xuất khẩu. Coimex đã hội đủ các điều kiện để đạt các tiêu chuẩn về chất lượng như HACCP, HALAL, GMP, BRC, ISO 9001: 2008 và có code DL 286 để xuất khẩu đi EU. Coimex đã sớm xây dựng phòng thí nghiệm kiểm tra vi sinh và phòng kiểm tra chất lượng sản phẩm để bảo đảm chất lượng sản phẩm.

Trong khi thị phần ở EU và Nga vẫn ổn định, Coimex vẫn tiếp tục tìm kiếm, mở rộng ra các thị trường tiềm năng khác. Hiện nay, sản phẩm surimi của Coimex đã có mặt ở hơn 40 quốc gia trên thế giới.

Nhờ uy tín về chất lượng sản phẩm, uy tín về tiến độ giao hàng, Coimex đã được Tập đoàn Future Seafoods (Pháp) - một đối tác lâu năm, tin tưởng chuyển 70% số tiền tạm ứng hợp đồng trước mỗi đợt nhận hàng cho Công ty. Do đó, Coimex luôn có được nguồn vốn kịp thời để thu mua nguyên liệu.

Theo Báo Đầu tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Ông Lê Văn Kháng: Không bao giờ thất hứa!

    Ông Lê Văn Kháng: Không bao giờ thất hứa!

    29/12/2012 12:02 PM

    Chuyên canh một sản phẩm xuất khẩu trong lúc thị trường biến động mạnh là một thách thức mà thuyền trưởng Hai Kháng - Lê Văn Kháng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản và xuất nhập khẩu Côn Đảo (coimex) đã chọn cho Coimex.

  • Coimex vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất

    Coimex vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất

    30/09/2012 11:17 PM

    Trong khi nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản gặp khó thì Coimex lại có nhiều dự án đầu tư mới, với những tín hiệu lạc quan. Phóng viên Đầu tư đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Kháng, Tổng giám đốc Coimex về hướng phát triển của Công ty.

  • Hai Kháng với thương hiệu COIMEX - Cùng mối nhân duyên với cá tạp Côn Đảo

    Hai Kháng với thương hiệu COIMEX - Cùng mối nhân duyên với cá tạp Côn Đảo

    27/08/2012 1:09 PM

    Không được nhắc đến như là một trong những doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn trong ngành thủy sản Việt Nam nhưng COIMEX lại được tin tưởng là thương hiệu thủy sản chất lượng cao của sản phẩm Surimi (chả cá) tại thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là thị trường EU.

  • TGĐ Coimex - Người biến cá tạp Côn Đảo thành "vàng"

    TGĐ Coimex - Người biến cá tạp Côn Đảo thành "vàng"

    26/04/2012 7:02 AM

    Khi nhắc đến sự phát triển của Côn Đảo người ta không thể không nhắc đến Coimex và ngược lại.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.