Những điều thực sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư lão luyện tại thị trường Việt Nam.

Doanh nhân Shark Louis Nguyễn. Ảnh: Thái An

Trở về quê hương năm 2005, đúng vào thời điểm kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng hấp dẫn bậc nhất thế giới, đến nay hồ sơ sự nghiệp của doanh nhân Việt kiều Louis Nguyễn cũng hấp dẫn hàng đầu trong giới đầu tư tài chính tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi chia sẻ nhiều hơn về những điều ngoài công việc, Louis Nguyễn cho rằng, với ông, thành công không nằm ở những con số hay những thương vụ đình đám, mà ông thấy mãn nguyện nếu sau tất cả, người ta nhớ đến ông bởi sự chính trực và những điều ông đóng góp cho xã hội.

Ông có thời gian dài làm việc ở Thung lũng Silicon tại các tập đoàn nổi tiếng như Apple, KPMG. Tại đó, ông cũng từng là Giám đốc Điều hành của 3 công ty chuyên về đầu tư mạo hiểm. Tại sao ông lại quyết định rời môi trường làm việc hấp dẫn ở nước Mỹ để về Việt Nam?

Thời điểm đó, một mối quan hệ quan trọng của tôi ở Mỹ đã chấm dứt, trong khi kinh tế Việt Nam đang rất sôi động và tôi nhận được nhiều lời mời hấp dẫn. Lúc ấy, tôi cũng bắt đầu suy nghĩ nhiều về các giá trị của cuộc đời. Tôi theo gia đình sang Mỹ từ khi còn nhỏ. Lớn lên một chút, tôi lại tập trung hòa nhập vào đời sống Mỹ. Sau này, tôi bắt đầu quan tâm đến cái gốc Việt Nam của mình và phát hiện nhiều điều thú vị. Một sự kiện làm tôi cảm nhận rõ nhất giá trị của cái gốc Việt Nam là đêm cha tôi đột ngột qua đời. Trong lúc cả gia đình đang bối rối thì những người Việt thân quen trong vùng đã nhanh chóng có mặt lúc 1 giờ sáng, hỗ trợ gia đình tôi trong lúc bối rối nhất đó. Khi ấy, tôi mới biết đến từ “tình nghĩa" của người Việt, nước Mỹ không có từ tương đồng với từ này. Người Mỹ thường sẽ không làm như vậy, họ chỉ có mặt tại tang lễ thôi.

Vậy ông đã thích nghi với môi trường đầu tư và cả cuộc sống ở Việt Nam như thế nào?

Lúc mới về làm việc ở Sài Gòn, tiếng Việt của tôi rất kém, tôi cũng chưa hiểu được văn hóa công sở và giao tiếp theo kiểu Việt Nam, vì thế đã tạo ra rất nhiều khó khăn vào thời điểm ban đầu.

Để vượt qua khó khăn này, tôi đã phải đọc rất nhiều sách tiếng Việt, cũng như mời thầy về dạy, vì tôi biết nếu không thể hòa nhập với văn hóa và thấm nhuần nó, từ cách đưa danh thiếp, cách cụng ly đến các thuật ngữ, tiếng lóng trong ngành tài chính, tôi sẽ không thể thành công ở đất nước tràn đầy cơ hội này. Sự hòa đồng và tôn trọng văn hóa này khiến các đối tác của tôi cảm nhận được là tôi trân trọng họ và đất nước của họ.

Việc rời Thung lũng Silicon về Việt Nam đã cho tôi cơ hội trở thành một con người với 2 đất nước và 2 nền văn hóa hòa hợp trong mình. Tôi thích sự thẳng thắn và minh bạch của phần Mỹ trong mình và sự trân trọng các giá trị gia đình và hòa đồng của phần Việt Nam.

Về môi trường đầu tư, một thị trường mới mẻ như Việt Nam sẽ khác với Mỹ ở tính ổn định. Tuy nhiên, một thị trường mới nổi thì có nhiều cơ hội đầu tư mang lại mức tăng trưởng ngoạn mục. Thị trường Mỹ đã phát triển từ lâu và bước vào giai đoạn ổn định, nên cơ hội, dù lớn hơn, nhưng sẽ ít hơn và thách thức hơn. Tôi đã nghĩ rằng mình muốn làm một con cá nhỏ trong một cái hồ lớn hay một con cá vừa trong một cái hồ nhỏ hơn (cười).

Ông có thể chia sẻ một vài thương vụ thất bại đáng nhớ của mình?

Thương vụ thất bại đáng nhớ nhất có lẽ là lần chúng tôi đầu tư vào một chuỗi cửa hàng dược phẩm. Sai lầm lúc đó của tôi là đã chưa tìm hiểu đầy đủ về người đứng đầu doanh nghiệp mà mình đầu tư. Đây là một bài học rất quan trọng: Việc tìm hiểu về nhân cách, năng lực của người lãnh đạo là tối quan trọng trong việc đưa ra quyết định. Khi bạn đầu tư, bạn không nên nhìn vào công ty mà hãy nhìn vào con người, vì chính những con người đó sẽ tạo nên một công ty thành công. Và để đánh giá đúng người lãnh đạo đó, luôn cần đủ thời gian, không thể vội vàng.

Thương vụ thứ 2 là một dự án cầu nối liền quận 7 với quận 2. Vì đánh giá sai về uy tín và khả năng thực hiện các cam kết mà công ty tôi và một quỹ lớn khác, mỗi bên đã thiệt hại khoảng 15 triệu USD. Còn rất nhiều thất bại khác mà tôi có kể cả buổi cũng không hết (cười).

Tôi không ngại thừa nhận thất bại, bởi vì chắc chắn rằng chẳng có nhà đầu tư lớn nào không từng thất bại. Trong công việc tôi cũng luôn đánh giá cao những người dám thừa nhận sai lầm, điều quan trọng là thành quả họ tạo ra lớn hơn những thiệt hại do sai lầm gây ra. Đây cũng là lý do các quỹ đầu tư đều hướng đến đa dạng hóa danh mục, để dù có những thất bại, kết quả của quỹ vẫn sẽ được bảo đảm, hiệu quả vẫn tốt khi so sánh với các quỹ khác. Trong môi trường đầu tư, yếu tố quyết định không phải là số lượng hay giá trị đầu tư mà chính là hiệu quả tổng kết.

Ông định nghĩa thế nào là thành công và ông muốn mọi người nhớ đến mình với phẩm chất nào?

Quan niệm của tôi về thành công không phải là kiếm thật nhiều tiền hay có những thương vụ thật “ghê gớm”. Tôi không muốn tất cả những gì khiến người ta nhớ đến mình sau này chỉ là số tiền mình đã kiếm được hay các vụ đầu tư thành công. Giới đầu tư có nhiều cám dỗ và tôi luôn cố gắng giữ sự chính trực, liêm chính. Ba giá trị cốt lõi của các quỹ SAM quản lý chính là Hiệu quả, Liêm chính, Trách nhiệm.

Xem thêm bài viết về: Ông Nguyễn Thế Lữ - Louis Nguyen
Cẩm Tú (Nhịp Cầu Đầu Tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.