Nhà nước cần rút ngắn khoảng cách giữa lời nói và việc làm trong hoàn thiện thể chế kinh tế để khu vực doanh nghiệp tư nhân có đất phát triển và cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc kêu gọi.

Ông Vũ Tiến Lộc mong muốn có 5 triệu doanh nghiệp tư nhân tới năm 2020. Ảnh TH.

Tại Đại hội Thi đua yêu nước Khối doanh nghiệp, doanh nhân toàn quốc lần thứ nhất do VCCI tổ chức sáng nay, ông Lộc nhắc lại sự kiện chỉ mới cách đây ba ngày, tại Atlanta, Hoa Kỳ, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc đàm phán.

“Đây là niềm vui và cũng là nỗi lo của tất cả chúng ta. Cơ hội nhiều mà thách thức cũng vô cùng lớn. Cạnh tranh sẽ khắc nghiệt hơn,” ông nói.

Ông nhận xét, TPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là trận tuyến của các doanh nghiệp, là chiến trường của các doanh nhân. Sự thành bại của một nền kinh tế trong hội nhập được quyết định bởi sức mạnh của đội ngũ doanh nhân. Doanh nhân là người lính xung trận và Nhà nước là hậu phương vững chắc.

Tuy nhiên, ông Lộc khẳng định, đất nước vẫn chưa giàu và hàng chục triệu người dân lam lũ ở cả nông thôn và thành thị vẫn đang thiếu việc làm, vẫn chưa có được cái “cần câu” để có thể thoát nghèo. Công cuộc đổi mới kinh tế vẫn chưa tới đích, mang lại sự giàu mạnh, phồn vinh cho đất nước và cho tất cả mọi người.

Ông nói: “Cả bộ máy chính trị có trách nhiệm hậu thuẫn cho đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp làm giàu và tạo cơ hội việc làm cho những người lao động. Phong trào thi đua yêu nước trong thời đại mới cần có quan điểm mới: làm giàu chân chính là yêu nước. Và ai cản trở sự nghiệp làm giàu chân chính của người dân là có tội với đất nước này.”

Ông cho rằng, muốn cho dân làm giàu, Nhà nước có trách nhiệm tạo ra một thể chế tốt, khuyến khích cạnh tranh sáng tạo và công bằng. Tuy nhiên, trên thực tế đang còn rất nhiều việc cần làm.

Sự thành bại của doanh nghiệp trong cuộc hội nhập với thế giới được quyết định không chỉ bởi khuôn khổ pháp luật, định hướng hay chính sách vĩ mô từ tầm Chính phủ, ở cấp trung ương mà còn được quyết định bởi những hành vi công vụ hàng ngày từ cấp xã phường, từ chị văn thư, anh hộ tịch...

Ông nhận xét, "khoảng cách giữa lời nói và việc làm còn xa."

Vì vậy, theo ông Lộc, thách thức lớn nhất của công cuộc cải cách hành chính là khép lại khoảng cách giữa lời nói với việc làm, làm sao cho quyết tâm và chương trình đổi mới được quyết định từ cấp trung ương phải trở thành hành vi của đội ngũ công chức ở cơ sở. Một chính quyền vì dân phải hiện hữu trong thái độ tận tâm của từng công chức.

Theo VCCI, hiện tại có gần 500.000 doanh nghiệp, hơn 15.000 trang trại và hợp tác xã, trên 4 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động trên cả nước. Về số lượng, vào thời điểm hiện nay, bình quân 200 người dân mới có một doanh nghiệp, trong khi ở các nền kinh tế phát triển cao, 15-20 người dân là có một doanh nghiệp.

Có tới 96-97% các doanh nghiệp trong nền kinh tế nước ta có qui mô nhỏ và siêu nhỏ.

Ông kêu gọi: “Một cuộc cách mạng về khởi nghiệp cần phải bắt đầu, và có được con số 5 triệu doanh nghiệp trong tương lai xa và 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020 phải là mục tiêu hướng tới.”

Ông cho rằng, cần có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đạt tầm cỡ trong khu vực ASEAN, châu Á và thế giới. Tháng 9 vừa qua, trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ do tạp chí Forbes công bố, chỉ có một doanh nhân người Việt được xếp ở vị trí 149.

Ông nói, doanh nhân của chúng ta đã thành công ở Hoa Kỳ. Một số doanh nhân nước ta cũng bắt đầu được xếp thứ hạng cao trong các nước châu Á và ASEAN. Nhưng những gương mặt đó chưa nhiều. Và để có được những doanh nghiệp, doanh nhân và thương hiệu hàng đầu cần những nỗ lực đột phá từ cả hai phía: từ cộng đồng kinh doanh và từ Nhà nước.

Theo ông, đội ngũ doanh nhân cần phải được xốc lại để vươn tới những chuẩn mực toàn cầu, để có thể cạnh tranh thắng lợi. Nhà nước phải đẩy mạnh cải cách thể chế để hậu thuẫn cho đội ngũ doanh nhân. Mệnh lệnh “đột phá để đổi mới”, để bắt kịp thiên hạ, lại một lần nữa vang lên sau chặng đường ba thập kỷ nền kinh tế nước ta chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam, khẳng định vai trò của đội ngũ doanh nghiệp dân doanh đã thay đổi đáng kể sau ba thập kỷ đổi mới. Chẳng hạn, Hà Nội đã có gần 100.000 doanh nghiệp dân doanh hiện nay, nhiều hơn nhiều so với con số 5.000 doanh nghiệp năm 1996. Trên bình diện cả nước, doanh nghiệp tư nhân tạo ra 60% việc làm.

Đại hội đã phát động phong trào thi đua yêu nước trong kinh doanh, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị.

Nghị quyết đặt ra mục tiêu: “Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu; không ngừng phát triển, phấn đấu đến năm 2020 có một số doanh nhân, doanh nghiệp có thương hiệu đạt tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.”

Tư Giang (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Chủ tịch VCCI: Khoảng cách giữa lời nói và việc làm còn xa

    Chủ tịch VCCI: Khoảng cách giữa lời nói và việc làm còn xa

    08/10/2015 10:30 PM

    Nhà nước cần rút ngắn khoảng cách giữa lời nói và việc làm trong hoàn thiện thể chế kinh tế để khu vực doanh nghiệp tư nhân có đất phát triển và cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc kêu gọi.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.