"Cải cách được hay không, đất nước cạnh tranh được hay không là nhờ vào luật này. Do đó cần dày công, chưa ổn thì làm tiếp", ông Nguyễn Sinh Hùng quyết liệt khi Quốc hội bàn về Luật Đầu tư sáng 9/9.

Lần thứ 3 được mang ra thảo luận tại Ủy ban Thường vụ với mục tiêu hoàn tất trình ra Quốc hội tại kỳ họp cuối tháng 10 tới, câu chuyện xung quanh các ngành nghề kinh doanh có điều kiện vẫn là nội dung chính được các đại biểu mổ xẻ tại Luật Đầu tư (sửa đổi).

ctqh-nguyen-sinh-hung-2932-1410251163.jp

Chủ tịch Quốc hội cho rằng các văn bản khác ngoài Luật Đầu tư không được phép hạn chế quyền kinh doanh.

Theo Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, mục tiêu chính của dự luật là quy định cho được danh mục các ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Trong khi đó, quá trình rà soát cho thấy rất nhiều ngành nghề đòi hỏi điều kiện rất phi lý mới được kinh doanh. Do vậy, bà cho rằng Chính phủ tới đây cần rà soát một lần nữa, công bố danh mục có điều kiện bằng một nghị định.

Tuy vậy, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng chưa yên tâm. Ông hỏi thẳng: "Nếu không quy định trong luật mà giao cho Chính phủ quy định thì liệu có đúng không?”.

Với tinh thần sửa luật để tạo ra cải cách thật sự ông Hùng tha thiết đề nghị các đại biểu phải dày công với dự luật này. Ông nói: "Cải cách được hay không, đất nước cạnh tranh hay không là nhờ vào luật lần này. Do vậy, nếu thấy chưa ổn thì làm tiếp, đến tháng 5 sang năm hãy trình Quốc hội thông qua, thay vì cuối năm như dự kiến”, vị này đề nghị.

Chủ tịch Quốc hội tâm sự từng chột dạ khi nghe Bộ trưởng Tư pháp nói luật phát Việt Nam phức tạp nhất thế giới. "Tôi hy vọng Bộ trưởng chỉ lỡ lời. Song giờ nếu rà soát xuống tận cấp tỉnh, cấp huyện thì sự phức tạp ấy, có khi còn hơn", ông thừa nhận. Những quy định của các lãnh đạo địa phương mới đây như phải uống bia trong tỉnh sản xuất, phải mua xi măng địa phương làm được... là những ví dụ được ông Nguyễn Sinh Hùng đưa ra để chứng minh cho sự phức tạp ấy.

Đại biểu Trần Du Lịch dẫn chứng về hệ thống luật pháp phức tạp của Mỹ vẫn được thực thi trơn tru vì được quy định minh bạch, thi hành bởi bộ máy công tâm. Lợi ích của doanh nghiệp cũng được xem là lợi ích quốc gia nên không ai phàn nàn. "Trong khi ở Việt Nam, ai hiểu luật thế nào cũng được, bộ máy lại vận dụng quy định để “làm ăn”. Doanh nghiệp họ bảo đừng quấy rối đã là hỗ trợ lớn lắm rồi. Thế nên nếu chỉ sửa luật mà bộ máy vẫn vậy thì tôi cam đoan không thể cải thiện được môi trường đầu tư”, thành viên Ủy ban Kinh tế này nhấn mạnh.

Theo ông, điều kiện kinh doanh dù được quy định ở luật này hay các luật chuyên ngành đều không phải mấu chốt, mà bản chất nằm ở vấn đề thực thi. Quan điểm của ông là luật này không nên quy định điều kiện vì đã có trong các văn bản chuyên ngành.

“Nếu để điều kiện kinh doanh ở luật chuyên ngành thì cơ quan soạn thảo nào chả muốn bảo vệ “sân” của mình. Thế thì sao nói sửa luật lần này để đảm bảo quyền tự do kinh doanh”, Chủ tịch Quốc hội tranh luận. Vị này cho rằng không ai được đặt ra điều kiện, cấm kinh doanh ngoài luật này, trừ khi phát sinh ngành nghề mới thì lúc đó Quốc hội sẽ xem xét.

Chủ tịch một lần nữa yêu cầu Chính phủ tiếp tục rà soát lại để bãi bỏ các điều kiện bất hợp lý. “Nếu cần thì Quốc hội sẽ làm rọng tài để Bộ kế hoạch đầu tư cãi nhau với các bộ khác xem giữ cái nào, bỏ cái nào”, Ông Nguyễn Sinh Hùng chốt lại.

Trước đó, theo rà soát mới nhất của Bộ Kế hoạch & Đầu tư - cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật, hiện vẫn còn 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh và 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại 391 văn bản pháp luật. Sau khi xem xét, cơ quan đề nghị thu hẹp lại còn 11 ngành, nghề cấm đầu tư kinh và 326 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Chí Hiếu (VnExpres)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.