Điềm đạm, bình tĩnh, nhã nhặn, trí nhớ siêu việt… là những gì báo chí phương Tây bình luận về tính cách của Chủ tịch nước - Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, từ bài viết của Melinda Liu (Newsweek), Matthew Forney (Time), Joseph Kahn (New York Times) đến Henry Chu (Los Angeles Times). Thăng tiến nhanh trong sự nghiệp chính trị (trẻ tuổi nhất ở hầu hết cương vị được bổ nhiệm), Hồ Cẩm Đào là “một trong những gương mặt hứa hẹn nhất của thế hệ thứ tư” – như lời cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bìn
Chân dung Hồ Cẩm Đào
Chủ tịch nước - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.
Một chính trị gia lão luyện

Trong chính trường Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào là một trong những chính trị gia có nhiều kỷ lục: Bí thư tỉnh ủy trẻ nhất (tỉnh Quý Châu, lúc 42 tuổi); người duy nhất không thuộc thành phần quân đội nắm chức bí thư (khu ủy khu tự trị Tây Tạng); người trẻ nhất có mặt trong nhóm 7 thành viên thường trực Bộ Chính trị (1992)… Sinh ngày 21-12-1942 tại tỉnh An Huy, vùng “địa linh nhân kiệt” Huy Châu (nơi có nền văn hóa đậm tính truyền thống được gọi trọng thị là “nền văn hóa Huy Châu”), Hồ Cẩm Đào là hậu duệ dòng dõi họ Hồ hiển hách lịch sử.

Một trong những tổ phụ nổi tiếng là Hồ Tông Ninh (Hu Zongxian), người từng đánh bại cướp biển Nhật và được vua Gia Tịnh (Jia Qing - triều Minh) phong quan bát phẩm. Năm 48 tuổi, Hồ Tông Ninh được phong thượng thư bộ binh và được giao nhiệm vụ dạy học cho thái tử. Bị một tên quan ganh tỵ làm giả chỉ dụ vua, Hồ Tông Ninh bị tù và chết trong quên lãng năm 1565. 30 năm sau, ông mới được phục hồi danh dự và được nhìn nhận là một trong những người đóng góp nhiều nhất cho triều Minh (theo Melinda Liu - Newsweek).

Đời cụ cố Hồ Cẩm Đào, gia đình kinh doanh trà, rời làng Long Xuyên (Jixi – nay là làng Đại Khanh Khẩu – Da Kengkou) lên Giang Tô. Tuy nhiên, Long Xuyên thường được nhắc nhở trong gia đình như là cội rễ không được phép quên. Khi Hồ Cẩm Đào học tại Giang Tô, cha ông (Hồ Tăng Ngọc – giáo viên tiểu học) luôn nhắc con mình ghi nguyên quán Long Xuyên-tỉnh An Huy trong lý lịch cá nhân…

Mê đọc sách và học giỏi, Hồ Cẩm Đào đậu Đại học Thanh Hoa năm 17 tuổi. Khi sắp tốt nghiệp, ông được kếp nạp Đảng (22 tuổi). Thời gian học đại học Thanh Hoa, sinh viên nam ít tuổi nhất lớp Hồ Cẩm Đào quen nữ sinh trẻ nhất lớp Lưu Vĩnh Thanh và sau đó hai người thành hôn. Năm 1965, ông tốt nghiệp, với chuyên ngành thủy điện. Năm 1968, ông được chuyển đến Cam Túc phụ trách công trình đập Lưu Gia Hiệp và xây nhà cho dân nghèo.

Tại đây, ông gặp bí thư tỉnh ủy Cam Túc – Tống Bình (Song Ping) – và tạo ấn tượng tốt với tinh thần cầu tiến cũng như trí nhớ siêu việt (có thể nhớ và miêu tả chính xác bất kỳ vùng nào trong khu vực đến mức Tống Bình gọi ông là “bản đồ Cam Túc biết đi”!). Sau Cách mạng văn hóa, được rút về Bắc Kinh, Tống Bình tiếp tục hỗ trợ sự nghiệp chính trị của Hồ Cẩm Đào.

Năm 1982, Tống Bình giúp đề cử Hồ Cẩm Đào vào Ủy viên Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Trung Quốc, Ủy viên Thường vụ, Bí thư Ban bí thư đoàn. Cùng sự hỗ trợ của cơ quan ngôn luận đoàn – tờ Thanh Niên Trung Quốc nhật báo, Hồ Cẩm Đào thực hiện hàng loạt chương trình cải cách trong đời sống thanh niên cũng như sinh hoạt đoàn, tổ chức tuyên truyền thông qua những vũ hội được giới trẻ nồng nhiệt hưởng ứng.

Tháng 7-1985, Hồ Cẩm Đào được bổ nhiệm giữ chức Bí thư thứ nhất tỉnh Quý Châu. Tại đây, ông tiếp tục thực hiện loạt cải cách và nổi tiếng với phong cách “nói ít làm nhiều” và thái độ khiêm tốn (hạn chế tiếp xúc báo chí). Có lần, trong chuyến công tác thực địa, Hồ Cẩm Đào ghé nhà một người bạn thời Đại học Thanh Hoa. Người bạn vắng nhà, Hồ Cẩm Đào uống trà và nói chuyện với bố mẹ người bạn suốt hai tiếng mà không hề tiết lộ mình là lãnh đạo địa phương.

Chỉ khi ông đi, gia đình người bạn mới biết ông là bí thư tỉnh (!) – theo lời kể của Fred Hu, giám đốc chi nhánh công ty Goldman Sachs tại Hong Kong, người quen Hồ Cẩm Đào trong nhiều năm. Tính cách này là thể hiện của một con người “thông minh có tầm chiến lược” – nhận xét của Sebastian Heilmann, nhà Trung Quốc học thuộc Đại học Trier (Đức). Cần nhắc lại, Quý Châu là thử thách chính trị đầu tiên. Tháng 10-1988, học viên bổ túc Đại học Quý Châu xung đột với sinh viên chính qui và vụ việc căng thẳng đến mức tạo ra cuộc biểu tình rầm rộ. Hồ Cẩm Đào giải quyết êm.

Tinh thần dân tộc

Sau vụ Quý Châu, Hồ Cẩm Đào được đánh giá cao và cuối năm 1988 ông được bổ nhiệm làm Bí thư Khu ủy Khu tự trị Tây Tạng (rồi sau đó là Chính ủy Khu tự trị Tây Tạng). Tại Lhasa (Tây Tạng), một lần nữa, ông cũng giải quyết êm thắm cuộc bạo loạn của thành phần quá khích, bình tĩnh đến tu viện Shigatse thuyết phục Panchen Lama (vị chức sắc tôn giáo cao nhất Tây Tạng). Năm 1992, tại Đại hội đảng 14, Hồ Cẩm Đào được đưa vào thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Bí thư Trung ương.

Một năm sau, ông giữ chức hiệu trưởng Trường đảng Trung ương (trường này gần đây mở rộng quan hệ với nhiều đại học phương Tây trong đó có Đại học Harvard-Mỹ, trong đề án nghiên cứu chiến tranh lạnh và tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ-Trung). Trong môi trường mới, ông lại thực hiện cải cách (lắp đặt hệ thống Internet cho trường và khuyến khích nghiên cứu rộng nhiều đề tài…). Tháng 3-1998, ông được bầu làm Phó Chủ tịch nước. Tháng 9-1999, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương và tháng 10-1999 trở thành Phó Chủ tịch Hội đồng quân sự trung ương…

Trong nước, Hồ Cẩm Đào là đại diện cho tinh thần dân tộc. Xin nhắc lại, ông là viên chức cao cấp chính phủ đầu tiên xuất hiện trên truyền hình, lên án việc quân đội Mỹ thả bom “nhầm” Tòa đại sứ Trung Quốc tại Belgrade (trong cuộc chiến Mỹ tấn công Liên bang Nam Tư tháng 5-1999). Và cũng chính ông ra sân bay Bắc Kinh đón một trong những người Trung Quốc sống sót từ vụ trên. Trên chính trường thế giới, Hồ Cẩm Đào được kính nể và được giới chính khách quốc tế tôn trọng – một phần nhờ khả năng nhớ siêu đẳng của mình.

Trong một lần gặp Tổng thống Pháp Jacques Chirac, Hồ Cẩm Đào đã gây ấn tượng mạnh khi liệt kê vanh vách các con số thống kê về tình hình kinh tế Nhật Bản. Trong chuyến kinh lý đầu tiên đến Tây Âu, ông cũng gây ấn tượng mạnh với trí nhớ siêu việt khi trình bày hết vấn đề này sang vấn đề khác như thể “đọc từ quyển sổ tay” – lời kể của Matthew Forney (Time). Và trong chuyến sang Mỹ tháng 5-2002, ông lại làm kinh ngạc giới khoa học nước này khi thể hiện kiến thức chuyên ngành với hàng lô từ vựng kỹ thuật chuyên dụng liệt kê một cách chính xác, trong một chuyến khảo sát thực địa…

Một trong những chủ trương đầu tiên khi nhậm chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc của Hồ Cẩm Đào trong chấn chỉnh nội bộ đảng là cấm tổ chức những sự kiện tốn kém, chẳng hạn lễ tiễn và lễ đón viên chức cấp cao công cán nước ngoài. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng nhấn mạnh vấn đề xóa khoảng cách giàu nghèo và sự phát triển không cân đối giữa khu vực thị tứ và vùng xa.

Năm 2004, Hồ Cẩm Đào ra lệnh tất cả cán bộ cao cấp ngưng đến khu nghỉ mát truyền thống Bắc Đại Hà (Beidaihe) cho chương trình họp hàng năm đồng thời khuyến khích thế hệ trẻ tiên phong trong tuyên truyền đường lối chủ nghĩa cộng sản. Tờ Nhân Dân Nhật Báo ngày 19-1-2005 đã trích lời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trong diễn văn kêu gọi Trung Quốc “phải tăng cường tư duy chính trị cho sinh viên đại học nhằm đề cao sức mạnh quản lý của Đảng”.

Asia Times cho biết tổng đầu tư nước ngoài của Trung Quốc đã vọt lên 33,4 tỉ USD vào cuối năm 2004 và các công ty quốc doanh chiếm 43% (công ty liên doanh chiếm 22%, công ty tư nhân chiếm 10% và công ty vốn nước ngoài chiếm 5%...). Sân chơi chủ lực Trung Quốc là châu Á, trong đó không chỉ tại các nước đang phát triển mà ở cả nước công nghiệp cực giàu như Nhật. Hơn 80% quốc gia-khu vực châu Á đã có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp từ Trung Quốc. Tại Hàn Quốc và Nhật, nhiều công ty suy yếu đã được Trung Quốc mua, chẳng hạn nhà máy lọc dầu Inchon của Hàn Quốc.

Tính đến cuối năm 2004, tổng vốn đầu tư của 3.439 công ty Trung Quốc đã vọt lên 33,4 tỉ USD (276 tỉ nhân dân tệ), rải rác trên 139 quốc gia-lãnh thổ. Theo Asia Times, ba năm qua, số công ty Trung Quốc mua cổ phần trong công ty Nhật ngày càng nhiều. Năm 2002, người khổng lồ Shanghai Electric Group Corp (SEC-chuyên gia thiết bị điện gia dụng) đã đặt chân vào Nhật, mua Akiyama Printing Machinery Manufacturing Corp (sản xuất máy in) và đổi thành Akiyama International Co, Ltd (AIC). Gần đây nhất, một công ty dầu Trung Quốc còn trúng thầu mua công ty dầu Mỹ Unocal...

Theo Mạnh Kim (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • TQ thay lãnh đạo, tại sao quan trọng với thế giới?

    TQ thay lãnh đạo, tại sao quan trọng với thế giới?

    08/11/2012 1:08 PM

    Tháng tới, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và hầu hết các nhà lãnh đạo đảng của Trung Quốc sẽ bắt đầu chuyển giao quyền lực cho những người kế nhiệm trong cuộc thay đổi cả thập kỷ.

  • Chân dung Hồ Cẩm Đào

    Chân dung Hồ Cẩm Đào

    27/12/2011 10:03 AM

    Điềm đạm, bình tĩnh, nhã nhặn, trí nhớ siêu việt… là những gì báo chí phương Tây bình luận về tính cách của Chủ tịch nước - Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, từ bài viết của Melinda Liu (Newsweek), Matthew Forney (Time), Joseph Kahn (New York Times) đến Henry Chu (Los Angeles Times). Thăng tiến nhanh trong sự nghiệp chính trị (trẻ tuổi nhất ở hầu hết cương vị được bổ nhiệm), Hồ Cẩm Đào là “một trong những gương mặt hứa hẹn nhất của thế hệ thứ tư” – như lời cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bìn

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.