Giáo Hoàng Benedict XVI có lúc được gán cho danh hiệu là “Chó săn của Chúa” (God"s Rottweiler), nhưng trong nhiệm kỳ chủ chiên hiện nay, Ngài thường xuyên phải ở trong thế phòng ngự.

Chân dung: Giáo Hoàng Benedict XVI


Hồng y Joseph Ratzinger, trước khi được bầu chọn làm Giáo hoàng, là giáo viên dương cầm và đang tính tới chuyện về hưu thì Giáo hoàng John Paul II qua đời hồi năm 2005. Ngài nói rằng Ngài không bao giờ muốn làm Giáo Hoàng cả.


Nhưng Ngài đã dẫn dắt Giáo hội Thiên Chúa Giáo La Mã giữa lúc một trong các trận bão dữ dội nhất từ bao thập niên nay đã ập đến ngôi nhà Giáo hội: đó là vụ bê bối ấu dâm của các linh mục.


Một làn sóng các vụ cáo buộc, thưa kiện và báo cáo chính thức đã lên tới đỉnh điểm hồi năm 2009 và 2010.


' Tội lỗi ở tại lòng ta'


Lời cáo buộc gây thiệt hại nặng nề nhất đối với Giáo hội chính là các giáo xứ - hoặc thậm chí ngay cả Vatican - đồng lõa để bao che nhiều vụ ấu dâm này, lấp liếm không chịu trừng phạt các tu sĩ bê bối và đôi khi còn thuyên chuyển họ đến các chức vụ khác và tại đó, họ tiếp tục bê bối.


Lúc đầu, một số nhân vật cao cấp của Vatican đã công kích giới truyền thông hoặc đã phản bác là có một âm mưu bài bác Thiên Chúa giáo, nhưng sau đó, Giáo Hoàng Benedict đã nhấn mạnh rằng Giáo hội phải nhận trách nhiệm và Ngài còn chỉ ra rằng “tội lỗi này ở bên trong ngôi nhà của Chúa”.


Ngài đã gặp các nạn nhân và công bố một lời xin lỗi chưa từng có gởi đến cho họ, trong đó, Ngài hứa sẽ có biện pháp và nói rõ rằng các giám mục phải báo cáo các vụ lạm dụng cho chính quyền thế tục địa phương.


Nếu như ông Ratzinger không làm Giáo Hoàng, thì ông sẽ làm giáo sư đại học

John L Allen, chuyên viên về Vatican

Hồng y Ratzinger đã nắm giữ trong 24 năm trời một trong các chức vụ cao cấp nhất của Tòa thánh Vatican: đó là Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, trước đây được biết dưới tên gọi là Tòa Án Dị Giáo.

Trong cương vị này, Ngài được coi là người “chấp pháp” cho Giáo hoàng John Paul II, và là nhân vật cao cấp nhất xem xét đến các vụ vi phạm trong Giáo hội.


Những người chỉ trích Giáo hội nói rằng Ngài không “nắm” trọng tâm của các tội ác này và đã “ngâm” các vụ này trong nhiều năm mà không chú tâm gì tới, hoặc thậm chí đã cố tình làm ngơ số phận của các nạn nhân vì muốn đề cao chính Giáo hội.


Ngài chưa bao giờ công bố đích thực nội dung của các vụ vi phạm này.


Tuy nhiên, phe ủng hộ Ngài nói rằng Ngài đã làm nhiều hơn các vị Giáo hoàng tiền nhiệm trong việc giáp mặt với vụ vi phạm.


Ngay trước khi được bầu chọn làm Giáo hoàng hồi năm 2005, Ngài đã than thở: “Không biết có bao nhiêu điều ô trọc trong Giáo hội, thậm chí trong hàng ngũ tu sĩ.”


Và một trong các biện pháp đầu tiên khi lên ngôi Giáo hoàng, Ngài đã loại trừ một nhân vật nổi bật trong Giáo hội, Cha Marcial Maciel, mà các thành tích về tình dục và tội ác, lúc đó, bắt đầu được phơi bày ra trước ánh sáng.


Sơ yếu lý lịch


Joseph Ratzinger sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề nông tại vùng Bavaria, Đức, hồi năm 1927, mặc dù thân phụ của Ngài là một nhân viên cảnh sát.


Ngài là người Đức thứ tám lên làm Giáo hoàng, nói được nhiều thứ tiếng và yêu thích nhạc của Mozart và Beethoven.


Chân dung: Giáo Hoàng Benedict XVI
Giáo hoàng Benedict đã khôi phục tập tục đội mũ tại Vatican

Nghe nói là khi mới lên năm, Joseph Ratzinger đã trầm trồ áo màu đỏ thẫm của Tổng giám mục Munich và cậu bé Joseph khi lớn lên đã đem sự ưa thích y phục chỉnh tề đến Vatican, là nơi mà Ngài đã tung ra mốt đội mũ, một cái mốt đã bị lãng quên từ bao thập niên trước.

Khi được 14 tuổi, Joseph Ratzinger đã gia nhập đoàn Thiếu Niên Hitler, cũng như bao nhiêu thanh thiếu niên người Đức cùng thời bị buộc phải gia nhập.


Chàng tu sĩ trẻ Joseph Ratzinger đã phải ngưng theo học tại chủng viện Traunstein để gia nhập một đơn vị phòng không tại Munich khi Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ.


Joseph Ratzinger đã bỏ ngũ vào cuối Thế Chiến và bị quân đội Đồng Minh bắt làm tù binh chiến tranh hồi năm 1945.


Quan điểm bảo thủ, truyền thống của Giáo hoàng đã củng cố hơn lên vì kinh nghiệm bản thân trong thời gian có xu thế phóng khoáng trên toàn cầu vào thập niên 1960.


Ông đã giảng dạy tại trường đại học Bonn từ năm 1959 và đến năm 1966, ông đảm trách phân khoa thần học tại trường đại học Tuebingen.


Tuy nhiên, ông vô cùng sửng sốt khi nhận thấy học thuyết Mác chiếm một vị trí cao trong tư duy của các sinh viên đang theo học với ông.


Theo quan điểm của ông, tôn giáo đã bị phụ thuộc vào tư tưởng chính trị mà ông coi là “độc đoán, thô bạo và tàn nhẫn”.


Sau đó, đáng lý ông là một nhân vật hàng đầu chống lại chủ thuyết giải phóng (liberation theology), tức là phong trào đem Giáo hội vào các hoạt động xã hội, mà theo ông là quá gần với chủ nghĩa Mác.


Mềm mỏng và khiêm nhường


Vào năm 1969, ông về giảng dạy tại trường đại học Regensburg tại quê nhà của ông là bang Bavaria và được thăng lên làm khoa trưởng và sau đó là phó chủ tịch.


Ông được Giáo hoàng Paul VI thụ phong làm Hồng y Munich hồi năm 1977.


Vào năm được 78 tuổi, Joseph Ratzinger là vị Hồng y cao niên nhất được bầu chọn làm Giáo hoàng sau Giáo hoàng Clement XII hồi năm 1730.


Sự nghiệp Giáo hoàng của Ngài không dễ dàng chút nào sau người tiền nhiệm, vốn là một nhân vật nổi bật và có sức lôi cuốn khá cao.


"Nếu như John Paul không làm Giáo hoàng, thì ông sẽ là một ngôi sao điện ảnh; nếu Benedict không làm Giáo hoàng, thì ông sẽ là một giáo sư đại học,” chuyên viên người Mỹ về Vatican John L Allen đã viết như trên.


"Chúng ta khôn g ngạc nhiên khi John Paul thu hút cả thế giới, trong lúc Benedict có vẻ như đứng xa khỏi con đường xưa có sẵn."


Benedict được một số người có quen biết mô tả như là một nhân vật “an nhiên tự tại” với lối cư xử mềm mỏng và khiêm nhường, nhưng có một căn bản đạo đức rất vững chắc”.


Nói cách khác, một vị hồng y đã gọi Giáo hoàng là một nhân vật ”e lệ nhưng rất cứng đầu”.


Ngài nổi tiếng là rất bảo thủ trong lãnh vực thần học, và có quan điểm không khoan nhượng về đồng tính luyến ái, phụ nữ làm linh mục và về ngừa thai.


Ngài có lòng trắc ẩn Thiên Chúa Giáo và mới đây Ngài đã lên tiếng chống lại việc Pháp trục xuất các người du mục và chống lại các vụ vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc và tại khắp nơi trên thế giới.


Ngài lên tiếng chỉ trích cuộc chiến do Mỹ cầm đầu tại Iraq, và kêu gọi thế giới khẩn trương hơn trong việc bảo vệ môi trường và tranh đấu chống lại nạn nghèo đói.


Sai lầm về giao tế


Một chủ đề trong nhiệm kỳ Giáo hoàng hiện nay của Ngài là bảo vệ các giá trị căn bản của đạo Thiên Chúa trước điều mà Ngài coi là tình trạng suy đồi đạo đức khắp Âu Châu.


Nhưng Ngài đã làm bẽ bàng nhiều người trông đợi Ngài bổ nhiệm các nhân vật có lập trường cứng rắn vào các chức vụ then chốt. Thay vào đó, Ngài đã bổ nhiệm các nhận vật có lập trường trung dung.

Ngoài ra, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về các nhân vật đã cố vấn cho Ngài, sau một chuỗi các thảm cảnh về giao tế.


Chẳng hạn như hồi năm 2006, tín đồ Hồi giáo đã lấy làm bực tức vì Ngài đã trích một câu nói của một vị hoàng đế Byzantine hồi thế kỷ 14, theo đó, Đấng Tiên Tri Muhammad đã đem lại cho thế giới toàn những chuyện “xấu xa và không có tính người”.


Sau đó, người Do Thái đã sửng sốt khi một nhóm giám mục chủ trương ly khai đã được nhận trở lại Giáo hội, trong đó có một giám mục đã từng nói rằng không hề có vụ tàn sát người Do Thái.


Do đó, chủ đích của Ngài muốn cải thiện tình liên đới giữa các tôn giáo đã bị tổn thương trầm trọng.


Và Ngài thậm chí đã làm phật lòng các tín đồ Thiên Chúa Giáo khi Ngài cho phép các tín đồ Anh Quốc Giáo bỏ đạo được phép sang Công Giáo mà không cần phải bàn thảo gì với Giáo Hội Anh Giáo trước.


Giữa lúc vụ bê bối xâm hại tình dục lên cao điểm, các Hồng y cao cấp đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ khi cho rằng các cáo buộc là “chuyện không có gì mà phải ầm ỹ”, và còn nói rằng có một sự liên kết giữa đồng tính luyến ái và tệ nạn ấu dâm.


Giới theo dõi sinh hoạt của Vatican nói rằng dường như Giáo Hội Công Giáo không có một chiến lược truyền thông nào để đối phó với cơn khủng hoảng mà trái lại đã tạo ra những trận hỏa hoạn nhanh hơn là dập tắt các đám cháy.


Mặc dù các đám cháy này dường như đe dọa quyền uy của Giáo Hội Công Giáo, nhưng dường như Giáo Hoàng Benedict không giải quyết nổi các cơn khủng hoảng này bằng cách dung hòa với thế giới hiện đại.


Giáo Hoàng Benedict lúc nào cũng tin tưởng rằng sức mạnh của Giáo Hội đến từ một sự thật tuyệt đối mà không có gì lay chuyển nổi.


Tư duy này làm thất vọng những người theo chủ trương Giáo Hội Công Giáo cần phải canh tân hóa và thay đổi lập trường về chuyện các linh mục cần sống một cuộc đời độc thân và về bao cao su ngừa thai.


Nhưng đối với phe ủng hộ Ngài, thì Ngài chính là người để dẫn dắt Giáo Hội vượt qua thời buổi đầy thách thức như lúc này.

Theo BBC
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Chân dung: Giáo Hoàng Benedict XVI

    Chân dung: Giáo Hoàng Benedict XVI

    28/12/2011 7:03 AM

    Giáo Hoàng Benedict XVI có lúc được gán cho danh hiệu là “Chó săn của Chúa” (God"s Rottweiler), nhưng trong nhiệm kỳ chủ chiên hiện nay, Ngài thường xuyên phải ở trong thế phòng ngự.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.