Với CEO Đặng Thành Tâm, thất bại luôn song hành với thành công nhưng doanh nghiệp phải biết nắm bắt cơ hội trong khủng hoảng, mạnh dạn đầu tư từ trong lòng khủng hoảng.

Từng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam 2007, tiếp tục đứng trong Top 5 người giàu nhất trong hai năm 2008-2009 và một thống kê sơ bộ cuối tháng 9/2010 cho thấy, ông Đặng Thành Tâm vẫn vững vàng ở vị trí thứ 3 đã có trong những năm qua. Tuy nhiên, 2010 cũng là năm xảy ra nhiều chuyện ồn ào quanh ông, khi các dự án lớn, các doanh nghiệp mà ông nắm giữ liên tục có "chuyện để nói".


Chiều 22/12, ông Đặng Thành Tâm đã có mặt tại toà soạn Báo VietNamNet để chia sẻ với bạn đọc những trải nghiệm cuộc sống, kinh doanh và cả chuyện gia đình.


Ở phần đầu của cuộc trò chuyện này, ông Đặng Thành Tâm đã chia sẻ những khó khăn, thách thức trong năm 2010, đồng thời nhìn nhận trong "nguy" có "cơ", chính khủng hoảng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam làm giàu.


Mời độc giả nghe lại toàn bộ buổi trực tuyến bên tay phải.


Nhà báo Lê Vũ Phong: Thưa toàn thể bạn đọc, hôm nay chúng ta sẽ giao lưu với ông Đặng Thành Tâm, người được bạn đọc biết đến nhiều nhất với danh hiệu người giàu trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhưng chúng tôi xin nhấn mạnh, ông Đăng Thành Tâm là một doanh nhân thành đạt trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật là các dự án lớn về đầu tư khu công nghiệp, công nghệ cao và xúc tiến đầu tư. Chúng ta cùng nghe ông Tâm chia sẻ một năm kinh doanh vừa qua, những kinh nghiệm làm ăn và tư vấn chuyện đời của một doanh nhân thành đạt.


Thưa ông Tâm, đây là thời điểm cuối năm, ông có thể nói gì về một năm vừa qua của ông?


Ông Đặng Thành Tâm: Trước tiên, tôi xin cảm ơn VietNamNet đã mời tôi đến giao lưu ngày hôm nay. VietNamNet là một tờ báo có uy tín trong lòng bạn đọc. Tôi xin gửi tới toàn thể quý vị độc giả và bạn hữu lời chúc mừng một năm mới hạnh phúc may mắn và thành đạt.


CEO Đặng Thành Tâm: Giàu một phần nhờ... khủng hoảng!

Năm 2010 trôi qua với những niềm bức xúc, cũng như rất nhiều buồn vui, cũng là một năm chúng ta chứng kiến nhiều sự đổi thay lớn, kể cả về chính sách của Nhà nước. Chính trong quá trình phát triển gặp nhiều khó khăn trong những năm qua giúp cho các doanh nghiệp VN trưởng thành lên, vững vàng lên. Tất nhiên, không ít doanh nghiệp đã vấp váp và không vượt qua được.


Đồng thời, thời gian khó khăn vừa qua cũng giúp cho những người làm chính sách thấu hiểu quá trình phát triển đất nước cần phải uyển chuyển, năng động, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập WTO. Việt Nam đã là thành viên của nhiều tổ chức thế giới nên sự phát triển của Việt Nam không còn là phát triển đơn lẻ của Việt Nam nữa mà hài hòa trong một khu vực.


Việt Nam đã ký hiến chương ASEAN. Và đến 2015, ASEAN sẽ hội nhập kinh tế, văn hóa, và tiến đến hội nhập về chính trị. Chúng ta sẽ sống trong cộng đồng 600 triệu dân chứ không phải gần 100 triệu dân. Trong quá trình phát triển đó, Đảng và Nhà nước phải tính toán thế nào để hội nhập thành công.


Năm 2010, chúng ta đã giữ vai trò chủ tịch ASEAN rất tốt. Chưa bao giờ ASEAN được tổ chức thành công như năm 2010. Điều đó giúp thế giới hiểu rõ hơn về Việt Nam. Thế giới nhìn rõ hơn, đánh giá cao hơn về Việt Nam. Những đánh giá đó sẽ đem lại kết quả cho 2011.


Vì thế, chúng ta tin tưởng rằng năm 2011 chúng ta sẽ gặt hái nhiều thành công hơn, quên đi được những khó khăn, gian nan của những năm 2008, 2009, kể cả 2010.


Ba thông điệp của năm 2010


Ông Đặng Thành Tâm: Năm 2010, ở Việt Nam, tuy kinh tế có tăng trưởng khá hơn một chút nhưng lạm phát cũng đặt một vấn đề rất lớn khiến cho Nhà nước, doanh nghiệp, và toàn dân hết sức quan tâm. Lạm phát đánh thẳng vào đời sống của mọi người, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất tới tầng lớp người nghèo nhất xã hội.


Thông điệp cơ bản năm 2010 là thông điệp liên quan tới động viên tất cả mọi người rằng thời kỳ khó khăn chúng ta đã cơ bản vượt qua một cách xuất sắc. Khi vượt qua giai đoạn khó khăn thì chúng ta sẽ đến giai đoạn khả quan hơn nhiều. Vậy tới giai đoạn khả quan này, chúng ta phải nắm bắt như thế nào để đưa được vị thế của Việt Nam lên cao hơn nữa?


CEO Đặng Thành Tâm: Giàu một phần nhờ... khủng hoảng!

Nếu chúng ta tăng trưởng 7-8%, họ cũng tăng trưởng 7-8% thì chúng ta vĩnh viễn không bao giờ vượt được họ. Thông điệp là chúng ta phải đi tắt đón đầu.


Đảng đã đưa ra nghị quyết là chúng ta định đi tắt đón đầu ở lĩnh vực công nghệ cao. Người ta hay nói công nghệ cao áp dụng nhiều ở Hoa Kỳ nhưng điển hình về công nghệ cao là Nhật bản, Đài Loan, Hàn Quốc và gần đây là Trung Quốc.


Trung Quốc mất 20 năm mới sản xuất được máy vi tính, điện thoại di động và sản phẩm công nghệ cao. Họ bắt đầu từ các ngành công nghiệp phụ trợ như vỏ máy tính, vỏ điện thoại di động nhưng sau 20 năm họ đã sản xuất được các thiết bị đó. Nhưng Việt Nam không thể chờ đợi 20 năm được. Chúng ta đi sau, chúng ta phải học tập. Chừng 7 năm nữa thôi, Việt Nam sẽ phải sản xuất được sản phẩm công nghệ cao.


Để làm được điều đó, thứ nhất Chính phủ phải ra ngay các quy định về các khu công nghệ cao, về các khu công nghiệp phụ trợ cho các ngành công nghệ cao và các ngành công nghiệp khác. Chính công nghiệp phụ trợ này sẽ giúp cho tỉ lệ nhập khẩu giảm đi, tỉ lệ nội địa hoá gia tăng.


Thông điệp thứ hai là Việt Nam giàu tài nguyên nhưng nhiều năm qua chủ yếu chỉ bán tài nguyên thô. Nếu chỉ bán tài nguyên thô, xuất khẩu lậu thì chẳng mấy con cháu chúng ta chẳng có gì để xài. Trong thông điệp tiếp theo đã được ghi rất rõ, trong dự thảo của Nghị quyết TW Đảng lần thứ 11 này, là chuyển từ khai thác khoáng sản sang khai thác khoáng sản và chế biến tạo sản phẩm có giá trị cao hơn, gia tăng giá trị xuất khẩu.


Thứ ba là Việt Nam là đất nước nông nghiệp với 70% dân số làm nông nghiệp. Với chính sách của Nhà nước là phát triển công nghiệp, dịch vụ thì hầu hết các thành phố lớn đời sống khá tốt. Làm sao để vùng quê nghèo có thể nâng cao chất lượng cuộc sống?


Tận dụng khủng hoảng để kinh doanh


Nhà báo Lê Vũ Phong: Trong các thông điệp ông đưa ra, các dự án, các doanh nghiệp của ông đang đi theo hướng đó đến mức độ nào và có những thành quả thế nào?


Ông Đặng Thành Tâm: Cũng phải nói thật không phải cái nào mong muốn cũng thành công.


Như chúng tôi cũng có nhiều khu công nghiệp, dù cố gắng cũng không phải con người tài năng đến mức cái gì cũng làm được. Ở Việt Nam, tỷ lệ các khu công nghiệp thành công và các khu công nghiệp lấp trên 50% chỉ chiếm 20% trong tổng số khoảng 250 khu công nghiệp cả nước.


CEO Đặng Thành Tâm: Giàu một phần nhờ... khủng hoảng!

Các khu công nghiệp của chúng tôi ở quanh Hà Nội, ở miền Bắc và xung quanh TP.HCM hoạt động khá tốt là vì ở đó cơ sở hạ tầng chung, cơ sở xã hội, con người, nhân lực, tài lực và nhiều vấn đề khác, thuận lợi cả đường không, đường biển thì nhà đầu tư vào nhiều. Tuy nhiên ở khu vực miền Trung chúng tôi cũng thất bại. Cho đến nay tôi có thể khẳng định là rất thất bại.


Phải đến 5, 7 khu công nghiệp ở đó đầu tư xong xuôi chờ ở đó cũng không có ai đến, nhưng không phải vì thế mà chúng ta nản. Chắc chắn rằng trong 1 khoảng thời gian tiếp theo khi đầu Hà Nội và TP.HCM đầy, người ta cũng phải tập trung vào miền Trung thôi.


Vì vậy, tôi không giấu giếm gì, cũng không tránh khỏi sự khó khăn như các doanh nghiệp khác đâu. Do đó, những thành công cũng mức độ mà thất bại thì không ai tránh khỏi.


Người ta nói thuyền to thì sóng lớn, cây càng cao thì bão đổ vào càng dễ hơn.


Nhà báo Lê Vũ Phong: Nói về khủng hoảng trong rất nhiều lần trao đổi, ông nói rất nhiều về tận dụng cơ hội trong khủng hoảng. Ông đã thành công với khủng hoảng ở Tân Tạo năm 97-98 và thành công với 1 số khu công nghiệp khác, khu dự án khác trong khủng hoảng năm 2007-2008. Ông có thể nói gì về tận dụng cơ hội trong khủng hoảng?


Ông Đặng Thành Tâm: Thứ nhất, tại sao ông cha ta phải nói rằng "có máu làm quan, có gan làm giàu", làm gì cũng phải có nhiệt huyết, có ý chí rất mạnh mẽ và phải có một sự mong muốn, một sự khát khao.


Sự cố gắng của con người luôn xảy ra vào những lúc khó khăn vì những lúc đó, giữa sự sống và cái chết, người ta mới phát huy được tiềm ẩn.


Thời kỳ khủng hoảng 97-98 đã dạy cho doanh nghiệp VN khá nhiều. Tôi chứng kiến bài học hết sức cụ thể. Trcước kia cái bát, cái chén, cái ống hút, cái bút xốp để bọc tivi, VN còn không sản xuất được. Tại thời điểm đó, khi tôi làm khu công nghiệp Tân Tạo, khủng hoảng, các nhà máy kia ko sản xuất nữa, họ bán nguyên nhà máy mới tinh chỉ bằng 30%.


Năm 2007-2009 vừa rồi cũng thế, nhiều doanh nghiệp VN mua được dây chuyền, chúng tôi cũng mạnh dạn mua 1 doanh nghiệp sản xuất đồng hồ của Thuỵ Sỹ. Bây giờ, chúng tôi nắm trong tay công nghệ sản xuất về cơ khí chính xác. Anh em ở đó vẫn giữ nguyên bộ máy cán bộ đó người nước ngoài người Đức và người Thuỵ Sỹ.


CEO Đặng Thành Tâm: Giàu một phần nhờ... khủng hoảng!

Người ta đến nhà máy Canon người ta đặt vấn đề rằng bây giờ chúng tôi xin các ông để sản xuất phụ trợ cho các ông, các linh kiện bằng kim loại công nghệ cao ở đây. Họ xem hồ sơ, họ xem năng lực, họ xem tuổi thọ công ty 200 năm. Tất cả gật đầu ngay tức khắc, không băn khoăn vì sản xuất được cả linh kiện đồng hồ thì quá chính xác.


Vấn đề là bao giờ mình cũng phải nhìn, phải suy nghĩ mình phải tận dụng cơ hội đó như thế nào. Tất nhiên nó còn phụ thuộc vào yếu tố may mắn.


Thứ nhất, thông tin đến với mình.Thứ hai, thông tin đến chính xác mình mới xử lý được. Thứ ba là phải nâng cao năng lực thực sự.


Qua 3 năm khủng hoảng, chúng ta thấy năng lực tài chính của mình đi lên. Đầu tư vào chứng khoán thì mất tiền nhưng có kinh nghiệm. Thực sự qua những năm này có những người bị tổn thất về tài sản nhưng đã thu được về trí tuệ và thói quen đọc trên internet các thông tin quốc tế và Việt Nam. Điều này giúp cho đất nước phát triển. Đây là giá trị vô hình rất quan trọng cho chính người đó trong bước đường tiếp theo.


Doanh nhân phải thuộc nghị quyết Trung ương!


Nhà báo Lê Vũ Phong: Anh đang nói về sự vượt khó. Có một bạn đọc hỏi là để có được thành công hôm nay, anh đã trải qua nhiều thất bại. Vì vậy, bạn đọc rất muốn anh chia sẻ thời điểm khó khăn nhất và kinh nghiệm để vượt qua những khó khăn ấy.


Ông Đặng Thành Tâm: Tôi nói ra có lẽ mọi người cười nhưng thật ra thất bại lúc nào cũng xảy ra cả. Vấn đề là chúng ta cân bằng việc đó như thế nào và cố gắng làm sao xét về tổng thể thì độ thành công nhiều hơn thất bại. Có nghĩa là có những hợp đồng bị lỗ, có những hợp đồng có lời, nếu nhiều lời hơn lỗ thì tổng thể chúng ta vẫn lời, chứ không bao giờ đạt được trọn vẹn cả.


Tôi xin chia sẻ vài điều như thế này.


Thứ nhất, doanh nghiệp cần có hoạch định đường dài. Cái điểm yếu nhất của doanh nghiệp Việt Nam là hoạch định còn ngắn hạn.


Một trong những bài học tôi thích là việc nghiên cứu cái case study của Matsushita của Nhật Bản. Ông bắt đầu sự nghiệp từ năm 1904 với khoảng 700 yên, ông xây dựng kế hoạch 250 năm, mỗi nhiệm kì là 50 năm! Ông đã tạo ra một tập đoàn vĩ đại, vừa qua mua cả Sanyo trở thành tập đoàn điện tử lớn nhất thế giới.


Nhà nước xây dựng kế hoạch 5 năm thì doanh nghiệp chí ít cũng nên xây dựng kế hoạch như thế chứ không phải là kế hoạch năm nào xong năm đấy.


Khi mà Việt Nam có một chuyến hành trình lớn thì cần phải chuẩn bị. Tới đầu năm sau, chúng ta có cả một chính phủ mới, chúng ta có cả bước đường 5 năm với những Nghị quyết cùng rất nhiều điều hấp dẫn. Trong hành trình đó, doanh nghiệp cũng phải có kế hoạch xây dựng theo hướng đó.


Tôi cũng khuyên các doanh nhân phải học thuộc các Nghị quyết TW Đảng. Vì khi nhìn vào đó, các vị sẽ thấy con đường mình phải đi sẽ đồng hành cùng với các chủ trương. Chỉ có một con đường thành công đó thôi và nếu bạn muốn đột phá thì hãy đột phá trên con đường đó thôi, đừng dại dột đột phá ra con đường khác.


Tôi lấy ví dụ về bất động sản. Xây dựng đô thị nên xem định hướng của người ta như thế nào chứ đừng tự nhiên bỏ tiền ra rồi bảo tôi sẽ xây cái này hay hơn, đẹp hơn, bỏ nhiều tiền ra đổi quy hoạch người ta mà làm.


Hay trong công nghệ chẳng hạn. Chúng ta có 2 trung tâm nghiên cứu công nghệ cao và tôi hay nói vui rằng: toàn nghiên cứu cái tào lao, nghiên cứu những cái không thể nào mà ứng dụng được.


Việt Nam mình nên nghiên cứu sản xuất giống lúa vẫn chưa tốt, kể cả nghiên cứu thủy sản vì chúng ta là nước nông nghiệp. Tôi thấy rất nhiều nơi ở TP.HCM, người ta nghiên cứu Nano, nhưng thực tế có ứng dụng được đâu!


Tôi khuyến cáo chúng ta có nghiên cứu thì nên nghiên cứu nông nghiệp, dù chỉ làm tăng năng suất lên nửa tấn lúa thôi thì biết bao nhiệu triệu người mở lời cảm ơn rồi.


Nhiều người cứ nghĩ mình thành công nhưng cuộc đời của họ đã bị lãng phí vì không đem lại cho nhân dân, đất nước điều gì cụ thể. Cho nên thất bại không hẳn là phải mất tiền, thất bại còn là việc mình lãng phí thời gian của bản thân.

Xem thêm bài viết về: Ông Đặng Thành Tâm
Theo Vef
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.