Trao đổi với ĐTCK, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, trong giai đoạn bình ổn nền kinh tế, cũng như các cơ quan điều hành nền kinh tế, các NĐT cần đánh đổi giữa mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.

Ông Tomoyuki Kimura

Ông đánh giá thế nào về những quyết sách bình ổn kinh tế vĩ mô của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua?

Từ đầu năm đến nay, lạm phát có xu hướng giảm thậm chí nhanh hơn dự đoán, đã cho phép Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất một cách đáng kể; với chính sách tài khóa cũng vậy, một số gói hỗ trợ DN đã được công bố. Tôi nghĩ rằng, về tổng thể, khía cạnh tích cực là nền kinh tế khá là ổn định, lạm phát có xu hướng giảm, đồng nội tệ ổn định, dự trữ ngoại tệ có xu hướng ngày càng tăng. Tuy nhiên, hiệu quả của các chính sách này đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN thì chưa được như mong muốn.

Theo ông, nguyên nhân cơ bản là do đâu?

Điểm mấu chốt là những vấn đề của ngành ngân hàng. Sự không chắc chắn về sức khỏe tài chính của các ngân hàng gây ra những quan ngại cho toàn bộ nền kinh tế. Một số ngân hàng quá yếu nên họ ngần ngại cho vay mới, đặc biệt là cho vay các DN nhỏ và vừa. Do đó, giải quyết những tồn tại của ngành ngân hàng là điều quan trọng nhất trong lịch trình chính sách trong thời gian tới.

Giả thiết, những vấn đề trước mắt của ngành ngân hàng cơ bản được giải quyết thì tình hình kinh tế năm 2013 sẽ ra sao, thưa ông?

Chắc chắn sẽ sáng sủa hơn. Dự đoán của chúng tôi cho tăng trưởng GDP năm 2013 là 5,7%. Về cơ bản, chúng tôi dự đoán một số cải thiện về triển vọng trong kinh tế toàn cầu và khi các vấn đề nội tại của kinh tế Việt Nam dần được giải quyết, các hoạt động kinh tế sẽ chạy trở lại. Nhưng nếu hoạt động đầu tư vẫn ảm đạm, có lẽ Chính phủ cần bổ sung thêm các giải pháp hỗ trợ bằng chính sách tài khoá.

Chỉ số CPI sau nhiều tháng bình ổn đã bất ngờ vọt lên trên 2% trong tháng 9. Trong bối cảnh giá hàng hóa đầu vào tiếp tục tăng, liệu cam kết kiềm giữ lạm phát ở mức một con số của Chính phủ có thành công?

Theo cách nhìn nhận của ADB, Chính phủ Việt Nam thực sự đã kiềm chế lạm phát thành công và chúng ta không phải quá lo ngại về CPI năm 2012. Dự đoán, đến cuối năm 2012, lạm phát sẽ là 7%, tỷ lệ lạm phát trung bình trong cả năm 2012 sẽ là 9,1%; năm 2013, lạm phát có thể vẫn ở mức một con số, dự đoán của ADB là khoảng 8,6%.

Chủ trương ưu tiên cho ổn định hơn là tăng trưởng kinh tế của Chính phủ đã được triển khai trên thực tế như thế nào, thưa ông?

Đây là câu hỏi quan trọng và liên quan trực tiếp tới thông điệp chính của ADB gửi tới Chính phủ Việt Nam. Trong quá khứ, khi nền kinh tế gặp suy thoái, Chính phủ phản hồi bằng các biện pháp ngược chu kỳ nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế đạt đến mục tiêu đã định. Qua thời gian, chính những biện pháp đó đã khơi lại lạm phát và làm trì hoãn cải cách cơ cấu kinh tế. Điều quan trọng là không nên lặp lại sai lầm này.

Chính phủ Việt Nam đã rút ra bài học này và hiện đã tập trung nhiều hơn vào bình ổn vĩ mô hơn là tăng trưởng. Tất nhiên, trong bối cảnh suy thoái, vẫn cần dùng chính sách tiền tệ hay tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng, nhưng ADB hy vọng sẽ có sự cẩn trọng trong lựa chọn các chính sách để tránh sự trở lại của lạm phát. Về dài hạn, để Việt Nam có tăng trưởng kinh tế cao đáng kể và vẫn kiềm chế được lạm phát, hoạt động tái cấu trúc một cách chủ động và có hệ thống chính là chìa khóa. Vì vậy, Chính phủ không nên lơ là tái cấu trúc chỉ để giải quyết các vấn đề ngắn hạn.

Vậy đâu là cơ hội cũng như thách thức với các nhà đầu tư trong việc chuyển hướng ưu tiên này?

Trong giai đoạn bình ổn nền kinh tế, cơ hội để có lợi nhuận trước mắt với các nhà đầu tư là không nhiều. Bởi các nhà đầu tư và ngay cả các cơ quan điều hành cũng phải hiểu rằng, bất kỳ một chính sách nào để thúc đẩy nền kinh tế trong thời gian tới thông qua chính sách tiền tệ hay tài khóa cũng không nên làm mất sự tập trung vào lịch trình tái cấu trúc nền kinh tế. Vì nhờ hoạt động tái cấu trúc, trong dài hạn, có thể tạo ra môi trường đầu tư tốt hơn và các nhà đầu tư cũng sẽ tìm thấy những cơ hội đầu tư hấp dẫn hơn. Đó là sự đánh đổi giữa mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.

Theo Hồng Dung (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Cần đánh đổi giữa mục tiêu ngắn hạn và dài hạn

    Cần đánh đổi giữa mục tiêu ngắn hạn và dài hạn

    08/10/2012 9:11 PM

    Trao đổi với ĐTCK, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, trong giai đoạn bình ổn nền kinh tế, cũng như các cơ quan điều hành nền kinh tế, các NĐT cần đánh đổi giữa mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.

  • Tái cấu trúc ngân hàng, cần tính đến đối tác ngoại

    Tái cấu trúc ngân hàng, cần tính đến đối tác ngoại

    24/09/2012 1:07 PM

    Rất quan tâm đến chủ đề tái cấu trúc hệ thống tài chính - ngân hàng, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, đây là một nhiệm vụ dài hạn và phức tạp, đòi hỏi việc thực thi các cải cách theo trình tự thời gian và cần sử dụng sức mạnh tổng hợp từ các nguồn lực trong và ngoài nước.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.