Rất quan tâm đến chủ đề tái cấu trúc hệ thống tài chính - ngân hàng, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, đây là một nhiệm vụ dài hạn và phức tạp, đòi hỏi việc thực thi các cải cách theo trình tự thời gian và cần sử dụng sức mạnh tổng hợp từ các nguồn lực trong và ngoài nước.

Hiện có một số quan điểm cho rằng, việc tăng tỷ lệ sở hữu của đối tác nước ngoài tại các ngân hàng trong nước là một trong những biện pháp hữu hiệu để tái cấu trúc các tổ chức tín dụng. Ông đánh giá thế nào về quan điểm này? Liệu sự tham gia sâu hơn của phía nước ngoài có thể giúp các ngân hàng Việt Nam giải quyết được vấn đề nợ xấu và cải thiện chất lượng hoạt động?

Tôi cho rằng, không chỉ trong giai đoạn tái cấu trúc, việc tăng tỷ lệ sở hữu của nước ngoài tại các ngân hàng trong nước có thể giúp các đơn vị này nói riêng và cả hệ thống nói chung tăng tiềm lực về vốn, cũng như hợp tác kinh doanh ở tầm quốc tế. Sự tham gia ấy còn có thể giúp cải thiện khả năng quản trị của ngân hàng nội, hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang các chuẩn mực ngân hàng quốc tế như về trích lập dự phòng và hạch toán kế toán, nhờ đó các đơn vị này có thể nâng cao trách nhiệm giải trình và tính minh bạch.

Những lợi ích trước mắt và lâu dài đã được ông chỉ ra, nhưng theo ông, nếu cho phép một tỷ lệ sở hữu nước ngoài lớn hơn thì mức bao nhiêu là thích hợp?

Chính phủ Việt Nam xem hệ thống ngân hàng là một thành tố chiến lược quan trọng trong nền kinh tế qua cam kết sẽ phát triển một số NHTM nhà nước có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực. Do đó, quyết định về việc cho phép các đối tác nước ngoài nắm giữ ở tỷ lệ bao nhiêu không đơn thuần mang tính kỹ thuật mà hàm chứa cả yếu tố thể chế. Để xác định được tỷ lệ tham gia của đối tác ngoại vào các ngân hàng nội sao cho phù hợp, Chính phủ cần cân bằng mục tiêu giữ ổn định với việc tạo ra một dư địa lớn hơn cho quyền quyết định của các nhà đầu tư nước ngoài. Cũng cần thấy rằng, các ngân hàng ngoại có thể sẽ không đầu tư nếu họ thấy tỷ lệ ấy quá nhỏ để tạo ảnh hưởng lên các quyết định chiến lược trong ngân hàng mục tiêu.

Liệu có thể đặt vấn đề ngược lại là Việt Nam có thể tái cấu trúc hệ thống ngân hàng mà không cần phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài, thưa ông?

Theo tôi, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là một quá trình đòi hỏi cả thời gian và tốn kém nguồn lực vật chất. Nguồn vốn cho hoạt động tái cơ cấu có thể từ trong nước hay nước ngoài. Nếu đến từ các nguồn trong nước, thì có thể đến từ khu vực tư nhân hoặc Chính phủ. Tuy nhiên, hiện tại, điều kiện thị trường cả trong và ngoài nước đều không thuận lợi cho thu hút đầu tư vào hệ thống ngân hàng. Do phạm vi và tính phức tạp của quá trình tái cấu trúc, Chính phủ nên xem xét khai thác tất cả các lựa chọn, chứ không chỉ từ các nguồn lực trong nước. Bên cạnh nguồn lực vốn, những lợi ích từ việc chuyển giao kinh nghiệm quốc tế từ các đối tác ngoại cũng là điều cần tính đến.

Theo ông, nếu cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu tỷ lệ lớn hơn thì những rủi ro mà hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể phải đối mặt là gì?

Theo tôi, chỉ có một hạn chế là môi trường kinh doanh không thuận lợi hiện nay khiến tài sản của các ngân hàng có thể phải bán với giá rẻ hơn mức trung bình.

Trên thực tế, ADB đã có những động thái gì trong việc trợ giúp cải cách hệ thống ngân hàng Việt Nam, thưa ông?

Tái cấu trúc hệ thống tài chính là một nhiệm vụ dài hạn và phức tạp. Các cải cách phải được tiến hành ở mọi cấu phần của khu vực tài chính, bao gồm cải cách DNNN, thị trường vốn và lĩnh vực ngân hàng. Thông qua các chương trình cho vay và hỗ trợ kỹ thuật, ADB đã và đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong giải quyết các nút cổ chai của hạ tầng khu vực tài chính, tăng cường khả năng thể chế, luật pháp và khung khổ điều tiết.

Nói về những tham gia cụ thể của ADB, hiện chúng tôi đang triển khai hỗ trợ kỹ thuật để giúp Chính phủ thiết kế ra một chương trình cải tổ khu vực tài chính. Các cải cách trong chương trình này sẽ được triển khai theo quan điểm rằng, việc cơ cấu lại thị trường tiền tệ là điểm nút nhằm giải quyết các mất cân bằng kinh tế vĩ mô. Chương trình này cũng hỗ trợ cho Chính phủ trong việc tăng tiềm lực của thị trường vốn thông qua thị trường trái phiếu chính phủ, cũng như hỗ trợ xây dựng khả năng cho các cơ quan điều tiết và giám sát ở khu vực này.

Theo Hồng Dung (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Tái cấu trúc ngân hàng, cần tính đến đối tác ngoại

    Tái cấu trúc ngân hàng, cần tính đến đối tác ngoại

    24/09/2012 1:07 PM

    Rất quan tâm đến chủ đề tái cấu trúc hệ thống tài chính - ngân hàng, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, đây là một nhiệm vụ dài hạn và phức tạp, đòi hỏi việc thực thi các cải cách theo trình tự thời gian và cần sử dụng sức mạnh tổng hợp từ các nguồn lực trong và ngoài nước.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.