Vụ khăn lụa Khaisilk và cơn bão thâu tóm của các đại gia nước ngoài khiến người tiêu dùng thờ ơ hơn với hàng “made in Vietnam”.

Kết quả khảo sát của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) vừa cho biết, tỷ lệ người tiêu dùng yêu thích và thường mua sản phẩm nội địa lần lượt là 51% và 60%. BSA đánh giá đây là tín hiệu “đáng ngại” vì tỷ lệ đã giảm mạnh lần lượt 27 điểm phần trăm và 32 điểm phần trăm so với năm 2017.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là niềm tin của người tiêu dùng vào thương hiệu Việt đang bị lung lay. Hiệp hội này nhận định, nhiều doanh nghiệp Việt làm ăn không minh bạch và thiếu chân chính đã gây ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt. Đơn cử là trường hợp một chiếc khăn hai nhãn mác của Khaisilk.

Quản lý thị trường TP HCM kiểm tra bên trong một cửa hàng Khaisilk hồi tháng 10/2017.

Bên cạnh đó, những thương hiệu Việt có uy tín trên thị trường lại phải đối diện với mức độ rủi ro nhiều hơn, bởi nạn hàng gian, hàng giả.

“Tất cả không còn chỉ là câu chuyện riêng lẻ của từng doanh nghiệp, từng vụ việc, mà đó còn là câu chuyện của các cơ quan quản lý, kiểm duyệt và của cả người tiêu dùng. Niềm tin vào uy tín của hàng Việt bị xói mòn, sẽ càng tạo ra những lỗ hổng”, BSA nhận định.

Khi niềm tin hàng Việt lung lay thì các sản phẩm xuất xứ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã nhanh chân nhảy vào khoảng trống này.

Nếu như kết quả khảo sát năm 2017 cho thấy sản phẩm ngoại nhập từ Thái, Nhật, Hàn được người tiêu dùng thường mua chỉ dưới 3%, thì nay đã tăng lên 8-10%. Thậm chí, những sản phẩm như bánh kẹo, đồ uống, tỷ lệ mua dùng sản phẩm có xuất xứ từ Thái, Nhật, Hàn khá cao (12-17%). Hiện tỷ lệ người tiêu dùng yêu thích sản phẩm có xuất xứ từ các thị trường này đang cao hơn so với tỷ lệ mua dùng. Điều này có nghĩa, trong tương lai gần, tỷ lệ mua dùng vẫn sẽ tăng khi khách hàng có đủ các điều kiện tiếp cận sản phẩm.

Ngoài ra, ở đây còn có nhiều nguyên nhân chủ quan. Trong đó phải kể đến việc các đại gia bán lẻ nước ngoài tiếp cận Việt Nam rất bài bản, thông qua việc thâu tóm và tiếp thị.

“Sự thâu tóm hệ thống các kênh bán lẻ tạo lợi thế rất lớn đối với sự góp mặt, cũng như gia tăng giành thị phần cho sản phẩm. Nói cách khác, sản phẩm có xuất xứ từ các quốc gia thâu tóm được hệ thống các kênh bán lẻ, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường”, BSA nhận định.

Tính đến nay, các doanh nghiệp Thái đang sở hữu Mega Market (tên gọi cũ là Metro) với 19 siêu thị, B’smart có 75 cửa hàng tiện lợi và định hướng mở 3.000 cửa hàng, Big C có 32 siêu thị, Robinson... Đó là chưa kể Central Group nắm 49% cổ phần hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim.

Bên trong một chuỗi cửa hàng tiện lợi từ Hàn Quốc mới vào Việt Nam.

Nhật Bản thì có hệ thống đại siêu thị Aeon Mall, trung tâm thương mại Takashimaya, hệ thống cửa hàng tiện ích như Family Mart, 7-Eleven… Hàn Quốc gắn liền với tên tuổi của Lotte, Emart và mới đây nhất là GS25.

Không chỉ dừng lại ở việc thâu tóm không gian kết nối người tiêu dùng với sản phẩm, các doanh nghiệp Thái, Nhật, Hàn còn chủ động thực hiện nhiều chương trình kích hoạt nhằm đánh động “xúc cảm” để thu hút và chinh phục người mua, cùng với đó là sự hỗ trợ cần thiết và hiệu quả từ phía các cơ quan hữu trách của nước đó.

Đơn cử như năm 2017, có đến 15 hội chợ hàng Thái được tổ chức tại Việt Nam. Trong khi đó, từ năm nay, vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan mà chương trình Hàng Việt về nông thôn sẽ chấm dứt.

“Những nỗ lực và cố gắng có căn cơ của doanh nghiệp ngoại đang giúp họ lấn dần và người tiêu dùng đáng có xu hướng chuyển dịch sang sử dụng sản phẩm ngoại nhập ngày càng nhiều. Đây cũng là một trong những lo ngại của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Phượng – Phụ trách điều tra của BSA bình luận.

Cuộc điều tra năm nay của BSA được thực hiện trên cả nước với hơn 20.000 phiếu được phát ra và 17.300 phiếu đạt chuẩn. Chương trình cũng bình chọn được 640 doanh nghiệp đủ điều kiện đạt chứng nhận Hàng Việt Nam Chất lượng cao 2018. Trong đó, có 30 doanh nghiệp đạt danh hiệu liên tiếp trong 22 năm.

Viễn Thông (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.