Dù không ăn gà tây hay bánh bí ngô trong Lễ Tạ Ơn, cô Hannah Lyons (Anh) vẫn hào hứng tham gia vào ngày mua hàng giảm giá tại siêu thị gần nhà, chẳng khác nào người Mỹ.

"Tôi đã chuẩn bị sẵn sàng thẻ tín dụng rồi", Lyons cho biết khi đang mua sắm tại trung tâm thương mại Westfield White City (London, Anh). Black Friday - lễ hội mua sắm lớn nhất năm của người Mỹ, được tổ chức ngay sau Lễ Tạ Ơn, đang dần thịnh hành trên toàn thế giới.

Xu hướng này đã lan đến Canada 5 năm trước, dù người nước này tổ chức Lễ Tạ Ơn vào tháng 10. Sự phát triển của Internet đã khiến việc này trở thành hiện tượng trên toàn cầu, khi khách hàng chỉ cần một cú click chuột để mua đồ từ các hãng thương mại điện tử Mỹ, bất chấp phải trả thêm phí vận chuyển.

"Người tiêu dùng rất rành. Họ biết khi nào Mỹ sắp có đợt giảm giá lớn, và nhờ thương mại điện tử, họ vẫn có thể tham gia", Chris Morton - Giám đốc Lyst - website bán hàng thời trang tại London cho biết. Ông dự đoán website của mình đạt lượng truy cập gấp 6 trong dịp cuối tuần này, nhờ Black Friday.

london-9519-1417172917.jpg

Người dân tranh nhau hàng giảm giá tại một siêu thị của Asda tại London năm ngoái. Ảnh: Bloomberg

Ở Costa Rica, giới chức cũng cảnh báo người tiêu dùng cẩn thận hàng giả trong dịp Viernes Negro (Black Friday trong tiếng nước này). Conrad Electronic của Đức cũng có tuần hạ giá Black Week với các chương trình như giảm 14% TV Samsung. Chuỗi siêu thị Nam Phi - Checkers cũng cam kết giảm giá 50% trong ngày Black Friday.

Thậm chí tại Pháp - nơi việc giảm giá được kiểm soát rất chặt, chuỗi siêu thị Casino Guichard-Perrachon, hãng bán lẻ Groupe Fnac và cửa hàng trực tuyến La Redoute cũng đã hạ giá hàng loạt cho dịp "Le Black Friday". La Redoute giảm 55% máy tẩy lông Braun, Casino tung giá thấp kỷ lục cho máy pha cà phê Nespresso. Còn website của hãng - CDiscount tung chương trình Black Friday tại 8 quốc gia đang hoạt động, trong đó có Senegal, Việt Nam và Colombia.

Hãng bán lẻ trực tuyến của Thụy Điển - CDON cũng áp dụng mô hình Black Friday năm ngoái. Hãng cho biết doanh số đã tăng hơn gấp đôi so với một ngày thứ Sáu thông thường. Lượt truy cập cũng lên 1,2 triệu.

Ở Anh, Amazon đã thực hiện chương trình này từ năm 2010. Đến nay, trào lưu này đã lan ra ít nhất 10 chuỗi siêu thị lớn khác, trong đó có Marks & Spencer và J Sainsbury. "Amazon đã đi tiên phong trong việc tăng nhận thức của người dân về sự kiện này", Bryan Roberts - nhà phân tích tại hãng nghiên cứu Kantar Retail cho biết.

Người Anh dự kiến chi thêm khoảng 200 triệu bảng (316 triệu USD) cho ngày này so với trung bình, theo hãng nghiên cứu Mintel. Con số này cao hơn nhiều một thứ Sáu bình thường của tháng 12 và gần gấp đôi năm ngoái.

Thậm chí, cả hoạt động chen lấn xô đẩy giành hàng giảm giá của Mỹ cũng được ‘xuất khẩu’ sang nước ngoài. Năm ngoái, một phụ nữ Bắc Ireland đã phải nhập viện vì bị thương ở tay trong lúc chen lấn mua số hàng được quảng cáo là "tiết kiệm cực sốc" . Năm nay, cửa hàng trên đã phải tăng cường "cả tá nhân viên" an ninh và bán hàng.

Tại Việt Nam, Ngày mua sắm trực tuyến đầu tiên cũng sẽ diễn ra vào ngày 5/12 tới, dưới sự tổ chức của Bộ Công thương và Hiệp hội thương mại điện tử. Vào ngày này, dự kiến hàng triệu lượt người sẽ ghé thăm và tham gia mua sắm tại website chính thức của chương trình onlinefriday.vn. Đến nay, hơn 760 doanh nghiệp thương mại điện tử trên nhiều lĩnh vực đã đăng ký tham gia bán hàng. Các hình thức khuyến mãi phổ biến là giảm giá hoặc miễn phí vận chuyển.
Hà Thu (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.