Đâu là điểm khác nhau giữa người thành công và kẻ thất bại trong thế giới phần mềm mạng?

Hiện nay, rất nhiều công ty hoạt động dưới mô hình phần mềm mạng SaaS - Software as a Service. Theo dự đoán, đến năm 2020, có khoảng 73% doanh nghiệp đi theo mô hình này.

Đây là một mô hình kinh doanh, trong đó doanh nghiệp cung cấp những phần mềm trực tuyến và người dùng trả phí để truy cập/sử dụng. Những phần mềm này hoạt động dựa trên công nghệ điện toán đám đây.

SaaS cho phép người dùng có thể sử dụng phần mềm ở bất kỳ đâu, truy cập nhanh hơn, chi phí thấp hơn, sử dụng dễ dàng hơn. SaaS có nhiều hình thức, bao gồm Quản lý Quan hệ Khách hàng (CRM - Customer Relationship Management); dịch vụ cộng tác và thư điện tử; quản lý bán hàng; quản lý tài liệu; chỉnh sửa và tạo phần mềm.

Ngành công nghiệp SaaS đã thịnh thành trên khắp thế giới từ những năm 60 của thế kỷ trước. Đằng sau thành công đáng ngưỡng mộ ấy là những nỗ lực ấn tượng và hoạt động chăm chỉ của rất nhiều công ty công nghệ. Trong đó, 7 cái tên dưới đây được lưu danh là những người tiên phong, tạo ra khác biệt cho thế giới SaaS.

Slack

Slack là nền tảng nhắn tin nhanh chóng dựa trên công nghệ đám mây. Tuy nhiên Slack không chỉ dừng lại ở chức năng nhắn tin. Với khả năng gửi và lưu trữ tệp, gọi video và tạo các kênh làm việc có tổ chức, công ty này đã có những bước tiến rất lớn so với một startup ban đầu.

Vậy đâu là bí quyết thành công của Slack? Câu trả lời chắc chắn nằm ở việc thiết kế, khi rất nhiều khách hàng thừa nhận “nghiện” Slack và sử dụng nó hằng ngày. Thay vì hoạt động như một công cụ trò chuyện truyền thống, mục tiêu của Slack lại là trở thành “robot phụ tá”, giúp đỡ người dùng trong cuộc sống hàng ngày.

Nghe có vẻ khôi hài, thế nhưng mục tiêu này lại thực sự hiệu quả. Đến hiện tại, Slack đã sở hữu hơn 10 triệu người dùng và con số này sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai.

Ở đây, bí quyết thành công nằm ngay chính trong sản phẩm. Chỉ cần đó là một sản phẩm tốt, thân thiện với người dùng, thì chắc chắn sẽ có người đồng ý chi tiền vì sản phẩm đó.

Google

Hiện tại, Google cung cấp đến 137 sản phẩm SaaS khác nhau, từ những phần mềm văn phòng như Google Docs đến các công cụ quảng cáo như Google Adwords. Với giá trị ròng lên đến 300 tỷ USD, đây quả thực là một công ty đáng để học hỏi.

Ở Google, điểm nổi bật nhất chính là sự cải tiến. Đây cũng là chìa khóa cho mọi nhiệm vụ của công ty. Với nhiều người, những kết quả tìm kiếm tự động, những quảng cáo và các nội dung được xếp hạng đã trở nên quá bình thường, chẳng có gì đáng nhắc đến. Thế nhưng nên nhớ rằng, tất cả những cải tiến này đều được sáng tạo bởi Google. Trong vị thế một người cải tiến, Google đã chấp nhận đứng trước ngọn sóng, chấp nhận nguy hiểm, chấp nhận những suy nghĩ không chỉ là phá cách, mà còn là hướng về tương lai con người.

Zendesk

Công cụ quản lý quan hệ khách hàng (CRM) này cho phép người dùng tạo và theo dõi tình hình công việc, đồng thời quản lý được việc lên hóa đơn, chuyển hàng cũng như quản lý dữ liệu khách hàng. Với Zendesk, điều làm nên thành công chính là sự sáng tạo.

Zendesk không chỉ mong đợi sự sáng tạo từ đội ngũ truyền thông tiếp thị. Sự sáng tạo ấy phải được hiện diện ngay trong chính những người kỹ sư, những nhà lập trình. Chính vì vậy, Zendesk cho họ tự do làm những gì họ nghĩ là tốt nhất. Điều này giúp đội ngũ lập trình viên tạo nên số lượng lớn những sản phẩm và ứng dụng cực kỳ mới lạ cho khách hàng.

Shopify

Shopify sở hữu sản phẩm giải pháp thị trường số, cho phép người dùng khởi lập, phát triển và quản lý cửa hàng trực tuyến của riêng họ. Tất cả mọi thứ, từ sản phẩm, nhà kho, cho đến thanh toán và chuyển hàng, đều có thể được quản lý thông qua phần mềm của Shopify. Theo thống kê, Shopify là website có số lượng truy cập đứng thứ ba thế giới trong mảng thương mại dịch vụ.

Một trong những nhân tố tạo nên sự thành công của Shopify chính là nội dung đa dạng. Điều này giúp Shopify có được hàng triệu lượt xem mỗi tháng. Trong trường hợp của Shopify, thống trị trong lĩnh vực của mình chính là tạo ra những sản phẩm và tài nguyên thu hút sự quan tâm của mọi người. Nên nhớ rằng, những nội dung chuẩn xác, dễ kết nối và có liên quan đến khách hàng chính là chìa khóa thành công

SurveyMonkey

SurveyMonkey là phần mềm được sử dụng trong rất nhiều cuộc khảo sát bởi những tính năng quản lý và thiết kế tối ưu. Mô hình hoạt động của SurveyMonkey là freemium (bán trả phí) và công ty tăng trưởng bình quân 17% mỗi năm.

Cựu CEO của SurveyMonkey, Dave Goldberg, chia sẻ rất nhiều bí quyết thành công. Theo ông, một trong số đó chính là phải có tầm nhìn, phải vạch sẵn đường đi nước bước và có mục tiêu rõ ràng. Phải chỉ ra được bạn đang làm gì, tại sao bạn làm như vậy, tại sao sản phẩm đó lại quan trọng. Sau đó, tiếp thị và bán sản phẩm ấy đến tất cả mọi người với một niềm tin và sự tự hào sâu sắc.

Microsoft

Phân khúc kinh doanh SaaS của Microsoft rất phát triển hiện nay, với tỷ lệ tăng trưởng lên đến 45% mỗi năm. Ở thời điểm hiện tại, Microsoft vẫn được xem là những nhà tiên phong trong việc cải thiện và chuyển các ứng dụng trên máy tính lên nền tảng đám mây, mà ví dụ điển hình chính là sản phẩm Office 365.

Thích nghi với những sự thay đổi theo cách mới lạ chính là một trong những chìa khóa thành công của Microsoft. Mặc dù cạnh tranh với Apple, Microsoft vẫn liên tục tạo ra các sản phẩm và dịch vụ luôn được hiện diện trên chính các sản phẩm Apple! Thay vì cố gắng thống trị một thị trường, Microsoft lại chậm rãi, chắc chắn đặt chân lên nhiều lĩnh vực. Đôi khi, đây lại là chiến lược kinh doanh thành công hơn hẳn so với việc chỉ tập trung vào một lĩnh vực.

Adobe

Adobe ban đầu không phải là một nhà cung cấp SaaS. Trước kia, sản phẩm của họ được cài đặt và sử dụng ngoại tuyến. Tuy nhiên, khi nhận thấy sự chuyển đổi nhanh chóng của thị phần phần mềm, Adobe biết rằng họ cần phải thay đổi để giữ vững chỗ đứng của mình. Điều này dẫn đến sự chuyển mình của công ty trong năm 2012. Adobe dần cho ra mắt những kế hoạch cung cấp SaaS cho phép người dùng truy cập những dịch vụ của Adobe thông qua Adobe Creative Cloud.

Vì sao Adobe đạt được những thành công này? Câu trả lời nằm ở chỗ, vì họ biết liên tục phân tích tỷ lệ lợi nhuận (ROI - Return On Investment) dựa trên các dữ liệu, để từ đó đưa ra những chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể nhất, rõ ràng nhất.

Lời kết

Nhìn chung, thành công được tạo ra từ khả năng lãnh đạo, đội ngũ làm việc giàu chuyên môn và những tầm nhìn cụ thể. Ngành công nghiệp SaaS, với những thành công vang dội của nó, chính là một mảnh đất màu mỡ để trau dồi và học hỏi. Chú ý và học tập từ những doanh nghiệp SaaS thành công nhất sẽ giúp các startup chập chững trong lĩnh vực này đạt được những thành tựu trong mơ.

Quân Bảo (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.